Thấp thỏm mong sớm có phương án cho bài thi học kỳ
Ngày 3/5, sở GD&ĐT Hà Nội đã có thông báo cho toàn bộ học sinh, học viên các cấp trên địa bàn thành phố tạm dừng đến trường từ ngày 4/5, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19.
Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin Pháp luật, trong ngày 4/5, các nhà trường nhanh chóng xây dựng và triển khai kế hoạch dạy học trực tuyến, trên cơ sở kế thừa những kinh nghiệm từ các đợt học trực tuyến trước đó. Thời khóa biểu chính thức tại các nhà trường hầu hết sẽ được bắt đầu từ ngày 5/5.
Trao đổi với PV, cô Nguyễn Thị Bích Huyền (Hiệu trưởng trường tiểu học Ái Mộ A - Long Biên) cho biết: “Đây là giai đoạn học sinh tiểu học bắt đầu bước vào những tuần ôn tập và kiểm tra cuối kỳ. Chính vì vậy, nếu không có vấn đề gì, các con đã có thể làm bài thi cuối kỳ và khép lại chương trình của năm học này, tuy nhiên, như tình hình dịch bệnh hiện nay, các con phải học trực tuyến, nên “đích đến” đang xa hơn. Các cô giáo cũng phải linh hoạt thay đổi kế hoạch, cho học sinh tập trung ôn tập, hệ thống hóa kiến thức, phối hợp với phụ huynh để đảm bảo sắp xếp lịch học có phụ huynh ngồi cùng và giám sát việc học của con.
Chúng tôi để các giáo viên chủ nhiệm xếp lịch để tối thiểu trong tuần có 2-3 tiết học trực tuyến. Còn lại, giáo viên sẽ tăng cường tận dụng giao bài tập về nhà, sau đó, bố mẹ gửi lại cho thầy cô chấm và chữa bài cho các con. Nhà trường không lạm dụng các giờ học trực tuyến, mà trao đổi với phụ huynh để bố trí lịch học hợp lý, mỗi tiết học chỉ khoảng 35-40 phút.
Trong sáng nay, chúng tôi đã họp chuyên môn để xây dựng một thời khóa biểu mới phù hợp cho các con, có sự cân đối giữa dạy học trực tuyến và giao bài tập, đảm bảo thời gian trẻ tiếp xúc với máy tính không quá nhiều, vừa để trẻ không nhàm chán, vừa bảo vệ sức khỏe của trẻ. Sau đó, khi trẻ học xong bài, phụ huynh có thể quay lại clip các con đọc bài để gửi qua các nhóm zalo của lớp, để cô giáo đánh giá, động viên học sinh. Mặc dù các cô vất vả hơn nhưng phụ huynh học sinh cũng rất hưởng ứng và mang lại hiệu quả tích cực”.
“Tuy nhiên, đối với học sinh khối 1, 2, 3, việc dạy học trực tuyến càng trở nên khó khăn hơn, các thầy cô càng phải nỗ lực nhiều hơn.
Bên cạnh đó, chúng tôi đang vướng ở việc tổ chức kiểm tra cuối kỳ cho các con. Tôi cho rằng việc phân chia học sinh đến trường thi đảm bảo giãn cách cũng sẽ là một giải pháp, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo tiến độ của năm học” - Hiệu trưởng trường tiểu học Ái Mộ A bày tỏ.
Chia sẻ về kế hoạch triển khai dạy học trực tuyến, cô Hoàng Thị Thu Trinh (Hiệu trưởng trường THCS Yên Nghĩa - Hà Đông) cho biết: “Về cơ bản, đợt dạy học online này, nhà trường vẫn duy trì như những đợt học trước, tức là, chúng tôi vẫn triển khai dạy theo thời khóa biểu trên lớp và rút ngắn giờ học lại còn khoảng 40 phút/tiết, giữa 2 tiết cách nhau 10 phút. Những đợt trước, nhà trường đã tập huấn giáo viên nên đến nay triển khai rất nhanh, chỉ có giáo viên là vất vả hơn trong việc soạn bài”.
“Ngay khi có thông báo từ lãnh đạo phòng, chúng tôi cấp tốc thông báo cho giáo viên chủ nhiệm để thông báo đến phụ huynh, đảm bảo 100% phụ huynh học sinh nắm được thông tin chuyển sang học trực tuyến. Chỉ có giai đoạn đầu, một số học sinh chưa có điện thoại thông minh hoặc máy tính để học trực tuyến nên nhà trường gợi ý các con có thể đến học cùng một bạn khác. Tuy nhiên, đến nay, học sinh toàn trường đã được trang bị đầy đủ thiết bị, nên giờ học cũng được đảm bảo.
