Đại tá Bùi Anh Xuân nguyên Bí thư Đảng ủy-Phó Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai, sinh ra và lớn lên tại xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Ông tham gia phong trào địa phương từ khi còn nhỏ tuổi, sau đó, gia nhập quân ngũ rồi được tổ chức chuyển sang lực lượng Cảnh sát vũ trang. Sớm bộc lộ nhiều tố chất và bản lĩnh, cuối năm 1977 ông chuyển về công tác tại tỉnh Hoàng Liên Sơn cũ, với cương vị Phó Trưởng Công an thị xã Lào Cai.
Tiếp tục hoành thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ được giao, năm 1991, sau khi tỉnh Hoàng Liên Sơn được chia tách thành tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái, ông được lãnh đạo Bộ tin tưởng giao làm Phó Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai. Đồng thời, ông cũng là Bí thư Đảng ủy đầu tiên của Công an tỉnh Lào Cai.
Đại tá Bùi Anh Xuân bình dị giữa đời thường, ở tuổi “xưa nay hiếm”
Sống bình dị trong một căn nhà nhỏ, nằm ở ngoại thành thành phố Lào Cai, ít ai nghĩ rằng, người đàn ông bình dị này lại là nguyên Đại tá-Bí thư Đảng ủy-Phó Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai.
Là một trong số các lãnh đạo đầu tiên của Công an tỉnh khi tỉnh Lào Cai tái lập, Đại tá Bùi Anh Xuân đã có những phút trải lòng về khoảng thời gian lịch sử ấy. Nhắc lại chuyện cũ, ánh mắt ông thâm trầm, dường như những vất vả khó khăn của năm tháng “tái lập” tỉnh vẫn chưa một phút nào lãng quên trong tâm trí người Đảng viên đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm”.
Ông Xuân cho biết, năm 1991, sau khi tỉnh Lào Cai tái lập, ông là Phó Giám đốc phụ trách tổ chức và hậu cần. Thời kỳ đó, Lào Cai gần như chưa có cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động công tác. Anh em lại ở ba nơi: khối Xây dựng lực lượng ở Tằng Lỏong, khối Cảnh sát ở thị xã Cam Đường, khối An ninh ở tiền phương Bảo Thắng.
Nhờ tự tin tưởng, giao nhiệm vụ của Ban Giám đốc Công an tỉnh, đồng thời vốn có công tác dân vận tốt, ông Xuân đã vận động được nhiều đơn vị cho mượn một số nhà cửa, kho bãi để làm chỗ ở ban đầu cho cán bộ chiến sĩ và gia đình. Những nơi không có cơ sở vật chất như vậy, ông cùng anh em cố gắng làm đủ nhà tạm, chỗ ở tạm.
Suốt thời gian đầu nhận nhiệm vụ, ông luôn cố gắng để lo chu toàn từng miếng ăn, nơi ở cho anh em đồng thời, liên tục phải đi Hà Nội để làm việc với lãnh đạo Bộ Công An. Tuy vậy, ông chia sẻ rằng điều làm ông tâm tư nhất không phải đường xá hay cơ sở vật chất mà là làm sao để luôn thấy anh em chiến sĩ no ấm và cấp trên tin tưởng, tạo các điều kiện tốt cho Lào Cai.
Sau những buổi ban đầu ăn tạm, ở nhờ dân, Đại tá Bùi Anh Xuân được Ban Giám đốc Công an tỉnh giao cho chủ trì để xây dựng nhiều công trình, là cơ sở vật chất nền tảng cho hoạt động của ngành tại Lào Cai. Hiện nay, phần lớn các công trình đó đều vẫn đang được Công an tỉnh sử dụng.
Tác giả Mai Minh Ngọc, chụp ảnh lưu niệm với ông Bùi Anh Xuân
Nhiệm vụ là thế nhưng theo ông, bản thân không hề tơ hào một chút lợi ích riêng nào. Ông kể về những kỷ niệm đáng nhớ khi xây dựng trụ sở Công an tỉnh Lào Cai, nay là trụ sở Công an thành phố Lào Cai. Vì đó là công trình trọng điểm nên ông phải đi nhiều nơi, thực tế tìm một đơn vị xây dựng tốt, đủ điều kiện, sau đó trình xin ý kiến Ban Giám đốc.
Ông kể thật tình: “Ngày ấy, biết thông tin có rất nhiều người đến đặt vấn đề với tớ, họ bàn tính cả việc chia chác phần trăm. Thậm chí, có nơi còn dùng cả mĩ nhân kế, cho phụ nữ tiếp cận, đặt vấn đề”.
Nhưng với ông, mục đích trong công tác không phải những thứ đó. Điều ông mong mỏi nhất lại chỉ đơn giản là sống làm sao, làm việc làm sao để hoàn thành nhiệm vụ được giao, về già không ai trách móc mình. Mong mỏi gắn với cuộc đời cống không ngừng nghỉ của Đại tá Bùi Anh Xuân, tưởng giản đơn nhưng lại là cả một bài học sâu xa cho hậu thế. Bởi xưa và nay, người đảng viên đều không phấn đấu vì vật chất cho bản thân trong sự nghiệp cách mạng của mình.
Trần Anh – Mai Minh Ngọc
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/nguoi-dai-ta-lo-nhung-bua-an-giac-ngu-dau-tien-cho-cong-an-tinh-lao-cai-a75738.html