Pháo hoa và pháo nổ: Hiểu để tránh nhầm lẫn

Theo Nghị định 137/2020/NĐ-CP (NĐ 137) về quản lý, sử dụng pháo có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2021 thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP (NĐ 36), pháo hoa mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép sử dụng được hiểu là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi đốt chỉ gây ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và đặc biệt là không gây ra tiếng nổ. Do đó, người dân cần có sự phân biệt rõ giữa pháo hoa với pháo hoa nổ, tránh vi phạm pháp luật.

NĐ 36 quy định pháo bao gồm pháo nổ và pháo hoa, trong đó pháo hoa gồm pháo hoa gây tiếng nổ và pháo hoa không gây tiếng nổ. Tuy nhiên, các quy định của NĐ 36 chưa tách bạch pháo hoa gây tiếng nổ và pháo hoa không gây tiếng nổ. Trong đó, thực chất pháo hoa gây tiếng nổ có sử dụng thuốc pháo nổ gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của nhân dân và ảnh hưởng đến môi trường. Vì vậy, NĐ 137 mới đây đã quy định pháo bao gồm pháo nổ và pháo hoa. Trong đó, pháo nổ bao gồm pháo nổ và pháo hoa nổ. Như vậy, pháo hoa nổ trước đây NĐ 36 quy định là pháo hoa thì nay NĐ 137 quy định là pháo nổ và bị cấm sử dụng, trừ các trường hợp nhà nước tổ chức bắn pháo hoa nổ vào các ngày lễ lớn và các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Pháo hoa là loại pháo không có thuốc pháo nổ, chỉ tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ. Loại pháo này đã được NĐ 36 cho phép sử dụng trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và thực tế người dân vẫn sử dụng trong các buổi sinh nhật, cưới hỏi…

Pháo hoa và pháo nổ: Hiểu để tránh nhầm lẫn
Người dân cần lưu ý loại pháo hoa được phép sử dụng và không được phép sử dụng

Như vậy, khái niệm "pháo hoa" theo NĐ 137 đã thay đổi so với NĐ 36. Theo đó, NĐ 137 cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng pháo hoa trong dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật, đồng thời quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ được mua pháo hoa tại các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Không chỉ hiểu sai về NĐ 137, việc tự chế pháo cũng đang diễn ra gây nhiều hệ quả nghiêm trọng. Trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt video hướng dẫn tự chế pháo nổ, khiến một số học sinh bắt chước làm theo. Từ công thức làm thuốc pháo, kỹ thuật làm pháo bông, pháo tép, pháo ném đều được hướng dẫn tỉ mỉ. Gần đây nhất, Tổ công tác Công an huyện Thanh Trì và Công an xã Thanh Liệt (Hà Nội) đã thu giữ 32 quả pháo tự chế, trong đó có 14 quả đường kính lên tới 7cm, dài 20cm của nhóm 3 học sinh. Các học sinh này khai nhận, giữa tháng 11/2020 đã lên mạng xã hội để học cách chế tạo pháo và đặt mua nguyên liệu. Tự chế pháo xong, 3 học sinh rủ nhau đi bán cho khách đặt mua qua mạng thì bị phát hiện.

Ông Nguyễn Tuấn Anh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) - cho biết: Tết Nguyên đán cận kề, có rất nhiều người hiểu nhầm, chưa phân biệt được các loại pháo và các trường hợp nào có thể sử dụng pháo hoa đúng theo quy định. Từ những mơ hồ đó, mọi người rất dễ vi phạm pháp luật khi sử dụng pháo hoa. Thêm vào đó, mạng internet phát triển, không khó để tìm được các video hướng dẫn tự chế pháo và những video này còn nhấn mạnh cách làm của mình an toàn, không gây nguy hiểm.

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/phao-hoa-va-phao-no-hieu-de-tranh-nham-lan-a74343.html