Anh Hiếu nhận lệnh tham gia vào đội lấy mẫu xét nghiệm của TP. Chí Linh, Hải Dương từ cuối tháng 6/2020. Cũng chính từ khoảnh khắc đó đến nay, anh đã cùng các đồng nghiệp của mình đồng cam cộng khổ trong suốt 3 đợt dịch diễn ra liên tiếp tại Hải Dương. Anh Hiếu mang trong mình sứ mệnh đặc biệt khi là “phần mạnh mẽ” duy nhất của cả đội.
Đến tận bây giờ, ký ức về những ngày đầu nhận nhiệm vụ thực sự vẫn khiến anh ám ảnh: “Chúng tôi lần đầu tiên phải làm quen với một cường độ làm việc khủng khiếp đến như vậy. Mọi thứ diễn ra gần như xuyên ngày đêm. Có những ngày chúng tôi trở về TTYT Chí Linh thì đồng hồ đã điểm 3h sáng. Khoảnh khắc đó, chúng tôi ý thức được sứ mệnh thiêng liêng của mình”.
Là người đàn ông duy nhất trong đội lấy mẫu thuộc TTYT Chí Linh, anh Hiếu gần như phải đảm nhận những phần việc nặng mà chị em “ưu ái”.
Anh Hiếu tâm sự: “Cả đội lấy mẫu xét nghiệm toàn nữ nên các công việc nặng nhọc hầu hết tôi đều hỗ trợ. Những ngày đầu, hầu hết cả đội ai cũng ốm, mình là đàn ông mà cũng ốm liên tục nên tôi hiểu cảm giác của những đồng nghiệp nữ đang phải chịu đựng. Nhiều đêm, đi gửi mẫu tại CDC Hải Dương, cả người ướt sũng, chân run vì đói, đầu nóng toát vì ốm nhưng tôi hiểu rằng nếu mình chỉ cần gục ngã thì sẽ ảnh hưởng lớn đến công việc chung của cả đội nên luôn cố gắng để hoàn thành tối đa nhiệm vụ”.
Số ca nhiễm tăng nhanh, TTYT Chí Linh trở thành Bệnh viện Dã chiến số 1 của Hải Dương nên toàn bộ nhân viên y tế phải cách ly tại bệnh viện mà không được trở về bên gia đình. Bệnh nhân đông nên anh và các nữ đồng nghiệp đều phải ở chung trong một phòng.
Đó là một trong những phần ký ức đặc biệt nhất với những ngày trong "chiến hào” của anh: “Là đàn ông lại đã có vợ nên ở chung cùng phòng với 5-6 đồng nghiệp nữ lúc đầu tôi cũng rất ngại vì bất tiện. Nhưng ở hoàn cảnh đó, có một chỗ để ngả lưng với chúng tôi đã là tốt lắm rồi. Hồi trước, khi nghe đến từ chiến sĩ mặc áo blouse trắng tôi thấy lạ lẫm nhưng bây giờ thì tất cả đều đã trở nên quen thuộc vì với tôi, những người đồng nghiệp này thực sự là những người đồng chí, đồng đội”.
Khác với những bộ phận khác trong quá trình chống dịch, đội lấy mẫu là đội phải thực hiện tiêu chí “đến sớm nhất, rút muộn nhất”.
Do đó, ngay cả khi toàn bộ TTYT Chí Linh được gỡ phong tỏa thì những thành viên của đội lấy mẫu vẫn phải tiếp tục công việc của mình mà chưa thể quay trở lại nhịp làm việc ngày thường.
Anh Hiếu tâm sự: “Ngày TTYT Chí Linh chính thức được hủy bỏ lệnh phong tỏa, hoàn thành nhiệm vụ là Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19, chúng tôi vẫn đang trên đường đi lấy mẫu xét nghiệm. Khoảnh khắc đón nhận tin vui đó chúng tôi hơi có chút chạnh lòng. Vì mình phải chứng kiến niềm vui và sự vỡ òa của đồng nghiệp từ xa, phần vì cảm xúc thật nhất là không biết bao giờ mới được trở về với gia đình”.
Chúng tôi hỏi anh: “Vậy còn các đồng đội thì sao?”, anh Hiếu giọng chùng xuống như gói ghém tất cả sự cảm thông và trân quý dành cho những người đồng đội thân thương của mình: “Mình là đàn ông, mọi việc ở nhà đã có vợ lo toan nhưng nhìn những đồng đội nữ phải xa chồng, xa con đi làm nhiệm vụ không có ngày về thì cảm thương và xót xa vô cùng. Nhìn qua lớp kính bảo hộ, thấy những đôi mắt long lanh lo lắng, trầm ngâm tôi thấu hiểu nên cứ cố trêu đùa cho qua chuyện. “Làm nghề y không ác nổi”, giờ tôi mới thấm thía sâu sắc câu nói ấy”.
Để làm việc đi qua suốt 3 mùa dịch, anh Hiếu và những người đồng đội của mình không chỉ cần sự dũng cảm mà còn cần hơn sự bền gan và thấu hiểu.
