Theo nghiên cứu, tìm hiểu của Truyền hình Người đưa tin: Ngày 6-9-2018 UBND tỉnh Kim Sơn ban hành QĐ số 1148/QĐ phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý đột xuất, cấp bách kè tả Vạc đoạn từ K22+800 đến kK27+000 thuộc địa phận xã Kim Chính, trồng rừng ngập mặn kết hợp kè và tường chắn sóng đê biển Bình Minh 3.
Trên cơ sở đó, UBND huyện Kim Sơn đã tiến hành các thủ tục thu hồi đất, kiểm đếm trên thực tế và lên phương án bồi thường, hỗ trợ về đất đai và tài sản cho các hộ dân. Hồ sơ kê khai ban đầu thể hiện có 42 hộ dân được bồi thường. Tổng kinh phí hỗ trợ theo một công văn do PCT Nguyễn Cao Sơn ký, là gần 1,8 tỉ đồng, còn theo hồ sơ phương án bồi thường chi tiết là gần 2 tỉ đồng.
Các hộ dân hầu hết đều ký xác nhận, đồng ý với phương án đền bù và tự nguyện bàn giao mặt bằng để triển khai dự án.
Tuy nhiên, sau đó UBND huyện Kim Sơn bất ngờ kiểm đếm lại và đưa ra phương án mới. Tại Công văn số 01/UBND do ông PCT Nguyễn Cao Sơn ký ngày 27-11-2020 trả lời công dân, nêu rõ: Tài sản của các hộ dân chủ yếu nằm trong diện tích đất do UBND tỉnh đã giao cho Doanh nghiệp xây dựng Thống Nhất tại Quyết định số 177/QĐ-UBND ngày 21-1-2008 để làm bãi vật liệu của trạm trộn, bãi tập kết, vận chuyển vật liệu phục vụ thi công đê biển và nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều, nên không đủ cơ sở pháp lý để xem xét, giải quyết hỗ trợ theo quy định.
Lúc này mặt bằng người dân giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án cũng đã xong, “gạo đã nấu thành cơm”. Trước việc “tiền hậu bất nhất”, 42 hộ dân đã gửi đơn thư kêu cứu nhiều nơi. Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình cũng đối thoại trực tiếp với người dân và có văn bản chỉ đạo Huyện uỷ, UBND huyện Kim Sơn giải quyết dứt điểm, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả tích cực.
Các căn cứ UBND huyện Kim Sơn đưa ra để không giải quyết đền bù, hỗ trợ đều bị người dân bác bỏ, cho rằng không thuyết phục.
Thứ nhất, người dân khẳng định việc sử dụng đất là ngay tình từ vài chục năm nay. Việc sử dụng đất có từ trước khi xây dựng đê biển, nên nói tài sản, công trình của các hộ dân nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều là thiếu khách quan.
Thứ hai, toàn bộ đất các hộ dân sử dụng đều có hợp đồng với UBND huyện Kim Sơn từ những năm 1994 đến nay với mục đích nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản. Theo Khoản 4 Điều 80 Luật đất đai năm 2003, hộ gia đình, cá nhân đã được nhà nước giao đất bãi bồi ven sông, ven biển thì tiếp tục sử dụng theo thời hạn giao đất còn lại. Do đó, dù UBND tỉnh Ninh Bình đã có quyết định thu hồi đất tổng thể, nhưng UBND huyện Kim Sơn chưa ban hành quyết định thu hồi đất của từng hộ gia đình, cá nhân, chưa thanh lý hợp đồng giao khoán, thì quyền sử dụng vẫn thuộc về các hộ dân.
Thứ ba, các hộ dân khẳng định không hề biết về doanh nghiệp Thống Nhất, không có giao dịch hay biên bản giao nhận gì với đơn vị này, nên không thể nói đất các hộ dân sử dụng thuộc quyền quản lý của doanh nghiệp. Chưa người dân nào biết gì về Quyết định số 177 năm 2008 giao hàng triệu m2 đất cho doanh nghiệp Thống Nhất. Từ năm 2008 đến nay cũng chưa thấy doanh nghiệp này triển khai dự án gì trên phần đất người dân vẫn sử dụng từ trước đến nay, thì liệu việc giao đất có còn giá trị?
Các hộ dân cũng cho rằng, việc ông PCT Nguyễn Cao Sơn ký công văn trả lời công dân với tư cách Chủ tịch Hội đồng bồi thường GPMB huyện Kim Sơn là trái thẩm quyền được quy định tại Điều 69 Luật đất đai 2013. Ngoài ra, Công văn 01/UBND ngày 27-11-2020 cũng bị công dân cho là có “thông tin sai lệch, bóp méo sự thật”.
Không có giải pháp nào tốt hơn để xử lý hiểu lầm là đối thoại trực tiếp, thẳng thắn giữa công dân và chính quyền địa phương để làm rõ những mâu thuẫn trên. Chỉ có như vậy mới giải quyết được quyền lợi chính đáng của người dân, chấm dứt khiếu kiện kéo dài, chấm dứt những đơn thư với những câu từ nặng nề kiểu “dối trên gạt dưới”!
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/ninh-binh-mot-can-bo-huyen-bi-dan-to-lua-tren-gat-duoi-a74580.html