Trong thời điểm này, bất cứ một sự kiện tụ tập đông người đều tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh, như bộ trưởng Bộ Y tế nhận định rằng: "Tình hình lây nhiễm hiện nay trên thế giới cho thấy tất cả những đợt dịch xảy ra lần sau thường lớn hơn, mạnh hơn và tàn khốc hơn lần trước".
Đợt dịch mà chúng ta đang phải đối mặt này nguy hiểm hơn bởi vì dịch xâm nhập là các biến chủng kép nCoV tại Ấn Độ hoặc biến chủng của Anh tại Campuchia.
Đây là những biến chủng được cho là mang ít nhất hai đột biến (còn gọi là đột biến kép) có khả năng lây nhiễm nhanh hơn, tử vong nhiều hơn so với các biến chủng trước. Do đó khi lây nhiễm trong cộng đồng, từ ổ dịch nhỏ thành ổ dịch lớn rất nhanh chóng.
Hà Nội, TP. HCM hủy kế hoạch bắn pháo hoa mừng ngày lễ 30/4 để phòng dịch COVID-19. Ảnh minh họa
Lần lại lịch sử sẽ thấy pháo hoa chỉ nổ rực rỡ trên bầu trời trong các dịp vui, sau những thời điểm ghi nhận một chiến dịch quân sự thắng lợi, kết thúc một cuộc chiến tranh, kỷ niệm một ngày lễ trọng đại của dân tộc... Nhưng vào thời điểm này, cả thế giới đều không vui.
Làm sao mà vui được khi Ấn Độ đang phải đối mặt với một thực trạng tồi tệ nhất chưa từng gặp.
Số ca dương tính mỗi ngày không ngừng tăng thêm, ngày sau cao hơn ngày trước, có ngày lên đến 350.000 ca, hàng trăm ngàn người chết, nhiều đến mức các lò hỏa thiêu, các cơ sở hỏa táng ngoài trời không còn đủ chỗ.
Lào, Campuchia, những nước láng giềng gần gũi, thân thiết, cũng đang gồng mình chống dịch, nhiều thành phố phải đóng cửa, mọi sinh hoạt đảo lộn... Trong khi đó, Thái Lan ghi nhận hơn 2.000 ca nhiễm và 15 ca tử vong trong ngày 27-4.
Còn chúng ta cũng đang căng mình be bờ, ngăn dịch ở cả biên giới Tây Bắc và Tây Nam, cả trên bộ lẫn trên biển.
Mỗi lần có một người bị dương tính từ ngoài biên giới lén lút về Việt Nam không qua cửa khẩu, trốn tránh khai báo là làm cho tình hình thêm căng thẳng, bởi chỉ một người dương tính từ biên giới lọt sâu vào trong nội địa, đến được TP.HCM thì hậu quả rất nặng nề.
Nỗi lo ngại về làn sóng dịch lần thứ 4 tràn vào nước ta là hoàn toàn có cơ sở và nếu sơ sẩy thì cuộc sống sẽ cực khổ xiết bao.
Trong bối cảnh như thế, việc nhiều tỉnh thành trong cả nước quyết định ngưng bắn pháo hoa là một quyết định hợp bối cảnh, hợp lòng dân. Nó không đơn giản chỉ là bỏ một cuộc nhóm họp đông người mang nguy cơ lây dịch mà còn tiết kiệm sức người, sức của dồn sức tập trung cho chống dịch.
Trong thời điểm này, tất cả mọi sức mạnh của xã hội tập trung cao độ dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ kiên quyết không để dịch bùng phát ở nước ta được coi là mệnh lệnh tối cao cho toàn bộ hệ thống chính trị và mỗi người dân.
Người dân TP.HCM thở phào và đồng thuận rất cao với Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khi ông tuyên bố tại cuộc họp ngày 26-4 rằng TP "dứt khoát không tổ chức bắn pháo hoa".
Cũng như mọi người dân khác, ông "cũng muốn không khí rộn ràng", nhưng với trách nhiệm người đứng đầu một thành phố hơn 10 triệu dân, ông không muốn "xảy ra chuyện gì ân hận không kịp".
Ngày chiến thắng đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu, chắc pháo hoa sẽ bừng sáng khắp nơi. Khi đó vui cũng chưa muộn.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/danh-phao-hoa-cho-chien-thang-covid-19-a75661.html