ca nhiễm SARS-CoV-2 cao kỷ lục. Huyện Việt Yên - thủ phủ khu công nghiệp với hàng trăm nghìn công nhân - đã giãn cách xã hội. Ở cách đó gần 100 km, bác sĩ Oanh vẫy tay tạm biệt cô con gái nhỏ trước giờ lên đường.
- Mẹ đi nhé, mấy ngày nữa mẹ sẽ về.
- Vâng, con chúc mẹ lên đường may mắn.
- Ba bố con tự ở nhà chăm sóc nhau cẩn thận, mẹ yêu ba bố con.
Bác sĩ Vũ Thị Oanh (khoa Phục hồi chức năng) là một trong số 200 người thuộc đoàn cán bộ y tế của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh) tình nguyện đi hỗ trợ Bắc Giang trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19.
Chuyến đi đột xuất của nữ bác sĩ và đồng nghiệp giữa lúc tỉnh Bắc Giang đang đối mặt với nguy cơ ca mắc Covid-19 tăng cao. Dù trót hứa hẹn với con gái rằng "mẹ đi mấy ngày sẽ trở về ngay", trong lòng bác sĩ Oanh biết chuyến công tác này có thể kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng.
Đêm 14/5, Bắc Giang ghi nhận thêm 24 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca bệnh do địa phương tự xét nghiệm đến thời điểm này là 145 ca.
Các ca bệnh mới vẫn tập trung ở ổ dịch tại Công ty TNHH ShinYoung Việt Nam thuộc khu công nghiệp Vân Trung và ổ dịch Công ty TNHH Hosiden Việt Nam, khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên. Hàng nghìn công nhân, đặc biệt là những người làm việc trong khu vực có lắp máy lạnh, đứng trước nguy cơ nhiễm bệnh.
"Không có thời gian chuẩn bị nhiều, mình chỉ gói gọn một vali quần áo, đồ dùng cá nhân. Nhưng quan trọng nhất vẫn là chuẩn bị tâm lý để xa chồng, xa các con. Mình biết chuyến công tác này chưa xác định ngày về", bác sĩ chia sẻ trước lúc lên đường.
Cùng công tác trong viện, điều dưỡng trưởng của khoa khám bệnh Nguyễn Thanh Thủy không nén nổi xúc động khi tiễn chồng lên đường làm nhiệm vụ. "Bản thân em thấy tự hào khi cả hai cùng đóng góp sức nhỏ của mình trong công cuộc chống dịch của đất nước. Trước khi lên đường em chỉ biết chúc chồng và anh em đồng nghiệp có nhiều sức khỏe để làm tốt nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe của nhân dân", chị Thủy chia sẻ.
Mới cưới nhau được vài tháng, vợ chồng bác sĩ Nguyễn Xuân Điệp và Đỗ Thị Mai Anh không nỡ rời xa nhau. Thế rồi cả hai người cùng xung phong lên đường làm nhiệm vụ.
"Chúng tôi nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh nhưng mà không vì thế mà lo sợ, chỉ lo sức khỏe của vợ khi phải làm việc nhiều trong bộ bảo hộ nóng bức. Hai vợ chồng xin về cùng một đội để tiện chăm sóc nhau", bác sĩ Điệp chia sẻ.
Ngày 15/5, đoàn tình nguyện gồm 200 cán bộ y tế của bệnh viện Việt Nam Thuỵ Điển (Uông Bí, Quảng Ninh), do Phó giám đốc Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí Nguyễn Thị Hồng Hoa làm trưởng đoàn lên đường đến huyện Việt Yên (Bắc Giang), hiện là tâm chấn của đại dịch.
Vị "nữ tướng" chia sẻ: "Bệnh viện chúng tôi luôn luôn sẵn sàng đi chi viện cho bất kỳ một đơn vị y tế nào, địa phương nào để cùng nhau chung tay chống đại dịch Covid-19. Sau khi nhận được đề nghị của Bắc Giang và sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, chuyến công tác lần này, chúng tôi sẽ thực hiện nhiệm vụ truy vết và làm xét nghiệm, không xác định ngày về. Anh chị em quyết tâm sát cánh cùng người dân Bắc Giang đến khi nào đảm bảo an toàn cho cộng đồng".
Đại diện đoàn quân áo trắng cho biết kể từ đầu mùa dịch họ luôn sẵn sàng thực hiện 3 nhiệm vụ chính gồm đảm bảo công tác khám chữa bệnh an toàn, thực hiện chống dịch tại bệnh viện và sẵn sàng tăng cường, hỗ trợ cho các địa phương, các cơ sở y tế khi cần. Và lần này những bác sĩ tuổi đời còn rất trẻ cũng tình nguyện lên đường theo đoàn vào tâm dịch.
Về nguồn vật tư y tế, họ cũng đã có những kế hoạch, kịch bản để đáp ứng tình trạng khẩn cấp và nhiệm vụ đốt xuất.
Trước giờ lên đường, nữ bác sĩ Vũ Thị Thanh Tâm (27 tuổi) vui vẻ chụp ảnh kỷ niệm cùng đồng nghiệp. "Không sợ hãi, không do dự, khi bệnh viện thông báo tôi đăng ký luôn. Bên cạnh đó, được đi công tác với các anh chị, cô chú là bác sĩ có kinh nghiệm lâu năm cũng là một cơ hội học hỏi hiếm hoi mà tôi may mắn có được", bác sĩ Tâm nói.
Trước giờ xuất phát, toàn bộ dụng cụ y tế phục vụ xét nghiệm trong những ngày tới được các bác sĩ kiểm tra, rà soát lại lần cuối. Đây là khâu hết sức quan trọng bởi địa bàn huyện Việt Yên (Bắc Giang) và thành phố Uông Bí rất xa nhau, nếu không may quên sinh phẩm hoặc que xét nghiệm có thể ảnh hưởng tới toàn bộ chiến dịch lần này.
