Từ ngày khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, chị Nhung đã quen với những bữa cơm xa nhà, những buổi trực thâu đêm hay những chuyến công tác dài ngày. Nhưng trong tối nay, chị thoáng chạnh lòng khi nghĩ tới việc không thể ở gần các con trong ngày tết thiếu nhi (1/6).
Từ ngày dịch Covid-19 bùng phát, 2 đứa con đang học tiểu học được gia đình đưa về ngoại ô thành phố, ở cùng ông bà ngoại.
Dù không trực tiếp tham gia khám, chữa cho bệnh nhân Covid-19 ở tuyến đầu, chị Nhung cùng những nhân viên y tế dự phòng khác mang trong mình trọng trách khi phải đến từng điểm nóng của dịch bệnh làm công tác truy vết, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm. Với họ, thời điểm này, những cảm xúc cá nhân không quan trọng bằng sự an toàn của cộng đồng.
16h ngày 31/5, Thanh Liêm (31 tuổi, điều dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM) kết thúc ca trực kéo dài 24 tiếng. Anh nhận lệnh điều động khẩn cấp tới hỗ trợ địa bàn quận Bình Thạnh lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 tại phường 15.
"Lãnh đạo cơ quan nói nếu tôi mệt có thể nghỉ ngơi để người khác đi thay. Dù có một chút đuối sức, nhưng có điều gì đó giống như thôi thúc, khiến tôi không thể ở nhà", anh Liêm chia sẻ.
Cuối giờ chiều hôm đó, hàng rào, dây phong tỏa bắt đầu dựng lên tại 4 địa điểm của khu dân cư nằm gần cầu Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh). Với đặc điểm nhiều ngõ, hẻm, diện tích chật hẹp, khu vực được đánh giá có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao nếu xuất hiện chỉ một ca dương tính.
Thông báo về đợt xét nghiệm tầm soát Covid-19 trong cộng đồng được phát tới từng hộ. Người dân hô hào cùng nhau kéo đến 2 địa điểm lấy mẫu bệnh phẩm, bầu không khí tại nơi vốn ít người qua lại trở nên huyên náo.
Từ 19-20h, cứ mỗi người đứng lên lại có một người ngồi xuống lấy mẫu, người sau làm xét nghiệm cách người trước chỉ vài giây."
"Sắp xong rồi, một chút nữa thôi, mọi người cố lên", nam điều dưỡng làm nhiệm vụ thống kê liên tục động viên mọi người và thông báo số mẫu thử đã hoàn tất.
Là người lớn tuổi nhất trong tổ công tác, bác sĩ Phạm Thành Trung (50 tuổi, Bệnh viện Nhi Đồng 2) mới lần đầu thực hiện công tác lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân. Sau 5 tiếng làm việc không ngừng, anh mới có thời gian nghỉ ngơi khi số lượng người đến lấy mẫu đã vãn.
"Tôi làm liên tục không kịp để ý đến thời gian nữa, dù đã thấm mệt nhưng vẫn còn sức. Chỉ khi nào lấy mẫu hết toàn bộ người dân theo dự kiến, tôi và mọi người mới an tâm nghỉ ngơi", vị bác sĩ nói.
Tháo chiếc găng cao su đã đeo từ chiều, vị bác sĩ thoáng giật mình bởi đôi bàn tay có phần khác lạ. Độ ẩm của mồ hôi, dung dịch sát khuẩn cùng việc đeo găng thời gian dài khiến bàn tay anh nhăn lại, những mảng da đã đổi màu trắng toát.
Cách đó vài bước chân, nhiều y, bác sĩ nữ dần kiệt sức, ngồi sụp xuống nền đất, cố gắng kéo rộng bộ đồ bảo hộ ra một chút để xua tan nóng bức. Nhiều người trong số họ, ánh mắt đã chuyển màu đỏ. "Không phải em khóc đâu, do mặc đồ bảo hộ nóng, đeo kính chống giọt bắn lâu nên mắt chuyển màu, ai cũng vậy. Trong lúc làm không thấy mệt nhưng ngừng tay là thấy bộ đồ này nóng quá", Châu (22 tuổi, nữ y tá khoa Ngoại Tổng hợp, BV Nhi Đồng 2) cười.
Với khối lượng công việc lớn, thời tiết oi bức, phải mặc đồ bảo hộ liên tục, việc sốc nhiệt không hiếm xảy ra với nhân viên y tế chống dịch. Tranh thủ ngồi ở một góc xa để lấy lại năng lượng, 3 nữ nhân viên y tế trẻ tuổi nhất thở dài khi cùng xem đoạn clip về người đồng nghiệp bị choáng khi làm nhiệm vụ truy vết tại điểm phong tỏa Mả Lạng (quận 1) lúc ban chiều.
