Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, cách đây 10 ngày, gia đình bệnh nhân mua một bộ máy xông tinh dầu đuổi muỗi về đặt ở chỗ bán hàng tầng một ngôi nhà (nơi người chồng thường xuyên bán hàng). Loại tinh dầu có nhãn hiệu nước ngoài, không có chữ tiếng Việt.
3 ngày sau, gia đình mang máy xông tinh dầu cắm trong phòng ngủ ở tầng 2 ngôi nhà. Buổi sáng ngủ dậy, tất cả 4 thành viên trong gia đình đều có dấu hiệu mệt mỏi, đau đầu và nôn. Người chồng có triệu chứng nặng hơn so với các thành viên còn lại. Các bệnh nhân được nhập Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình cấp cứu.
Theo BS. Hoàng Công Tình - BVĐK tỉnh Hòa Bình, hiện tại sau 3 ngày điều trị, hai cháu nhỏ (gồm một cháu 3 tuổi, một cháu 8 tuổi) đã ổn định sức khoẻ, đang được gia đình theo dõi và chăm sóc ở nhà.
Riêng hai vợ chồng là bố mẹ của các cháu, vẫn đang phải điều trị trong bệnh viện, các triệu chứng ngộ độc đã giảm. Người chồng có triệu chứng nặng hơn do có số ngày tiếp xúc nhiều hơn với máy xông tinh dầu đuổi muỗi. Các bác sĩ vẫn đang theo dõi sát các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh nhân.
Lọ tinh dầu đuổi muỗi trong vụ việc ghi bằng chữ Hàn - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
TS.BS Hoàng Công Tình - trưởng khoa hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình - cho biết có rất nhiều loại tinh dầu được giới thiệu là có khả năng đuổi muỗi.
Do vậy, bác sĩ Tình khuyên người dân nên thận trọng khi sử dụng trong gia đình, đặc biệt là các loại tinh dầu không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, người mua cần tìm hiểu rõ thành phần của tinh dầu, hướng dẫn sử dụng.
"Tốt nhất, không nên sử dụng tinh dầu đuổi muỗi thường xuyên và tuyệt đối không đặt thiết bị này trong phòng ở đóng kín cửa", bác sĩ Tình nhấn mạnh.
Tại sao không nên xông tinh dầu trong phòng kín?
Trước sự việc này, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương (Trường Đại học Dược Hà Nội) cho hay, tinh dầu là một dạng chất lỏng chứa các hợp chất thơm dễ bay hơi được chiết xuất bằng cách chưng cất hơi nước hoặc ép lạnh, từ lá cây; thân cây; hoa; vỏ cây; rễ cây; hoặc những bộ phận khác của thực vật.
Tinh dầu đã được sử dụng từ hàng nghìn năm nay, được nghiên cứu phát triển trong các liệu pháp hương thơm trị liệu hoặc các liệu pháp điều trị bằng các chất tự nhiên giúp giảm căng thẳng, lo lắng, đau đầu, mất ngủ… Bên cạnh đó tinh dầu còn được ứng dụng rộng rãi trong mỹ phẩm, trong các sản phẩm đuổi côn trùng, sát khuẩn…
Do nguồn gốc tự nhiên, nếu sử dụng ở nồng độ phù hợp, tinh dầu có độ an toàn cao. Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, việc sử dụng tinh dầu không đúng cách vẫn có thể gây ra các phản ứng có hại cho con người như gây dị ứng, gây co thắt phế quản, gây viêm da thậm chí làm bỏng da, niêm mạc… nghiêm trọng hơn có thể gây ra các phản ứng có hại đe doạ tính mạng như ức chế hô hấp, ức chế thần kinh trung ương, loạn nhịp tim…
Phản ứng có hại của tinh dầu có thể liên quan đến thành phần hoá học của loại tinh dầu đó hoặc liên quan đến sử dụng sai cách như tuỳ tiện sử dụng đường uống, bôi trực tiếp tinh dầu đậm dặc trên da hoặc sử dụng nồng độ quá cao qua đường hô hấp…
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, nguy hiểm hơn là sự pha trộn của các chất hoá học giả tinh dầu tự nhiên. Điều này cũng có thể làm gia tăng phản ứng có hại trên người. Việc sử dụng những hương liệu có chứa các hóa chất này trong thời gian dài có thể gây nguy hiểm cho người dùng, làm tổn thương não, nhức đầu, mờ mắt, thiếu máu...
"Phản ứng có hại cũng nặng nề hơn khi sử dụng cho một số đối tượng nhạy cảm như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai… Vì vậy, việc sử dụng tinh dầu không hoàn toàn vô hại và đặc biệt nên thận trọng trên một số đối tượng nhạy cảm" - Chuyên gia Dược học cảnh báo.
Tốt nhất, không nên sử dụng tinh dầu đuổi muỗi thường xuyên và tuyệt đối không đặt thiết bị này trong phòng ở đóng kín cửa.
Các bệnh nhân đang điều trị tại BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Ngoài ra, một cảnh báo nữa là tình trạng uống nhầm tinh dầu gây ngộ độc nặng. Trên thực tế, tại BV Bạch Mai đã từng cấp cứu bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, ngộ độc tinh dầu quế và viêm phổi nặng do sơ suất uống nhầm một cốc tinh dầu quế.
Bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện nạn nhân uống nhầm tinh dầu, cần nhanh chóng giúp nạn nhân nôn được hết chỗ tinh dầu đã uống bằng cách móc họng để nạn nhân có thể nôn ra.
Bước tiếp theo là cần cho nạn nhân uống thật nhiều nước lọc pha ấm, rồi sau đó lại thực hiện tiếp việc móc họng nhằm gây nôn để giúp nạn nhân nôn sạch được các độc tố có trong dạ dày ra khỏi cơ thể. Sau đó khẩn trương đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời.
Để phòng các bệnh do muỗi đốt, trong đó có sốt xuất huyết, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: 1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. 2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. 3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... 4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. 5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. 6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà. |
Ngọc Anh (T/H)
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/cac-chuyen-gia-y-hoc-canh-bao-ve-tinh-dau-duoi-muoi-khien-ca-gia-dinh-nhap-vien-a75441.html