Khổ sở vì nước thải ngập nhà, ngập trường
Thời gian gần đây, báo chí và dư luận liên tục phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường ở sông Ngũ Huyện Khê và khu vực xung quang các cơ sở, khu, cụm công nghiệp do làng nghề giấy Phong Khê, Phú Lâm gây ra.
Sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc cấm xả thải ra sông Ngũ Huyện Khê, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã trực tiếp xả thải ra… đường.
Chiều ngày 29/4, có mặt tại làng Phong Khê (TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), ngay tại khu vực trường tiểu học và THCS Phong Khê, phóng viên cảm nhận rõ rệt một mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ dòng nước bì bõm dưới chân. Con đường kéo ra đến tận trụ sở UBND phường Phong Khê cũng ngập trong thứ nước xanh đen, nặng mùi và cuốn theo cả rác thải này.
Được biết, tình trạng ngập úng này do một số cơ sở sản xuất giấy bị yêu cầu tháo dỡ tất cả hệ thống xả thải trái phép không qua xử lý ra sông Ngũ Huyện Khê, nên những ngày qua, dòng nước thải từ các doanh nghiệp này lẫn bùn đen, nồng mùi hôi thối chảy tràn từ hệ thống cống thoát, gây ngập tuyến đường giao thông từ UBND phường đến trường học, khu phố Đào Xá, khu Dương Ổ… đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt và học tập của học sinh.
Từ chiều ngày 28/4, hơn 1.400 học sinh tại trường tiểu học và THCS Phong Khê đã phải nghỉ học vì nước thải ngập lênh láng trong trường lớp.
Ghi nhận tại một số hộ gia đình, chúng tôi nhận thấy, những nhà xây dựng ở nơi có độ dốc cao và đã cải tạo tôn nền thì dường như không bị ngập, còn những hộ dân lát sân nền thấp hơn thì vẫn đang ngập trong nước thải. Trong khi một số người dân đã tìm cách bơm nước từ sân ra ngoài cống, vẫn có một số gia đình “cửa đóng then cài” trong tình trạng nước đen ngập trong sân, vì theo lời hàng xóm, họ còn đang bận đi kiếm tiền mưu sinh.
Anh N.V.T. vừa về đến nhà sau khi đi mượn một chiếc máy bơm mini, liền vừa bơm nước vừa kể: “Trước nay chưa từng xảy ra tình trạng như vậy. Ngày 28/4, nước cống bắt đầu dềnh lên dần dần, còn dâng tràn vào tận trong phòng. Đồ đạc ướt hết. Mà nước lại còn hôi nồng nặc nữa, không thể chịu nổi”.
Cách đó không xa, làm việc ngay tại đoạn đường đâng bị ngập, ông N.T.M. bức xúc: “Vào mùa mưa hằng năm, nước ngập có khi một tháng. Còn như lần này, không phải do mưa, mà do nước thải từ các máy công nghiệp. Tỉnh yêu cầu không được bơm nước ra sông Ngũ Huyện Khê nên xảy ra tình trạng như vậy. Nước bẩn ngập đến đầu gối, rất nguy hiểm đến sức khỏe của người dân. Chúng tôi thấy rất băn khoăn…”.
Nhà chị D. tuy không bị nước thải tràn vào, nhưng chị cũng bày tỏ: “Mấy hôm nay, đường sá ngập như này, người dân chúng tôi đi lại rất khó khăn. Trẻ con thì phải nghỉ học, con tôi đang học lớp 6, cũng phải nghỉ ở nhà. Tình trạng để nước lênh láng như này thì không biết bao giờ mới cho con đi học trở lại được?
Tôi cũng mong các cấp chính quyền có phương án nào giải quyết được bài toán này, vừa quan tâm môi trường mà cũng phải tạo điều kiện cho dân làm ăn. Không thể đề xuất cắt điện được, mà cũng không thể đình chỉ sản xuất mãi được. Sau thời gian đình chỉ thì như thế nào?”.
Cơ sở sản xuất công nghiệp xen lẫn trong khu dân cư
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Lê Văn Tấn (Chủ tịch UBND phường Phong Khê) cho biết: “Hiện tại, trên địa bàn có hơn 200 doanh nghiệp đang trực tiếp tham gia vào hoạt động kinh doanh, sản xuất giấy. Những cơ sở sản xuất năm xen kẽ với khu dân cư, vẫn chưa được quy hoạch tách bạch ra khỏi khu dân cư hoàn toàn”.