Với họ, hình ảnh xe cấp cứu và tiếng còi hú đã trở thành một nếp gấp để đời trong huyết mạch của riêng mình: “Chẳng ai mong xe cấp cứu đến nhà cả vì xe cấp cứu đến nhà là tín hiệu của bệnh tật là sau đó rất có thể họ sẽ phải đi cách ly và điều trị nếu bị nhiễm COVID-19. Đối mặt với những ánh mắt lo lắng, những câu hỏi dồn dập chúng tôi cảm thấy lòng trĩu nặng. Chúng tôi hiểu rằng mình đang trong một cuộc chiến thực thụ và nhiệm vụ của chúng tôi là “bắt” COVID-19 phải lộ mặt. Trong vòng 80 ngày đầu tiên, tôi đã sụt đi 8kg. Tôi chẳng dám nói với vợ con, gia đình vì với tôi sứ mệnh vì cộng đồng bây giờ là điều quan trọng nhất”.
Hơn 100 ngày, anh Hiếu cùng những thành viên của tổ lấy mẫu xét nghiệm đã cùng nhau trải nghiệm hết tất thảy những khó khăn, thử thách. Anh gọi đó là hành trình “thấu nỗi lo, nhận thương yêu”.
Trong hàng vạn trường hợp mà anh phải lấy mẫu, đến tận bây giờ anh vẫn ám ảnh trường hợp một gia đình có 6 người là F0 tại xã Hoàng Tiến, Chí Linh: “Hôm trước, chúng tôi đến lấy mẫu thì hôm sau cả gia đình phải đi cách ly, điều trị COVID-19. Người chồng tái dương tính nhiều lần. Chúng tôi lấy mẫu đến cả chục lần vẫn dương tính. Nhìn đôi mắt của người vợ, của những đứa con đang trông chờ kết quả chúng tôi dường như không thể cầm lòng nổi”.
Trước khi có COVID-19, anh Hiếu là một nhân viên điều dưỡng tại Khoa Hồi sức cấp cứu thuộc TTYT Chí Linh. Có một điều mà chắc hẳn đến tận bây giờ anh Hiếu mới dám bộc bạch là anh chưa bao giờ có niềm đam mê đặc biệt với nghề Y trước khi đến với nghề. Nhưng càng gắn bó với nghề y anh càng thấy giá trị và ý nghĩa.
Đặc biệt, trong đợt dịch vừa qua, anh cùng những người đồng đội của mình đã cùng nhau góp sức cho một cuộc chiến vô cùng ý nghĩa. Chính những phút gian khổ đã khiến anh yêu thêm nghề y và thấu hiểu sứ mệnh thiêng liêng của nghề.
Phút nghỉ ngơi tại trận của "biệt đội lấy mẫu" trong một ngày xuyên đêm làm nhiệm vụ tại tâm dịch.
Ít ai biết rằng, có một quy tắc ngầm mà không phải ai cũng nắm được là trong đội lấy mẫu thì các thành viên “không được phép ốm”. Nghe anh Hiếu tâm sự, chúng tôi xót xa: “Đôi lúc, một hình ảnh về một thành viên nào đó được đưa lên mạng xã hội khi bị ốm, ngất do làm việc khiến cả cộng đồng xót xa. Nhưng với chúng tôi, nó là câu chuyện xảy ra hàng ngày, hàng giờ. Trong đội, chúng tôi còn phải thiết lập nguyên tắc ngầm là không được ốm, vì ốm thì không có ai có thể làm thay công việc vì quân số mỏng mà đầu việc thì lại rất nhiều”.
Đang ngủ, nhận được thông báo đi lấy mẫu đã trở thành một phạn xạ với anh Hiếu và các đồng nghiệp.
Tham gia đội lấy mẫu vào những ngày mưa rét thì phần nào nhẹ nhàng hơn nhưng những ngày nắng nóng thì thực sự là trở ngại lớn với anh Hiếu và cả đội. Anh Hiếu tâm sự: “Khoảng thời gian đầu cảm giác lúc nào cũng mệt mỏi, bí bách, chỉ muốn nằm xuống ngủ một giấc. Buổi sáng, cả đội phải xuất phát từ sớm, cố gắng tận dụng từng giây, từng phút để hoàn thành nhiệm vụ. Đến 12 rưỡi trưa mới được về ăn cơm, bỏ đũa xuống lại lập tức lên đường. Thời gian làm việc của đội không cố định, cứ làm đến khi nào xong việc thì về. Có những hôm về tới phòng đã 3-4 giờ sáng, mệt quá cũng chẳng buồn ăn uống gì”.
Trong những bữa cơm muộn, những giấc ngủ chập chờn, câu trao đổi nhiều nhất của họ là: “Không hiểu sao mình lại có thể tham gia vào chống dịch, cũng không biết làm cách nào mà chúng tôi có thể vượt qua chuỗi ngày làm việc cả ngày lẫn đêm không ngừng nghỉ này”.
