Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện các clip của những người nổi tiếng quảng cáo các sản phẩm đến người tiêu dùng, từ mỹ phẩm, thực phẩm, đồ gia dụng… và mới đây còn có thông tin quảng cáo cả đồng tiền mã hóa FXT bị cho là liên quan đến tổ chức lừa đảo.
Cùng trao đổi về vấn đề này, dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Những người được cho là “người của công chúng”, được nhiều người yêu quý, mến mộ, theo dõi thì về mặt đạo đức nghề nghiệp, đạo đức xã hội họ phải có trách nhiệm với niềm tin yêu của cộng đồng. Dù chỉ một sai sót nhỏ của người nổi tiếng có thể hủy hoại thanh danh của họ, làm hại đến rất nhiều người và còn có thể là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi vậy, những người có tầm ảnh hưởng đối với xã hội thì mọi hành động, thái độ, hoạt động nghề nghiệp đều phải hết sức cân nhắc.
Luật sư Cường nói: “Những người nổi tiếng là do được nhiều người yêu quý, mến mộ. Bởi vậy, hành động, hoạt động của những người này cũng phải thể hiện sự tri ân, đáp lại tình cảm của người hâm mộ của mình. Nếu vì lợi ích, vì động cơ cá nhân mà bán rẻ niềm tin của người hâm mộ, lừa dối họ thì đó là một sự phản bội. Bởi vậy, những nghệ sĩ, những người nổi tiếng cần thận trọng khi giới thiệu các sản phẩm, hàng hóa, các dịch vụ đối với các fan hâm mộ của mình”.
Hoạt động quảng cáo của các nghệ sĩ, những người nổi tiếng trong xã hội có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực đối với xã hội. Nếu việc quảng cáo thực hiện đúng quy định của pháp luật, hàng hóa đảm bảo chất lượng, sản phẩm được quảng cáo chính là sản phẩm nghệ sĩ đã trải nghiệm và thực sự tin dùng thì sẽ tác động tích cực cho xã hội, lan tỏa những sản phẩm có chất lượng, góp phần phát triển kinh tế xã hội, mang lại giá trị cho doanh nghiệp và cộng đồng, bản thân nghệ sĩ cũng được nhiều người tin yêu hơn, mến mộ hơn.
Ngược lại, nếu nghệ sĩ chỉ vì lợi ích trước mắt, vì giá trị của hợp đồng quảng cáo, thiếu kinh nghiệm quảng cáo, thiếu kỹ năng sống, thiếu hiểu biết pháp luật và không có thông tin chính xác, đầy đủ về sản phẩm, không tìm hiểu về điều kiện pháp lý của sản phẩm khi thực hiện hoạt động quảng cáo theo luật quảng cáo và điều kiện đưa ra thị trường (sản phẩm, hàng hoá quảng cáo có thể là hàng kém chất lượng, thậm chí hàng giả, các hoạt động lừa đảo) thì hậu quả đầu tiên mà nghệ sĩ phải gánh chịu đó là mất uy tín, mất niềm tin của người hâm mộ, thậm chí có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Cường cho biết: Mọi hoạt động quảng cáo dù là quảng cáo trực tiếp, quảng cáo trên mạng xã hội hay trên các phương tiện thông tin đại chúng thì đều phải thực hiện các quy định của luật Quảng cáo.
Theo quy định tại luật Quảng cáo và Nghị định 181/2013/NĐ-CP: “ Việc quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt quy định từ Điều 3 đến Điều 11 Nghị định này chỉ thực hiện sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo. Trường hợp là hàng cấm, là hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ có dấu hiệu lừa đảo thì người quảng cáo có khả năng bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm giúp sức là rất cao.
Cùng trao đổi về vấn đề này, luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc công ty Luật Bảo Tín (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Nếu nói đến chiến lược kinh doanh, quảng bá thương hiệu được các công ty, doanh nghiệp lựa chọn nhiều nhất hiện nay thì chúng ta không thể nào bỏ qua chiến lược marketing dùng người nổi tiếng để quảng cáo.
Việc thông qua những người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm trên mạng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến người tiêu dùng, cụ thể: Người tiêu dùng sẽ bị thu hút, kích thích sự tò mò, quan tâm bởi sức ảnh hưởng, sự nổi tiếng của các nhân vật thực hiện quảng cáo. Người tiêu dùng sẽ tin tưởng gần như tuyệt đối dẫn đến việc chủ quan trong lựa chọn sản phẩm, dễ bị người bán lợi dụng,…
Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 2 luật Quảng cáo thì có thể hiểu, hành vi quảng cáo sai sự thật là hành vi do một cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động quảng cáo nhưng nội dung của quảng cáo lại không đúng với sự thật, có khả năng gây ảnh hưởng đến cá nhân hoặc tổ chức khác.
Do vậy, việc quảng cáo sai sự thật có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: “a) Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản,…; b) Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo,…” - (khoản 5, Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP về Vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo).
Ngoài ra, cá nhân, tổ chức thực hiện việc quảng cáo còn có trách nhiệm phải tháo gỡ; tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo vi phạm; và buộc phải cải chính thông tin bị sai.
Hoặc người quảng cáo sai sự thật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Quảng cáo gian dối với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Bởi vậy, các luật sư cùng quan điểm cho rằng, những nghệ sĩ, người nổi tiếng cần thận trọng khi thực hiện các hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội để tránh mất uy tín, mất niềm tin của cộng đồng, fan hâm mộ và tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/nguoi-noi-tieng-quang-cao-sai-su-that-ban-re-nguoi-ham-mo-a75987.html