Những ngày qua, bài viết của đạo diễn Bùi Quốc Bảo xung quanh quan điểm "khán giả không nuôi nghệ sĩ" và "nghệ sĩ không cần tri ân khán giả" gây nên nhiều tranh luận trái chiều.
Đạo diễn này viết: "Nghệ sĩ sống bằng nghề nghiệp phải mang ơn khán giả, phải nghĩ là được khán giả nuôi, phải tri ân khán giả, phải quan niệm là chén cơm của mình là khán giả ban cho? Ủa, sao ngộ vậy?...".
Theo anh, nghệ sĩ tự nuôi bản thân chứ không phải được khán giả "nuôi”. Bởi để có hào quang, tiền bạc họ cũng đều đánh đổi tương xứng từ công sức của mình.
Quan điểm này đã khơi mào tranh cãi từ nghệ sĩ lẫn dư luận với những ý kiến trái chiều qua góc nhìn mỗi người.
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, nghệ sĩ Quang Tèo quan điểm: “Có thể khán giả không đưa tiền trực tiếp cho nghệ sĩ, nhưng họ ủng hộ bằng sản phẩm, bằng cách xem show ca nhạc, mua băng đĩa và nhờ sự ủng hộ đó thì bầu show, người tổ chức sự kiện mới biết đến nghệ sĩ nhiều hơn.
Tôi là trai Hà Nội gốc, nhưng lại hợp với những vai nông dân, những vai nghèo khổ nên khán giả đại chúng biết đến Quang Tèo nhiều. Chính điều này mà tôi luôn yêu khán giả mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi.
Khi diễn ở vùng sâu, vùng xa, khán giả xì xào chỉ trỏ "kìa, Quang Tèo đấy" thì vui lắm chứ. Bên cạnh đó, nghệ sĩ cũng nuôi dưỡng tinh thần, làm cho đời sống tinh thần của khán giả phong phú và đẹp hơn rất nhiều.
Tôi cho rằng, không nên rạch ròi chuyện nuôi hay không nuôi, nó khác gì chuyện con gà có trước hay quả trứng có trước? Bởi bao đời nay, sự việc này vẫn diễn ra như thế, nó như một trật tự xã hội: Anh có sản phẩm mới, vai diễn mới thì anh phục vụ khán giả, anh kiếm được tiền từ việc đi diễn, đi show. Và khán giả cũng có nơi để nâng cao tinh thần của mình, thế là cả hai bên đều vui còn gì?
Từ "nuôi" theo tôi hiểu là sự ủng hộ, yêu thương của khán giả dành cho nghệ sĩ. Họ cũng nên tẩy chay những sản phẩm không tốt, những vi phạm bản quyền tác giả để luôn có những nghệ sĩ văn minh phục vụ công chúng".
Đừng cãi nhau ồn ào về việc ai "nuôi" ai, hãy dùng từ nhẹ nhàng hơn là "yêu thương" đi.
Khán giả có yêu thương nghệ sĩ thì chúng tôi mới có tên tuổi và tồn tại được với nghệ thuật. Nhất là mảng sân khấu kịch. Nếu khán giả không bỏ tiền ra xem, thì chúng tôi diễn cho ai.
Có một sự thật là trong dịch Covid-19 vừa qua, rất nhiều sân khấu đã đóng cửa vì tình hình kinh tế, do không có khán giả đến xem. Công chúng rất quan trọng. Nếu họ quay lưng với chúng ta, thì nghệ sĩ làm nghệ thuật cho ai?
Ngược lại, nhiều khán giả khi được xem những vở kịch hay, những bộ phim mãn nhãn, họ cũng rất yêu nghệ sĩ. Tôi cho rằng, đây là mối quan hệ thân thiết, hỗ trợ nhau chứ không nên cãi nhau ỏm tỏi, ồn ào như những ngày qua.
Mấy ngày qua, Tú có đọc nhiều thông tin về tranh cãi này. Theo Tú, thì vấn đề này chẳng có gì để bàn cãi cả, đó là mối quan hệ cộng sinh.
Hãy hiểu từ “nuôi” ở đây theo nghĩa rộng ra một chút thì sẽ thấy: Nghệ sĩ cần khán giả và ngược lại khán giả cũng sẽ cần nghệ sĩ giống như người bán và khách hàng.
Một bên cung cấp sản phẩm, một bên nhận sản phẩm và trả tiền để sau đó phục vụ cho nhu cầu riêng. Khán giả mua vé đi xem biểu diễn, khán giả bỏ tiền ra mua CD, DVD, hay các sản phẩm của nghệ sĩ nhưng đổi lại nghệ sĩ cũng phải học tập, rèn luyện, sáng tạo để đưa đến khán giả những tác phẩm nghệ thuật chất lượng, hay nói cách khác là giúp nuôi dưỡng và tạo cảm xúc cho khán giả.