Bên cạnh đó, công tác hậu cần cũng được bệnh viện quan tâm, hơn 400 thùng mì tôm, hàng trăm thùng sữa, thịt hộp các loại được chuẩn bị để phục vụ đoàn công tác.
Chưa đầy 24 tiếng từ khi Bắc Giang có lời đề nghị giúp đỡ, đoàn cán bộ y tế tỉnh Quảng Ninh đã sẵn sàng cho công tác truy vết, dập dịch tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang và huyện Việt Yên.
Sau giờ nghỉ trưa ngắn ngủi, đoàn bác sĩ tình nguyện bắt tay ngay vào việc. 200 cán bộ y tế được chia thành 10 nhóm với 20 thành viên, mỗi người một nhiệm vụ người lấy mẫu, lưu mẫu, nhập liệu, rà soát thông tin. Việc truy vết không chỉ tập trung làm ban ngày thậm chí kéo dài cả ban đêm. Bởi công tác truy vết càng quyết liệt thì càng khoanh vùng chính xác đối tượng và nhanh chóng dập dịch.
Trong trang phục phòng dịch kín mít, việc nhận ra nhau chỉ đơn giản là chỉ tên và vị trí nhóm được viết bằng bút dạ trên bộ đồ. Càng sát giờ lên xe, bầu không khí dần trở nên căng thẳng hơn nhưng niềm hứng khởi vẫn hiện lên trên nhiều khuôn mặt các y bác sĩ. Với họ, đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là một cơ hội để thể hiện và thử sức mình.
Tiếp cận khu nhà xưởng với 10.000 công nhân cần lấy mẫu xét nghiệm, "nữ tướng" bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Hoa bận không mở được mắt theo đúng nghĩa đen, chiếc kính chống giọt bắn luôn bị mờ do hơi thở và mồ hôi chảy xuống, còn đôi mắt thì cay xè.
Do lượng công nhân của công ty này rất đông đoàn sẽ làm việc xuyên đêm để lấy các mẫu xét nghiệm và cố gắng hoàn thành trong đêm nay. Lấy mẫu xét nghiệm xuyên đêm sẽ rất mệt, rất vất vả nhưng mọi người cố gắng không nghỉ. Các thành viên trong đoàn sẽ đổi ca, thay nhau đi ăn cơm cho kịp tiến độ công việc.
Nhân viên y tế nhanh chóng sắp đặt khu vực bàn lấy mẫu, do đã có kinh nghiệm từ trước nên chỉ trong thời gian ngắn, việc lấy mẫu đã được tiến hành. Công nhân được chia theo từng phân xưởng, tổ khác nhau. Khi lấy mẫu được yêu cầu ngồi theo hàng dọc 5 người/lần. Những mẫu này được áp dụng phương pháp “xét nghiệm gộp mẫu” trong xét nghiệm sàng lọc Covid-19 nhằm đạt được mong muốn thực hiện ít xét nghiệm hơn nhưng vẫn đảm bảo sàng lọc được tất cả ca bệnh.
Ưu điểm của phương pháp "xét nghiệm gộp mẫu" là giảm được số lượng kit sử dụng trong xét nghiệm COVID-19 do số lượng người cần xét nghiệm quá lớn. Để tránh nhầm lẫn, bên cạnh nhóm nhân viên y tế làm công tác nhập liệu, luôn có người hỗ trợ rà soát thông tin để tránh những sai sót có thể xảy ra.
"Chúng tôi nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh nhưng mà không vì thế mà chúng tôi lo sợ, nhận thức được để chúng tôi có giải pháp phòng chống, đảm bảo an toàn cho mình, cho đồng nghiệp, cho gia đình và cho cộng đồng", bác sĩ Hoa chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Điệp (Trưởng khoa Nhi, Phụ trách trung tâm đào tạo chỉ đạo tuyến) chịu trách nhiệm phó đoàn tình nguyện. Chị nói mọi y bác sĩ đều đã chuẩn bị tinh thần cho những sự kiện như thế này. "Dịch đang diễn biến hết sức phức tạp nhưng chúng tôi sẵn sàng tới để hỗ trợ Bắc Giang trong đợt này".
"Khi có nhiệm vụ phân công về các khoa, phòng, trên tinh thần gần 100% nhân viên đều xung phong tham gia. Chúng tôi xác định khi đi vào vùng dịch thì coi như là những người có nguy cơ, thậm chí là F1. Do vậy sẵn sàng tư thế có thể cách ly 21 ngày sau đó mới trở về cộng đồng. Thậm chí có nguy cơ mình có thể bị nhiễm, đó là cái có thể xảy ra nên cái đó phải xác định", bác sĩ Điệp bày tỏ.
"Là một người làm công tác khám và điều trị nên nghĩ ai cũng phải cố gắng giữ sức khỏe và bảo vệ bản thân. Nhưng trong đợt dịch thì mỗi người dân đều phải có ý thức. Ví như bảo đảm 5K, cố gắng tuân thủ bảo vệ chính bản thân mình nên tôi có nhắn nhủ như vậy. Vì bình thường phải bảo vệ sức khỏe nhưng trong đợt dịch càng phải nâng cao cảnh giác, ý thức trách nhiệm tăng lên nhiều lần. Là một bác sĩ chúng tôi sẵn sàng, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ khi có dịch, có bệnh nhân", nữ bác sĩ nói thêm.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/me-di-nhe-may-ngay-nua-me-se-ve-a75963.html