Phía sau những chiếc khẩu trang và lớp áo bảo hộ, mồ hôi tiếp tục chảy. Trên chiếc bàn nhỏ cạnh lối ra vào, những suất cơm tối cho lực lượng y tế đã nguội lạnh…
Gần 22h đêm, khi số lượng người dân tới lấy mẫu xét nghiệm đã vãn, bác sĩ Nhung kéo chiếc mũ bảo hộ xuống, dùng khăn giấy thấm hết mồ hôi trên mặt. Khi vẻ mệt mỏi đã được giấu kín, chị mới an tâm bấm điện thoại gọi 2 đứa con đang ở cùng ông bà ngoại.
"Các con nhớ ngoan nhé, ở với ông bà, mấy hôm nữa ba mẹ sẽ về đón. Mẹ cùng các cô, chú mới chuẩn bị ăn tối nè", chị Nhung hướng camera tới hộp cơm vừa đặt trên bàn.
Với đặc thù của ngành y, chị Nhung cùng các đồng nghiệp đã quen với cảnh xa gia đình và những bữa cơm vội vã. Nhưng trong tối nay, chị thoáng chạnh lòng khi nghĩ tới việc không thể ở gần các con trong ngày Tết thiếu nhi 1/6.
Nữ bác sĩ chia sẻ, chị may mắn khi chồng cùng các con luôn thấu hiểu và ủng hộ cho công việc của mình. Chị cho rằng việc được gia đình luôn đứng sau ủng hộ có lẽ là "đặc quyền" của mỗi nhân viên ngành y.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể bùng phát bất kể địa điểm, thời gian, mì gói dường như là loại nhu, yếu phẩm phù hợp, thuận tiện nhất đối với đội ngũ chống dịch. Theo lời các y, bác sĩ, thời điểm này, nhanh chóng, tiện lợi và đủ năng lượng quan trọng hơn là khẩu vị.
Là hoạt náo viên, người khích lệ tinh thần cho toàn kíp trực, điều dưỡng Thanh Liên cho biết, anh chưa lập gia đình nên luôn sẵn sàng lên đường bất kể thời gian. Đây là lần thứ 3 chàng trai tham gia lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân TPHCM.
"Lần đầu tôi đi, bố mẹ có lo lắng nhưng vẫn ủng hộ công việc mình làm. Những lần sau đó, khi nhận nhiệm vụ, tôi đều báo cho gia đình và khi về nhà, trong ba lô đã có những đồ đạc cần thiết được đóng gói sẵn", Thanh Liên nhớ lại.
Nằm cách điểm lấy mẫu của nhóm bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 hơn 10km, chị Như Hà - Trạm trưởng trạm y tế phường 1, quận Gò Vấp đang phải cố giải đáp các thắc mắc của người dân về quy trình xét nghiệm. Nơi chị Hà làm việc suốt nhiều ngày qua - là trận địa chống Covid-19 nóng bỏng nhất Sài Gòn. Quận Gò Vấp.
"Tại sao lại phải xét nghiệm 5 mẫu gộp, hết ống rồi đúng không?", một người đàn ông lớn tiếng tại khu vực xét nghiệm tầm soát cộng đồng ở Nhà thờ Giáo xứ Bắc Dũng (phường 15, quận Gò Vấp) cuối giờ chiều, đòi gặp bằng được nhân viên y tế.
Chị Như Hà từ tốn giải thích, khi nghe xong, người này rời khỏi khu vực xét nghiệm, miệng vẫn lẩm bẩm "hết ống, hết kinh phí thì cứ nói cho nhanh".
Từ ngày tham gia chống dịch, chị Hà đã quen với những việc như vậy. Với chị, việc phải giải thích với những người thắc mắc, đôi khi phàn nàn khi xét nghiệm là điều bình thường, vẫn dễ thở hơn so với những trường hợp không thể liên lạc được.
Có 17 năm làm việc tại trạm y tế cấp phường và vừa được điều động làm Trưởng trạm phường 1, quận Gò Vấp đầu năm nay, chị Hà bảo đây là khoảng thời gian vất vả nhất từ khi làm nghề. Việc xét nghiệm tầm soát cộng đồng chưa diễn ra ở phường đang công tác nhưng chị tự nguyện tham gia hỗ trợ công tác lấy mẫu diện rộng ở quận.
"Đã là nhân viên y tế, ở đâu cũng sẵn sàng tham gia, không ai nề hà phường này phường kia", chị Hà nói.
Trạm y tế phường, xã là tuyến cơ sở thấp nhất trong hệ thống y tế, triển khai các hoạt động y tế cộng đồng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân trên địa bàn. Khi dịch Covid-19 bùng phát, chị Hà và những nhân viên trong trạm của mình nhận nhiệm vụ trực tiếp truy vết các F1, F2 trên địa bàn với hàng chục nghìn nhân khẩu.