Chính những giá trị tinh thần mà người nghệ sĩ mang lại giúp cho khán giả lấy lại được cân bằng trong cuộc sống, giải toả stress sau những lo toan bộn bề của cuộc sống và công việc.
Người nghệ sĩ may mắn được khán giả yêu thương, ủng hộ bằng tình cảm hay bằng vật chất (mua vé xem biểu diễn, mua sản phẩm nghệ thuật) thì lại dùng chính những đồng tiền đó để trang trải cuộc sống và đầu tư cho những sản phẩm tiếp theo.
Như vậy rõ ràng ở đây là mối quan hệ win-win, khán giả và nghệ sĩ không ai cho không ai điều gì cả. Chúng ta cần nhau trong cuộc sống, hỗ trợ nhau để cùng làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Khán giả có nuôi nghệ sĩ hay không? Có! Đi diễn kiếm tiền, ra sản phẩm, sử dụng thương hiệu cá nhân, sự nổi tiếng để bán hàng, quảng bá cho các thương hiệu... là những cách gián tiếp hoặc trực tiếp mà người nghệ sĩ được khán giả nuôi!
Nghệ sĩ có "nuôi" khán giả hay không? Có! Bằng tài năng, sự sáng tạo và xúc cảm nghệ thuật, người nghệ sĩ "nuôi" dưỡng tâm hồn, khơi dậy tình cảm yêu thương, vuốt ve những giây phút yếu đuối mà con người ai cũng phải trải qua.
Đôi khi không chia sẻ được với ai thì vẫn có thể tìm tới nghệ thuật, xem một bộ phim hay, nghe những ca khúc làm tim ta loạn nhịp, cười ra nước mắt bởi những điều hài hước...
Giá trị nghệ thuật đôi khi không đánh đổi được bằng tiền. Khi đã là cảm xúc thì nó luôn vô giá.
Khi đã yêu nhau, cả đôi bên đều nên xem lại, đừng đặt mình ở vị trí quá cao so với đối phương.
Khán giả phải có trách nhiệm đối với những lời nói và hành động của mình! Khi bạn bỏ những đồng tiền do chính bạn kiếm được để mua một sản phẩm từ người nghệ sĩ, bạn có quyền đòi hỏi ở chất lượng của sản phẩm do nghệ sĩ cung cấp.
Nghệ sĩ thực thụ (chứ không phải phường bất tài vô dụng, ăn bám showbiz để kiếm chác) đều là những trái tim mong manh, dễ vỡ, nhạy cảm hơn người thường! Đừng dùng bàn phím làn tổn thương họ!
Khi nhắc đến chữ "nuôi", quá nhiều người nghĩ ngay đến chữ tiền! Hãy nghĩ đến giá trị tốt đẹp từ tinh thần mà nghệ thuật mang lại.
Không nghệ sĩ nào dám vỗ ngực là không cần khán giả. Chúng tôi sinh ra để phục vụ công chúng, tôi đố nghệ sĩ nào dám nói là sẽ làm nghệ một mình, không cần ai ủng hộ đấy?
Vì vậy sự tranh cãi như này chỉ là việc dùng câu chữ chưa thuận mắt, thuận tai thôi. Bởi càng nổi tiếng, càng phải trân trọng khán giả của mình hơn.
Tôi làm MC và cũng đi hát, đã tiếp xúc với một số nghệ sĩ gạo cội ở miền Bắc như danh hài Xuân Hinh, NSND Lan Hương, NSND Thu Hà, NSND Trung Anh... thì họ không bao giờ kênh kiệu và coi thường khán giả.
Với họ, khán giả là người "đẩy thuyền" họ đến với sự nổi tiếng, và khi làm nghệ thuật, họ cố gắng hết mình, làm việc nghiêm túc để có những sản phẩm tốt.
Nếu ai nói không cần khán giả, chắc họ sắp giải nghệ. Đây là một sự xúc phạm đối với công chúng thực thụ.
Khán giả ngày nay họ thông minh lắm, họ yêu nghệ thuật, sẵn sàng bỏ 100 triệu ra mua cặp vé liveshow của ca sĩ yêu thích, nhưng họ đòi hỏi chất lượng đêm diễn phải cao, phải chuyên nghiệp.
Bởi thế, sau cánh gà, nhiều nghệ sĩ rất thân thiết với fan (khán giả ruột- PV) của mình.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/khan-gia-nuoi-nghe-si-om-toi-de-duoc-gi-a76027.html