Hàng Trung Quốc thành… hàng Thái
Một tiểu thương tại sạp kẹo mứt T.D. chợ Bình Tây cho biết, hầu hết nguồn kẹo mứt tại chợ là hàng trong nước hoặc Trung Quốc và Thái Lan. Mứt Việt chỉ quanh quẩn các loại: khoai, bí, chuối, dừa, gừng, mãng cầu và trên mỗi viên mứt đều có thông tin nhà sản xuất hoặc có gắn tem hàng Việt Nam chất lượng cao. Thái Lan thì chuyên về các loại mứt hàng xá sấy dẻo như xoài, vỏ bưởi, mứt me, chanh, thơm, ổi. Các loại mứt xá khác như cherry, kiwi, cam, nho, đào, chà là, hồng, bí, khoai lang… đều là của Trung Quốc.
Nếu là mứt bí Việt Nam thì sẽ được đóng dạng cây 5-10kg, miếng mứt bí khá nhỏ, bên ngoài có nhãn mác. Còn mứt bí Trung Quốc thì đóng thùng, sẽ được khui ra bán xá không nhãn mác với miếng mứt khá to.
Một điểm đang sang chiết mứt từ các thùng mứt không có nhãn mác sang các hộp, túi mứt được in tiếng Thái Lan
Những mối quen đến chợ mua mứt không bao giờ hỏi nguồn gốc vì đã biết rõ và thường thấy số lượng nhiều. Còn nếu khách lạ, khi hỏi sẽ được người bán giới thiệu đủ nguồn gốc, nhưng tuyệt nhiên né hai chữ Trung Quốc. Ví dụ, cùng một loại quả chà là sấy giá 60.000 đồng/kg, đựng trong thùng giấy không nhãn mác, chủ sạp T.D. nói hàng Trung Quốc nhưng sang sạp khác sẽ giới thiệu là Ai Cập, có sạp nói chà là Ấn Độ.
Tương tự, các loại đào sấy dẻo và cherry (có loại nhuộm màu vàng, màu xanh, màu đỏ…) cũng là của Trung Quốc nhưng có sạp quảng cáo của Hàn Quốc, có sạp khẳng định hàng Thổ Nhĩ Kỳ.
Mọi năm, nho sấy Trung Quốc về chợ phần lớn là dạng nho trái rời, với giá 90.000 đồng/kg, được người bán quảng cáo là nho sấy Mỹ, Ninh Thuận. Năm nay, nho nguyên cành của Trung Quốc về chợ khá nhiều. Do là loại nho “sang chảnh” và khá thu hút người mua nên cũng được người bán gắn mác hàng Úc, Iran và Ấn Độ. “Nhìn vào chùm nho khô, chỉ có người trực tiếp nhập hàng về mới biết nguồn gốc, còn người mua thì chỉ biết tin theo lời người bán”, tiểu thương tại sạp này nói.
Với các loại hạt và sô-cô-la, nếu là sô-cô-la Ấn Độ sẽ được đóng gói trong bao bì, chủ sạp không bao giờ dám khui ra hoặc chỉ khui gói nếu đó là sô-cô-la Việt Nam, trên mỗi viên kẹo sẽ có dòng chữ thương hiệu để nhận dạng. Còn sô-cô-la Trung Quốc thì không nhãn mác nên sẽ được khui ra bán, thường được gói giấy bạc với nhiều hình dáng là ngũ quả, quả trứng, trái tim, thỏi bạc… và trộn với nhau, bán chỉ khoảng 60.000 đồng/kg. Riêng các loại hạt dẻ, mắc ca, bí, dưa đều là hàng Trung Quốc. Chợ cũng bán hạt dưa, hạt bí của Việt Nam nhưng mỗi bịch (dù 5-10kg) đều dán nhãn thương hiệu.
Trong buổi chiều có mặt tại chợ, chúng tôi gặp không ít người đến tìm mua mứt, kẹo, các loại hạt với số lượng nhiều để về đóng gói bao bì khác rồi bán lại. “Họ lấy về tự đóng gói, dán nhãn thì sẽ trở thành hàng có thương hiệu nên sẽ dễ bán. Cũng có nơi lấy về đóng gói rồi trang trí thêm vào các giỏ quà tết”, nhân viên tại sạp P.T. nói.
