4h sáng, khi màn đêm còn phủ kín không gian, chúng tôi đã “súng ống” sẵn sàng lên đường. Chiếc tắc ráng nhỏ nổ máy rồi lao đi vun vút. Trời dần hửng sáng, vạn thân tràm phản chiếu xuống mặt nước lung linh như thế giới không gian 3 chiều kỳ diệu.
Chừng 40 phút sau, chúng tôi đến đài quan sát nằm sâu trong Phân khu A1. Tiếng chim ríu rít vang dậy cả một góc trời. Đài quan sát khá nhỏ nên chỉ đủ chỗ cho một người và thiết bị.
Lên tới đỉnh, khung cảnh tuyệt vời hiện ra trước mắt. Hàng vạn con chim bay lượn trên bầu trời, đậu lại ken đặc trên các ngọn tràm. Chưa bao giờ tôi thấy chim về nhiều như vậy ở đây.
Hiện nay ở vườn có đàn mòng két mày trắng đến cả chục ngàn con, ngoài ra có những loài khác như te vàng (di cư từ Nga sang), sả đầu đen, gà lôi Ấn Độ, cồng cộc, điên điển, cò ốc, cò bợ, diều hoa Miến Điện, chích cồ…
Đến tầm 7h30 sáng là hầu hết các loài bay đi kiếm ăn, khu vực chính là trong các ruộng lúa khu dân cư xung quanh vườn quốc gia… Năm nay hệ sinh thái phát triển mạnh, nguồn thức ăn cũng phong phú nên thuận lợi cho các loài chim sinh sống.
Môi trường của Tràm Chim và các xã, thị trấn vùng đệm cũng đang tốt dần lên. Hiện nay, ý thức bảo tồn của người dân cũng tăng cao, số lượng người bắt hại chim không còn nhiều như trước, thậm chí thấy người bắt họ còn tố giác.
Ông Nguyễn Văn Lâm, giám đốc vườn quốc gia, cho biết đang cố gắng thực hiện nhiều biện pháp chuyên môn để tạo môi trường thuận lợi cho loài sếu đầu đỏ quay lại kiếm ăn.
Những cảnh tượng kỳ thú này sẽ được khai thác thế nào cho du lịch?
Anh Lê Hoàng Long, giám đốc Trung tâm du lịch Tràm Chim, cho biết hiện nay trung tâm có nhiều tuyến điểm du lịch như: ngắm chim sinh sản mùa lũ, ngắm hoa theo mùa (nhĩ cán vàng, nhĩ cán tím, hoàng đầu ấn), trải nghiệm làm nông dân, đi kèm là các dịch vụ lưu trú, trải nghiệm bằng xuồng kéo, xe điện…
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/tram-chim-lai-rop-bong-chim-a74880.html