Sáng ngày 29/4, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã ký 6 quyết định xử phạt vi phạm hành chính và đình chỉ hoạt động của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản xuất giấy trên địa bàn phường Phong Khê. Theo đó, 6 công ty, hộ kinh doanh sản xuất đều không có báo cáo đánh giá tác động về môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải ra ngoài môi trường.
Cụ thể, công ty TNHH Viphaco sản xuất giấy Kraft bị phạt 695 triệu đồng. Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Thoa bị phạt 275 triệu đồng. Hộ kinh doanh Nguyễn Bá Chứ bị phạt 275 triệu đồng. Hộ kinh doanh Nguyễn Trọng Sơn bị xử phạt 275 triệu đồng. Hộ kinh doanh Nguyễn Trọng Du bị phạt 362,5 triệu đồng. Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hoàn bị phạt 347,5 triệu đồng.
Đồng thời, cả 6 công ty và hộ kinh doanh trên đều bị áp dụng hình phạt bổ sung đình chỉ sản xuất 9 tháng.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu các công ty và các hộ kinh doanh phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt và báo cáo kết quả khắc phục hậu quả vi phạm.
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Tấn, đến thời điểm này, một số cơ sở vẫn còn hoạt động, bởi: “Máy chạy không phải muốn dừng là dừng được. Nghiền ra một khối lượng bột thì phải làm nốt chứ biết đổ đi đâu, tiền của cả… Cái này cũng phải hiểu cho các cơ sở sản xuất”.
Cũng theo ông Tấn, vấn nạn ô nhiễm môi trường tại làng giấy Phong Khê đã tồn tại từ rất lâu. Những hệ lụy từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nằm xen kẽ trong dân, còn nhiều dây chuyền công nghệ lạc hậu, người dân chưa tự giác, ý thức trong bảo vệ môi trường… khiến ô nhiễm môi trường nước, không khí, chất thải, khí thải tại làng nghề giấy Phong Khê luôn trong tình trạng bức xúc. Tuy nhiên, Hàng nghìn hộ dân tại khu vực này đều trông chờ vào hoạt động của làng nghề, không chỉ ảnh hưởng đến chủ hộ kinh doanh, mà còn ảnh hưởng đến nhân công, đến rất nhiều người khác.
Ô nhiễm môi trường làng nghề giấy Phong Khê nằm trong danh sách phải xử lý triệt để theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”. Tỉnh và thành phố đã và đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm tại đây, bảo đảm phát triển sản xuất, ổn định sinh hoạt của người dân.
“Vì để “cứu nguy” cho sông Ngũ Huyện Khê, chính quyền địa phương yêu cầu dừng xả thải ra đó, sau đó, phát sinh những vấn đề gì thì sẽ tiếp tục xử lý. Trước mắt, chúng tôi đang sửa chữa lại hệ thống tại nhà máy xử lý nước thải, đây là một phần nguyên nhân gây ra cảnh ngập nước này. Khi máy được sửa xong thì chỉ trong một tiếng, nước sẽ rút hết, đảm bảo an sinh xã hội, trả lại điều kiện sống của người dân, cho các cháu đi học lại bình thường.
Phía phường cũng tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh chấp hành việc đóng góp, đấu nối hệ thống xử lý nước thải về nhà máy. Bên cạnh đó, liên quan đến khí thải, chúng tôi cũng đã đề nghị sở Tài nguyên Môi trường, phòng Quản lý đô thị là những cơ quan chuyên trách để có giải pháp giúp các cơ sở xử lý khói bụi” - ông Lê Văn Tấn phân trần.
Vị Chủ tịch UBND phường Phong Khê cũng thông tin thêm: “UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quyết định về “Quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp đến 2030”, theo lộ trình đến năm 2025, tất cả các cơ sở sản xuất giấy ở đây sẽ phải di dời ra khỏi địa bàn, đóng cửa tại khu dân cư; đến năm 2030, sẽ đóng cửa khu công nghiệp I. Nếu cơ sở nào không đảm bảo, không chấp hành thì đóng cửa sớm hơn”. Đồng thời, trong kế hoạch của UBND tỉnh, Phong Khê sẽ được quy hoạch trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ, nhà ở, logictics.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/bac-ninh-nguoi-dan-lang-giay-phong-khe-kho-so-cua-dong-then-cai-a75692.html