Ngoài kia, những làn gió xuân đầu mùa ấm áp đã bắt đầu ùa về, xua đi cái lạnh buốt cuối đông. Tết lại sắp hết thật rồi! Ở tuổi hoa niên, giữa chốn phồn hoa đô thị, giữa dòng người ồn ã, nóng vội, bỗng thấy lòng mình lắng lại một cảm giác rất lạ.
Về quanh nồi bánh bên bà
Thì vẫn vậy, 365 ngày vận hành của bốn mùa theo quy luật của đất trời. Nhưng còn đâu nỗi náo nức, phấp phỏng đợi chờ từng tháng, từng giờ để tới ngày ông bà âu yếm xoa đầu trao cho chiếc bao hồng nhỏ xíu trong có mấy đồng mừng tuổi. Còn đâu cái háo hức pha chút ngượng ngùng được khoác trên mình tấm áo mới từ tay cha vào sớm mùng Một linh thiêng… Tất cả chỉ còn là hoài niệm, là bâng khuâng nỗi nhớ đến nao lòng của những ngày tết xưa.
Có người bạn kể với tôi - một kẻ ăn Tết thành phố suốt 20 năm - về cái thú chơi Tết ở quê họ. Kể về phiên chợ miền quê nhỏ cuối năm được lũn cũn theo bà đi sắm tết. Không gian rộn rịp đầy ắp tiếng nói cười. Đâu đó, hương trầm bay trong gió dìu dịu, ngòn ngọt. Bao trọn cả ngôi chợ làng khi ấy là màu xanh của lá dong, thoang thoảng mùi của những ống lạt mới chẻ. Rồi ai đó tíu tít lời mời “đụng” chung con lợn tết, những hẹn ước gặp gỡ ngày xuân…
Rồi cả những buổi chiều xăng xái bên cha, bên mẹ xem gói bánh chưng, những tấm bánh chưng xanh vuông vắn được cha gói thật khéo, đẹp như cổ tích, ngắm mãi không chán.
Khoái nhất là tới lúc cuối chầu, mẹ hắn vun nắm gạo nếp thơm lừng cuối cùng và ít đỗ còn sót lại làm chiếc bánh nho nhỏ hình thù ngộ nghĩnh, nói là để dành riêng cho đứa em. Tối đến, cả nhà quây quần bên bếp lửa hồng của những gộc tre già. Nồi bánh chưng sôi lục ục, tỏa hương ngào ngạt. Sao lâu thế, bánh luộc mãi chưa xong, sướt mướt phụng phịu rồi ngủ thiếp đi trên tay mẹ lúc nào không hay.
Ngày tết miền Quê
Khoảng 3 năm nay tôi được về quê ăn Tết, tự để nhận thấy thì Tết quê khác Tết phố ở nhiều điều, nhưng có lẽ khác nhất ở không khí đón Tết, ở những nếp sinh hoạt mang nhiều hơn tính nông thôn. Ở nhiều vùng quê, cho đến tận bây giờ, khi mà ít nhiều cái chất thành thị và làn gió đô thị hóa đã len lỏi, xâm lấn và rồi tràn qua cả lũy tre làng thì có những thói quen, nếp sinh hoạt ngày Tết vẫn giữ được những nét đặc trưng riêng có.
Và có vẻ tôi lại yêu Tết quê hơn vì cái không khí khi ra chợ là thấy không khí Tết đã sôi sục. Chen chúc, tấp nập, ồn ào. Mà toàn người quen hay sao, cứ chào hỏi tíu tít. Tôi cũng chào lại, có người trông nhác quen quen nhưng chịu không nhớ được. Mới về quê được ít năm, cứ độ này về lại thấy người lớn già đi, trẻ con lớn phổng lên, bao nhiêu thế hệ chú bác, sao mà biết hết.
Nhưng nói đến Tết quê, tôi ấn tượng nhất là đánh đụng lợn. Hai ba nhà chung nhau con lợn, ông tôi bảo ngày xưa nuôi cả năm để dành Tết mổ thịt, giờ thì chung tiền mua thôi. Nghe kể thường các bác dậy từ rất sớm, đến khi bọn trẻ mắt nhắm, mắt mở chạy ra đã gần xong rồi, ngồi chờ chia phần mà tứa nước miếng. Thôi thì đủ cả, mỗi thứ một tí, nào mông, vai, thủ, chân giò, xương sườn, xương ống…, nhất là phần lòng có miếng dồi nhồi lá xương xông chỉ Tết mới có. Bác gái tôi cho bò gạo vào nồi nước xuýt nấu cháo tiết, ai nấy húp sụp soạp, chảy cả nước mắt, nước mũi. Thế là tôi thấy Tết đã lắm rồi!.
Chiều Ba mươi, công việc đã hòm hòm, nhà nhà mới kéo nhau ra đồng, lên nội (bãi tha ma) để “mời các cụ về ăn Tết”. Bà nội tôi bảo đây cũng là dịp để con cháu, nhất là những người xa quê thăm viếng và nhớ phần mộ tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Thủ tục cũng đơn giản, dọn dẹp phần mộ gọn gàng, rẫy một đám cỏ trên mộ, thắp hương rồi khấn mời ông bà tổ tiên về nhà ăn Tết cùng con cháu.
Hì hụi chuẩn bị cả tuần rồi ba ngày Tết trôi vèo, dòng xe lại lăn bánh đổ về các cửa ngõ Thủ đô. Thế chẳng phải cũng là niềm vui hay sao. Khi chuẩn bị Tết, ai cũng than phiền “Tết nhất mệt quá cơ”. Nhưng kêu ca chắc chỉ là câu cửa miệng, chứ tôi cứ lẩn thẩn nghĩ, bây giờ nếu không có Tết, cả năm cứ hùng hục làm, hùng hục đi, chẳng có dấu lặng, chả có điểm gì để nhớ, chẳng có trạm nghỉ chân để nhìn lại mình, nhìn lại đời, nhìn lại anh em bạn bè, không biết có còn là sống nữa không nhỉ?
Dẫu năm nay có khác mọi năm nhưng ta vẫn tin, Tết với tất cả hương vị, màu sắc ấm áp của tình người sum họp, của chuyển giao đất trời thiêng liêng dù là ở thành phố hay miền quê thì cảm xúc sẽ vẫn mãi còn đó. Linh hồn Việt ấy sẽ vẫn tiềm tàng âm ỉ để cháy lên, rạng rỡ như ở những miền quê nhỏ ngày nào, để làm nguồn sáng, chốn bình yên tìm về cho những người con tha hương. Tết Việt còn mãi…
Ngọc Anh
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/ai-giu-hon-tet-que-a74649.html