Tính đến thời điểm hiện tại, riêng học sinh khối 9 đã thi xong học kỳ, còn lại các khối lớp khác đều chưa kịp làm bài thi học kỳ. Có lẽ, phải chờ đến khi học sinh quay trở lại trường, sẽ tiến hành cho học sinh khối 6,7,8 thi học kỳ ngay, hơn nữa, đề thi cũng cần cân nhắc về độ khó để đảm bảo công bằng cho các con”.
Dồn lực cho kỳ thi vào 10 và tốt nghiệp THPT
Trong khi các khối lớp khác chỉ còn cách kỳ nghỉ hè đúng nghĩa những bài thi học kỳ, học sinh lớp 9 và lớp 12 lại đang đứng trước những kỳ thi chuyển cấp và tốt nghiệp vô cùng quan trọng. Đây có thể xem là giai đoạn “nước rút” ôn luyện kiến thức của các sĩ tử. Chính vì vậy, các nhà trường cũng đang gấp rút dồn lực cho học sinh cuối cấp chuẩn bị thật tốt trước kỳ thi.
Hiệu trưởng trường THCS Yên Nghĩa bày tỏ sự lo lắng: “Trong giai đoạn này, nhà trường vẫn đang dồn lực tập trung tiến hành ôn tập cho học sinh lớp 9, chuẩn bị thật tốt kiến thức cho học sinh thi vào lớp 10. Chất lượng chắc chắn sẽ không đạt được như dạy trực tiếp trên lớp, nhưng cũng đòi hỏi bản thân học sinh phải nâng cao tự giác hơn nữa.
Chúng tôi cũng đang rất lo cho các con, không biết như thế nào, nếu cứ tiếp tục chỉ ôn tập qua các giờ dạy học trực tuyến như thế này thì chắc chắn chất lượng cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều”.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, thầy Hà Xuân Nhâm (Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa) cũng cho biết: “Hiện nay, việc thực hiện kế hoạch giáo dục năm học đã hoàn thành nên nhà trường đang tập trung cao độ cho việc ôn tập phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT của khối 12. Trước hết, về thời lượng, nhà trường tăng giờ cho các bộ môn có trong bài thi tốt nghiệp; còn về kiến thức, ban giám hiệu đã đề nghị các tổ chuyên môn thống nhất và biên soạn các chuyên đề ôn tập.
Bên cạnh đó, về công cụ hỗ trợ, phối hợp với đối tác trong việc tăng cường cung cấp các đề minh họa, hướng dẫn học sinh tự học và tương tác giải đáp thắc mắc trên hệ thống công nghệ thông tin.
Việc chuyển đổi giữa hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến nhà trường đã có kinh nghiệm của năm trước nên không gặp khó khăn. Hệ thống công nghệ thông tin của trường đã được giáo viên và học sinh khai thác, sử dụng thường xuyên và hiệu quả”.
Cô Chu Thị Lan Anh (Phó Hiệu trưởng trường mầm non Dịch Vọng Hậu - Cầu Giấy) chia sẻ: “Với cấp học mầm non, chúng tôi chỉ gửi nội dung ôn tập, hoặc những video do giáo viên tự xây dựng, những trò chơi do giáo viên chuẩn bị... về cho cha mẹ học sinh, để học sinh thực hành theo; chứ không yêu cầu học sinh tương tác. Chẳng hạn, giáo viên sẽ gửi kế hoạch vào 2 ngày là thứ 3 và thứ 6 hàng tuần. Trước đây, giai đoạn đầu, nhà trường cũng có triển khai giao lưu online nhưng sau một thời gian thực hiện, nhận thấy không mang lại hiệu quả do trẻ mầm non tập trung không cao, chúng tôi đã dừng lại. Chúng tôi không bắt buộc phụ huynh học sinh gửi phần “trả bài” mà chỉ khuyến khích nếu các con có hứng thú, phụ huynh có thể quay sản phẩm và gửi lại cho giáo viên, thường là đối với các trẻ 4-5 tuổi. Mặc dù, ban giám hiệu và giáo viên vẫn đi làm bình thường nhưng không thể đón học sinh. Một số phụ huynh cũng “gặp khó” vì chưa kịp sắp xếp thời gian trông con, nhưng vì đảm bảo quy định phòng chống dịch, không thể làm gì được. Khác với những thời điểm cho học sinh nghỉ học vì lạnh, nhiều phụ huynh không thể sắp xếp lịch, nhà trường vẫn nhận trông giúp để hỗ trợ, nhưng trong giai đoạn này thì không thể”. |
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/thap-thom-hoc-online-phong-dich-covid-19-nhieu-ky-thi-dang-cho-a75716.html