Chùa Phật Tích còn gọi là chùa Vạn Phúc nằm ở sườn phía Nam núi Phật Tích, huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Theo tài liệu cổ chùa được xây dựng năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 (1057). Trong chùa có bức tượng Phật thời nhà Lý tạc bằng đá lớn nhất Việt Nam.
Trong chùa còn lưu giữ được nhiều tác phẩm điêu khắc thời nhà Lý rất giá trị. Ngay ở bậc thềm thứ hai, có 10 tượng thú bằng đá, gồm sư tử, voi, tê giác, trâu, ngựa. Mỗi loại hai con, nằm trên bệ hoa sen tạc liền bằng những khối đá lớn.
10 linh thú đá được chia làm 2 hàng, đặt đối xứng phía trước Tam Bảo. Theo văn bia "Vạn Phúc đại thiền tự bi" dựng năm 1686 nói về việc xây chùa Phật Tích thì các bức tượng này được tạc cùng thời điểm xây dựng chùa. Trên bia có đoạn khắc: "Điện ấy đã rộng, lại to, sáng sủa và lớn.
Những con thú đá nghìn tuổi đều được chạm khắc tinh tế, nét điêu khắc rất đặc trưng cho phong cách mỹ thuật của thời nhà Lý. Trong ảnh là hình sư tử, cặp linh thú này được đặt ở vị trí đầu tiên mang biểu tượng của sức mạnh bảo hộ Phật pháp, thường được đặt hai bên lối vào chùa chiền.
Tất cả linh thú đều ở trong trạng thái quỳ phục trên đài sen. Vào năm 1952, thực dân Pháp chiếm đóng chùa Phật Tích đã phá hủy hoàn toàn kiến trúc ngôi chùa khiến 10 linh thú cũng bị ảnh hưởng. Tượng voi bên phải Tam Bảo bị mất ngà và vòi. Voi được coi là biểu tượng của sức mạnh thể chất và tâm thức, cũng như trách nhiệm và tính chân thật.
Hư hại nặng nhất là tượng trâu bên trái Tam Bảo bị mất sừng và mặt.
Tượng trâu ở phía phải vẫn còn khá nguyên vẹn nhưng bị mất đuôi, tai, sừng khiến việc nhận dạng khó khăn. Trong Phật giáo, trâu mang ý nghĩa của sự giải thoát tự nhiên, tự tại.
Cặp ngựa cũng bị mất đuôi và tai, trong hình là ngựa đá ở phía phải Tam Bảo. Ngựa được cho là biểu tượng cho năng lượng và sự nỗ lực trong việc hành Phật pháp, là phương tiện di chuyển của tâm.
Con ngựa còn lại thân hình nguyên vẹn song cũng bị mất tai và cả mũi, mồm.
Sư tử đá phía phải Tam Bảo cũng đã được phục chế lại phần mặt do bị hư hỏng.
Voi và tê giác có đầu hướng về phía trước, trong khi đầu trâu và ngựa nghiêng sang một bên. Mình của tê giác được chạm hình vẩy hình tròn, đều tăm tắp như vẩy cá. Tê giác là biểu tượng cho những người tu hành kiên trì cho đến ngày giải thoát.
Trong ảnh là Đại đức Thích Giác Tính bên hình tượng ngựa. Ngựa là biểu tượng cho năng lượng và sự nỗ lực trong việc hành Phật pháp, là phương tiện di chuyển của tâm.
Mỗi linh thú được đặt trên một bệ đá dài 1,7m, rộng 0,8m và cao 0,36m. Mặt trên của bệ đá tạc nổi hình cánh hoa sen cách điệu.
Bộ tượng linh thú cổ có chiều cao khá đồng đều, khoảng 1,2m. Chiều dài từ 1,5-1,8m, được tạo hình trong tư thế phủ phục với những đường nét khỏe khoắn và rất sinh động.
Hệ thống tượng linh thú đá kết hợp với nhiều tác phẩm điêu khắc đá cổ cùng thời Lý như đá ốp tường, đấu kê...trên đó chạm khắc các hình Kim Cương, Hộ pháp, thần Điểu, các nhạc công, vũ nữ v.v... đã tạo nên nét cổ kính, độc đáo hiếm có cho chùa Phật Tích, ngôi chùa đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/ky-la-10-linh-thu-da-nghin-nam-tuoi-canh-gac-chua-phat-tich-a75579.html