Rủi ro cho người mua
Hiện trên các chợ thương mại điện tử, mạng xã hội, tràn ngập các loại hạt, bánh, mứt bán theo từng set (phần) với giá từ 120.000-180.000 đồng/kg, đắt hơn nhiều so với giá tại chợ sỉ Bình Tây. Cùng một loại mứt, có nơi dán nhãn hàng Việt, có nơi dán nhãn tiếng Thái Lan.
Sô-cô-la được cho của Việt Nam lại trồi lên một viên có chữ Trung Quốc
Lấy lý do muốn mua mứt Thái Lan với số lượng nhiều, chúng tôi hẹn đến một địa chỉ bán mứt online trên đường Nguyễn Ngọc Cung (Q.8, TP.HCM). Tại đây, người bán đang đóng gói các loại mứt chuẩn bị giao cho khách. Mứt được sang chiết từ các thùng giấy không nhãn mác sang các hộp, túi có kéo khóa, bên trên có dán duy nhất dòng chữ “Gourmet Thai” - được cho là của một thương hiệu nổi tiếng Thái Lan. Trong khi đó, so sánh sản phẩm có dán nhãn “Gourmet Thai” khác trên thị trường thì thấy trên sản phẩm sẽ có thêm thông tin về nhà sản xuất, các giải thưởng mà thương hiệu này đạt được, chứ không sơ sài như vậy.
Các tiểu thương tại chợ Bình Tây khẳng định, mứt Thái Lan nhập hàng thùng về Việt Nam chủ yếu là các loại mứt sấy dẻo đặc trưng của Thái Lan như xoài, vỏ bưởi, me, chanh, thơm, ổi. Nhưng trong các “set” mứt được cho là của Thái Lan bán trên mạng (thường có chín loại) lại có thêm đủ loại như hồng, đào, kiwi, chà là, cherry… vốn là các loại mứt đặc trưng của Trung Quốc khi nhập về Việt Nam.
Ngoài bán lẻ qua mạng, các “set” mứt này còn xuất hiện trong các giỏ quà với giá đắt đỏ. Ghé một điểm bán giỏ quà tết gần chợ Bà Hoa (Q.Tân Bình), những “set” mứt trông na ná “set” mứt “Gourmet Thai” trên lại được dán tem nhãn thông tin tiếng Việt. Trong các giỏ quà này, chúng tôi còn thấy không ít hộp hạt mắc ca, hạt dẻ, sô-cô-la được đựng trong hộp nhựa nhỏ, dán thông tin tiếng Việt, gắn nơ “chúc mừng năm mới”, song lại trồi lên một viên sô-cô-la có dán chữ Trung Quốc.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, đối với thực phẩm chế biến sẵn phải đảm bảo thủ tục tự công bố. Từ việc tự công bố này, ban có kế hoạch hậu kiểm và thanh tra, cũng lấy mẫu để kiểm nghiệm. Tuy nhiên, cũng chỉ lấy đại diện theo lô hàng, vì số lượng rất lớn. Đặc biệt, trong dịp tết này, bà Lan cho biết: “Chúng tôi quan tâm đến các mặt hàng bánh, mứt, kẹo và thực phẩm chế biến như giò, chả, xúc xích… những mặt hàng có sức tiêu thụ lớn. Trước tết hai tháng, chúng tôi đã kiểm tra, giám sát từ cơ sở sản xuất đặc biệt là các kho nguyên liệu và bây giờ chúng tôi tập trung nhiều vào hệ thống phân phối”.
“Chúng tôi thường xuyên phối hợp với ban quản lý chợ, với từng địa phương, quận, huyện để kiểm tra xuất xứ bánh, kẹo, mứt, kiểm tra một số chỉ tiêu về chất độc hại, ví dụ như có hàn the hay không…”, bà Lan nói.
Riêng đối với việc kinh doanh thực phẩm tết dạng nhà làm, kinh doanh qua mạng, bà Lan cho rằng, thực tế có một số loại thực phẩm kinh doanh qua mạng quá đơn giản, ai làm cũng được, tùy tiện quảng cáo. Bà Lan khẳng định: “Kinh doanh qua mạng, hay kinh doanh bình thường đều phải đáp ứng các tiêu chí nếu là thực phẩm thuộc dạng chế biến thì phải có sự công bố, còn đối với thực phẩm tươi sống thì phải có nguồn gốc rõ ràng. Nếu là thịt, chúng tôi yêu cầu có thêm truy xuất nguồn gốc, hoặc vòng nhận diện”.
