05/04/2021 10:05
05/04/2021 10:05
Nước hồ Tây chuyển màu xanh rêu đậm, nhiều dấu hiệu ô nhiễm
Nhiều ngày trở lại đây, nước hồ Tây (Hà Nội) chuyển màu xanh rêu đậm khiến người dân không khỏi lo lắng về vấn đề môi trường và sự sống của các sinh vật trong hồ.
Trước tình trạng nước hồ Tây bất ngờ chuyển màu xanh đậm, có dấu hiệu ô nhiễm với nhiều thông số vượt ngưỡng cho phép, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã đề nghị UBND thành phố Hà Nội triển khai gấp nhiều giải pháp cải thiện chất lượng nước hồ.
Đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, đã tổ chức kiểm tra, xác minh việc nước hồ Tây bất ngờ chuyển màu xanh rêu đậm trong thời gian qua. Kết quả cho thấy, nhiều thông số môi trường trong nước hồ vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08-MT:2015/BTNMT, sinh khối và mật độ tế bào thực vật cao (tập trung chủ yếu là các chi dạng tập đoàn vi khuẩn lam Microcystis, Alphanocapsa, Merismopedia và các tập đoàn tảo lục Scenedesmus, Crucigena,…).
Bộ TMMT đề nghị UBND thành phố Hà Nội triển khai gấp các giải pháp cải thiện chất lượng nước hồ như tổ chức kiểm tra, rà soát các nguồn nước thải có nguy cơ xâm nhập vào hồ, bao gồm nước thải từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nước thải sinh hoạt từ các tuyến thu gom có khả năng chảy tràn vào hồ,..
Thường xuyên đi dạo, câu cá ở hồ Tây, anh Nguyễn Trung Kiên (Sài Đồng, Hà Nội) cho biết mấy ngày nay anh thấy nước bẩn và đục hơn bình thường. "Nước hôm nay có màu xanh rêu rõ ràng, có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Đồng thời lượng nước hạ thấp hơn thường ngày nên rong rêu, rác thải nổi lên đầy mặt hồ. Tôi câu cá được một lúc mà vớt được không ít túi núi nilon, giấy rác", anh Kiên nói.
Nhiều xác cá chết nổi lên mặt hồ, trôi dạt vào bờ.
Rác thải la liệt cũng một phần gây nên ô nhiêm nguồn nước, đặc biệt trong mùa nóng.
Theo đó, Bộ TNMT cũng đề nghị TP Hà Nội nghiên cứu, xây dựng kế hoạch chủ động bổ sung nguồn nước trong trường hợp thời tiết khô hạn kéo dài, đảm bảo mực nước tối thiểu nhằm duy trì ổn định hệ sinh thái hồ; thường xuyên duy trì việc vớt rác thải trên hồ kịp thời đảm bảo vệ sinh môi trường; xem xét, nạo vét trầm tích để nâng cao khả năng lưu trữ nước và làm sạch của hồ.
Link nội dung:
https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/nuoc-ho-tay-chuyen-mau-xanh-reu-dam-nhieu-dau-hieu-o-nhiem-a75317.html