Ngay khi có trường hợp chuyển thành F0, danh sách những người tiếp xúc, các địa điểm bệnh nhân từng đến phải sẵn sàng để chuẩn bị cho phương án khoanh vùng, cách ly y tế.
Qua nhiều lần bùng phát dịch, danh bạ điện thoại của chị Hà đã có thêm cả nghìn số điện thoại. Những lúc dịch bệnh căng thẳng, nữ trạm trưởng gọi điện bình quân 40-50 cuộc mỗi ngày để truy vết, điều tra dịch tễ của những người liên quan.
Để cẩn thận, chị Hà lưu lại tất cả số điện thoại để nếu không gọi được thì tiếp tục nhắn tin.
"Nhiều người gọi điện cả chục lần không chịu nghe máy, xuống tận nhà không chịu gặp, mình phải nhờ công an hỗ trợ truy vết. Có bạn ở nhà trọ một mình nghe cách ly rất sợ bị mọi người xung quanh kỳ thị, mình phải giải thích, trấn an. Ai phải cách ly tại nhà nhưng kinh tế khó khăn quá, mình trực tiếp đứng ra kêu gọi hỗ trợ phần nào để họ yên tâm", chị Hà kể về công việc của mình.
Điện thoại của chị Hà luôn để chuông 24/24h, nhiều hôm máy reo lúc 2-3h sáng. Những ngày này, nữ trạm trưởng còn tiếp nhận nhiều cuộc gọi nhờ tư vấn của người dân khi họ có bị sốt, ho. "Người ta gọi cho mình là mừng, vì họ có ý thức", chị nói.
Trạm y tế của chị Hà còn 6 nhân viên khác. Anh Quốc Hưng vừa trực ở trạm tiếp nhận người dân khai báo y tế, phân loại nguy cơ từng trường hợp để hướng dẫn xét nghiệm, cách ly, truy vết, vừa lấy mẫu tại các điểm xét nghiệm trên địa bàn quận Gò Vấp, phun khử khuẩn, tham gia đưa người đi cách ly tập trung…
Nhiều ngày gần đây, anh Hưng kể chỉ ngủ 2-3 tiếng mỗi đêm. Có hôm lấy mẫu tới cả chục điểm lúc 3h sáng mới xong, anh Hưng chợp mắt đến 5h-6h đã thức dậy, tiếp tục ngày làm việc mới theo sự điều động.
"Nhiều người hay nói làm trạm y tế thì ngồi chơi chứ có gì mà làm. Đôi khi gặp một số người nói này nói nọ khó nghe lắm, nhưng việc mình thì mình cứ làm, vì trách nhiệm và sức khỏe cộng đồng, sao đi cãi lại được", anh Hưng chia sẻ.
Nam y sĩ tâm sự từng nhiều năm làm việc ở bệnh viện lớn tại TPHCM như Nhi Đồng 2, Gia Định và khẳng định công việc của nhân viên y tế cấp cơ sở vất vả không kém tuyến nào, đặc biệt trong mùa dịch. Anh bảo "cực lắm nhưng nhiều người đâu hiểu được".
Đối diện nguy cơ lây nhiễm khi hàng ngày trực tiếp tiếp xúc người khai báo y tế, tham gia đưa người đi cách ly, lấy mẫu nhưng anh Hưng bảo không lo lắng vì đó là công việc, cũng là đam mê với nghề. Anh chỉ sợ đổ bệnh vì sức người có hạn.
"Mấy hôm nay thức khuya nhiều quá nên khan tiếng rồi. Mình chỉ sợ nhỡ đổ bệnh thì không có ai làm thay, lại thêm thiếu người", nam nhân viên y tế nói.
Công tác tại tuyến cơ sở gần 20 năm, chị Hà bảo cũng bảo đã quen với việc nghe người dân đánh giá thấp vai trò của trạm y tế. Nhiều người đi ngang trạm ban ngày đôi khi hỏi chị Hà có đang làm việc không. Hay một lần đi tập huấn, nghe ý kiến có nên bỏ trạm y tế phường, xã hay không, chị Hà bật dậy phản đối gay gắt.
Ăn vội tô bún lúc 21h đêm sau một ngày hỗ trợ lấy mẫu, chị Hà lấy sức để tiếp tục sẵn sàng chống dịch những ngày tới.
"Đôi khi hơi chạnh lòng vì nhiều người không hiểu nhân viên y tế tuyến phường, xã vất vả nhưng làm việc ý nghĩa dưới màu áo blouse là vui rồi", chị Hà bảo.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/doi-tay-trang-anh-mat-do-tren-mat-tran-chong-covid-19-nong-bong-sai-gon-a76274.html