Từ nhiều ngày qua, hàng loạt xe ô tô có tải trọng lớn chuyên chở đất đi qua tuyến đường mòn Hồ Chí Minh thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình với lưu lượng lớn, quan sát bằng mắt thường có thể thấy, các xe chở đất qua đây đều có dấu hiệu cơi nới thành thùng xe, chở quá khổ quá tải chạy với tốc độ lớn, khiến bùn đất rơi vãi dọc cung đường.
Tại khu vực đồi Trành Đẻ, xóm Hợp Nhất, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình, đang diễn ra tình trạng khai thác đất với quy mô lớn, hàng chục xe ô tô trọng tải lớn vào lấy đất vận chuyển đến nhà máy gạch tiêu thụ.
Theo phản ánh của người dân, thì khu đất này là của gia đình bà Bùi Thị Hậu, bà Hậu được UBND tỉnh Hòa Bình cấp giấy phép khai thác san lấp bằng Quyết định số 03, ngày 25/01/2021, với phần diện tích khai thác là 6.663m2; mức sâu khai thác là +25,0m; tổng khối lượng san lấp là 73.395m3; thời gian khai thác là 10 tháng.
Tuy nhiên, trên thực tế thì khu đất này đã được tổ chức khai thác trước thời điểm được cấp phép là ngày 25/01/2021, người tổ chức khai thác là ông Đặng Văn Thanh, ở xã An Phú, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Theo giấy phép được cấp, thì đất khai thác từ đồi Trành Đẻ phục vụ vào việc san lấp, nhưng trên thực tế ông Thanh đã mang đất bán cho các nhà máy gạch trên địa bàn huyện Yên Thủy và huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.
Theo ghi nhận của PV, ông Thanh cũng chính là người vận chuyển đất, bùn gây rơi vãi ra đường, khiến nhiều người dân gặp tai nạn ở đường mòn Hồ Chí Minh, đoạn chạy qua địa phận xã An Phú, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 26/01/2021 mà Truyền hình Người đưa tin Pháp luật đã đăng tải.
Tuy nhiên, cho đến nay vụ việc vẫn chưa được cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, làm rõ trách nhiệm, khiến người dân rất bức xúc. Ông Thanh thì vẫn tiếp tục khai thác đất với quy mô ngày một lớn, hàng chục đầu xe có trọng tải lớn, chạy suốt ngày đêm.
Theo người dân địa phương, việc làm thủ tục xin khai thác đất san lấp của hộ gia đình bà Hậu chỉ là cái cớ để che mắt, bản chất thực sự là lấy đất đi bán cho nhà máy gạch, nhưng không hiểu vì lý do gì mà các cơ quan chức năng lại không "tuýt còi".
Trao đổi qua điện thoại với PV, ông Vũ Minh Toàn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Thủy, cho biết: "Trường hợp nhà bà Hậu là do UBND tỉnh cấp phép, và gia đình bà Hậu đã nộp thuế với nhà nước, nên việc khai thác là không sai".
Tuy nhiên, khi PV đề cập đến việc ông Thanh đã thực hiện khai thác đất để bán cho các nhà máy gạch trên địa bàn là trái với quy định được ghi trong giấy phép, thì vị này không trả lời và đề nghị PV làm việc với gia đình bà Hậu để được cung cấp giấy tờ.
Như vậy, việc cơ quan chức năng cấp phép là đúng với nhu cầu thực tế của người dân, nhưng lợi dụng giấy phép để khai thác trái mục đích là có dấu hiệu vi phạm pháp luật, xâm hại đến tài nguyên khoáng sản để trục lợi, làm thiệt hại cho ngân sách nhà nước và gây bức xúc trong nhân dân.
Đề nghị các cơ quan chức năng ở huyện Yên Thủy cần sớm vào cuộc, kiểm tra xử lý dứt điểm vụ việc trên, tránh gây bức xúc trong nhân dân. Ở góc độ khác, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hoà Bình cũng cần xem xét động cơ, mục đích và trách nhiệm của những người ký cấp các giấy phép tương tự, để từ đó các cá nhân trục lợi, vi phạm pháp luật.
Truyền hình Người đưa tin Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/pct-tinh-hoa-binh-vo-tinh-tiep-tay-cho-nan-khai-thac-tai-nguyen-trai-phep-a75130.html