Anh Hiếu đã có gia đình và một con trai 3 tuổi. Vợ anh cũng làm kế toán tại Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Đi chống dịch ròng rã hơn hai tháng trời mới được trở về nhà. Khoảnh khắc trở về đó với anh thật đặc biệt, anh bộc bạch: “Dịp 30/4 vừa rồi anh được trở về nhà sau hơn hai tháng dầm mình trong bộ đồ bảo hộ ở tâm dịch Chí Linh. Tròn hai tháng, xuyên Tết không được về nhà. Khoảnh khắc con chạy òa ra ôm bố, tôi xót xa vô cùng. Thương con vì không có cha kề bên nhưng cũng hạnh phúc vì con cũng được tham gia vào một phần của cuộc chiến chung của toàn dân”.
Anh Hiếu và những người đồng đội vẫn đang miệt mài trong một cuộc chiến chưa có hồi kết.
Nhưng COVID-19 vẫn chưa thôi bủa vây khi anh và các đồng nghiệp phải tiếp tục trong một cuộc chiến mới, cuộc chiến bảo vệ thành trì an toàn cho toàn bộ thành phố Chí Linh trong làn sóng dịch thứ 4.
Hơn 100 ngày trôi qua, anh Hiếu và những đồng đội không còn than mệt nữa. Với họ, sự mệt mỏi và áp lực đã trở thành phản xạ. Một mẫu chuyện vui mà anh Hiếu kể khiến chúng tôi thương cảm và xúc động: “Em biết không, đợt này mọi người không còn kêu mệt nữa, nhiều chị em còn thích được đi lấy mẫu. Nhiều hôm lấy được ít mẫu quá về sớm lại không quen”.
Với anh Hiếu và các đồng đội, lấy mẫu cho những đứa trẻ là điều "ám ảnh" nhất.
Không chỉ vậy, anh Hiếu còn được nhiều người dân nhận ra khi trở về với cuộc sống bình thường. Khoảnh khắc đó rất đặc biệt với anh bởi chắc phải trân quý lắm thì người ta mới có thể nhận ra khi mình đang trong bộ đồ bảo hộ kín bưng như vậy.
Anh Hiếu và những người đồng đội của mình đã không còn lo sợ nữa mà gần như coi việc lấy mẫu, gắn bó với bộ quần áo bảo hộ là một việc làm liên tục, một cuộc chiến trường kỳ bởi “phần lợi” của cuộc chiến nào cũng chính là sự trưởng thành của đội ngũ. COVID-19 khiến họ trở nên mạnh mẽ, khiến họ ý thức sâu sắc hơn về sứ mệnh nghề y mà mình đang theo đuổi.
Vượt qua những khó khăn, chia sẻ của anh Hiếu khiến chúng tôi không khỏi xúc động: “Hơn 100 ngày qua, điều đọng lại lớn nhất với chính bản thân tôi là sứ mệnh nghề nghiệp. Không chỉ đội lấy mẫu mà từ giám đốc trung tâm, y bác sĩ điều trị cho đến anh lái xe tất cả đều trong một nhịp đập. Mọi khó khăn, công việc riêng đều được hy sinh cho nhiệm vụ chung. Chưa bao giờ mình thấy nghề bác sĩ lại thiêng liêng đến như vậy”.
Họ không cần ai nhớ mặt, đặt tên bởi tất cả đều đang chiến đấu vì "sứ mệnh Tổ quốc giao".
Những ngày qua, nghe tin Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương phải phong tỏa, anh Hiếu và những đồng nghiệp thuộc TTYT Chí Linh không khỏi lo lắng: “Trong những ngày Chí Linh hoang mang, khủng hoảng nhất thì đã luôn được các y bác sĩ giúp đỡ nên nghe tin, chúng tôi ai cũng lo lắng. Hiện tại chúng tôi cũng đang trong thời gian chống dịch nên không hỗ trợ được gì, cảm thấy rất áy náy. Chúng tôi cũng chỉ biết hỏi thăm, nghe ngóng quan tâm tình hình chứ cũng không làm được gì hơn. Chỉ hy vọng họ sẽ mau chóng vượt qua và chiến thắng dịch bệnh giống như Chí Linh trước đây để các y bác sĩ có thể đoàn tụ với người thân, gia đình”.
Chí Linh đợt rồi có ngày nắng đến gần 40 độ C, vẫn những bộ đồ bảo hộ trắng, xanh kín mít, lớp kính chắn giọt bắn đã trở thành thương hiệu, họ vẫn tiếp tục công việc của mình mà chưa hẹn ngày quay lại với quỹ đạo thường nhật. Anh Hiếu và những người đồng đội của mình vẫn tâm niệm: “Chỉ cần còn COVID-19 thì chúng tôi vẫn sẵn sàng chiến đấu vì chúng tôi coi đây là nhiệm vụ Tổ quốc giao”.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/chuyen-nguoi-dan-ong-hon-100-ngay-dam-minh-trong-quan-ao-bao-ho-di-bat-covid-19-a76018.html