Nghiêm khắc xử lý hành vi tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam

Trong tình hình dịch bệnh Covid – 19 đã, đang diễn biến phức tạp nên việc đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam là hành vi vô cùng nguy hiểm và đáng bị lên án. Với hành vi đưa người khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam hoặc giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác vào Việt Nam, ở lại Việt Nam trái phép thì tùy vào từng mức độ, hậu quả xảy ra người có hành vi vi phạm có thể phải chịu xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự

Xử phạt vi phạm hành chính

Hành vi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam sẽ được xử lý theo quy định của Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội ngày 12/11/2013 do Chính phủ ban hành (Nghị định 167/2013/NĐ-CP) và Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, tùy vào mức độ nguy hiểm của hành vi nhập cảnh trái phép và số lần vi phạm để áp dụng chế tài phù hợp, có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với phương thức xử phạt hành chính, Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định: người có hành vi qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng[3]; người nước ngoài nhập cảnh mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng[4].

Xử lý nghiêm các đường dây đưa người xuất, nhập cảnh trái phép

Nhóm người Trung Quốc vượt đường rừng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bị lực lượng Biên phòng Quảng Ninh bắt giữ.

Người có hành vi qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục nhập cảnh được hiểu là những người vào Việt Nam mà không đi qua các cửa khẩu, không làm các thủ tục cần thiết để được vào Việt Nam, có thể họ đi vào bằng đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới. Còn những người nước ngoài nhập cảnh mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam là những người nhập cảnh vào Việt Nam mặc dù không đủ điều kiện để nhập cảnh, chưa được cấp phép để vào Việt Nam, ví dụ như không có thị thực, hoặc có nhưng đó là các giấy giờ giả mạo[5]. Ngoài ra, nếu người nước ngoài có hành vi nhập cảnh trái phép thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất ra khỏi Việt Nam[6].

Xử lý vi phạm hình sự

Trường hợp đến mức bị xử lý hình sự thì mức hình phạt cao nhất mà người phạm Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép là bị phạt đến 15 năm tù giam theo quy định tại Điều 348 Bộ luật hình sự 2015 như sau:

Điều 348. Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép

1. Người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt từ từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với từ 05 người đến 10 người;

d) Có tính chất chuyên nghiệp;

đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Đối với 11 người trở lên;

b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

c) Làm chết người.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, nếu hành vi này dẫn đến làm lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, người này còn bị xử lý hình sự theo Điều 240 của Bộ luật này như sau:

Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Làm chết người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

b) Làm chết 02 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Huyền Ly

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/nghiem-khac-xu-ly-hanh-vi-to-chuc-moi-gioi-cho-nguoi-khac-nhap-canh-trai-phep-vao-viet-nam-a75714.html