Đồng thời, đại diện Ban An toàn thực phẩm cho rằng, ban cũng tiến hành đưa hình thức kinh doanh qua mạng vào diện phải được lấy mẫu kiểm nghiệm, thanh kiểm tra. Tuy nhiên, có một thực tế, ngoại trừ cơ sở kinh doanh qua mạng tương đối lớn, có uy tín, địa chỉ rõ ràng dễ kiểm soát, thì đối với các tài khoản bán qua Zalo, Facebook nhỏ, lẻ sẽ rất may rủi. “Điều này đòi hỏi chúng ta phải có cơ chế rõ ràng hơn, siết chặt hơn. Tuy nhiên, trong thời gian chờ cơ chế thì Ban An toàn thực phẩm vẫn khuyến khích, vận động người bán hàng qua mạng hoặc nhà làm có đăng ký rõ ràng. Người tiêu dùng nên lựa chọn địa chỉ bán uy tín để hạn chế tối đa nguy cơ rủi ro từ các dạng thực phẩm trên”, bà Lan khuyến cáo.
“Kinh đô” La Phù - bánh kẹo mùa tết
Chỉ một đoạn đường ngắn La Phù ở xã La Phù nhưng san sát cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo
Không chỉ hàng nhập lậu, dọc con đường từ tỉnh lộ 72 tới gần cổng trụ sở UBND xã La Phù là hàng trăm cửa hàng, cơ sở kinh doanh hoạt động nhộn nhịp. Đây đều là điểm tập kết, luân chuyển bánh kẹo, mứt tết, nước tăng lực, bia rượu, các nhu yếu phẩm... nên có rất nhiều xe tải, container đậu chờ lên hàng. Từ các ngõ ngách xương cá, xe ba bánh ùn ùn vào ra, liên tục ách tắc.
Mỗi hộp bánh ở La Phù chỉ có giá khoảng 10.000 - 15.000 đồng/hộp, trong khi giá bán của các hãng có thương hiệu là 50.000 - 60.000 đồng/hộp. Do đánh vào thị trường giá rẻ nên vào dịp tết, các đại lý, cửa hàng, tiệm tạp hóa từ khắp mọi nơi đổ về La Phù để “đánh hàng”. Chủ các cơ sở sản xuất, kho hàng ở đây thường rất ngại tiếp xúc, né tránh các câu hỏi, hoặc “mời” đi mua chỗ khác nếu không phải là khách quen.
Cơ quan chức năng đã từng phát hiện nhiều vụ làm hàng nhái, giả ở Hoài Đức (Hà Nội). Mới đây, ngày 5-1, Đội Quản lý thị trường số 24, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Công an huyện Hoài Đức bắt quả tang Công ty TNHH Chế biến nông sản Minh Quang, trụ sở ở Đội 4, xã Cát Quế (Hoài Đức) đang thuê công nhân dập lại date của 3 tấn bánh quy mang hiệu “Torku” ghi nguồn gốc xuất xứ trên bao bì từ Thổ Nhĩ Kỳ nhưng đã hết hạn sử dụng từ tháng 2-2020. Tại đây còn có nhiều loại máy móc như máy in, máy đóng gói bao bì cùng hàng loạt các loại túi, vỏ hộp để đựng, đóng gói sản phẩm.
Bác sĩ Dương Thị Kim Loan, Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện Thống Nhất, cho biết đối với nguồn thực phẩm nhà làm kinh doanh, đặc biệt trong dịp tết, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro, vì nhu cầu lớn, số lượng sản xuất lớn nên chất lượng chưa chắc được đảm bảo. Theo bác sĩ Loan, nguyên liệu rau, củ, quả, bột, đường là trong danh mục cho phép, nhưng cách làm kiểu “a-ma-tơ” thì khó bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các loại phẩm màu, hương liệu, chất bảo quản thường được người chế biến dùng rất nhiều để sản phẩm bắt mắt, tươi lâu… “Nhiều người còn xông thực phẩm qua khí lưu huỳnh để chống mối mọt. Đó là chất độc và nếu ăn vào, cơ thể nhạy cảm với hóa chất này sẽ bị ngộ độc ngay lập tức hoặc lâu dài cũng ảnh hưởng hệ tiêu hóa, thần kinh…”, bác sĩ Loan cảnh báo. |
Ngọc Anh (T/H)
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/can-trong-voi-banh-keo-mut-lau-ho-bien-thanh-hang-nha-lam-a74267.html