Cuộc tầm soát, dập dịch chưa từng có ở Gò Vấp

Nhiều chiến sĩ lực lượng phòng hóa Quân khu 7 mệt rã rời sau nhiều giờ phun hóa chất khử khuẩn, ô kính bảo hộ trước mắt đọng đầy hơi nước khiến họ không còn nhìn rõ.

 

TP.HCM đang ở đợt dịch thứ 4 và cũng là làn sóng lây nhiễm lớn nhất mà người dân thành phố từng chứng kiến. Số ca nhiễm tính đến thời điểm này đã gấp 5 lần tổng số bệnh nhân của ba đợt dịch trước. Trong 21 quận, huyện và TP Thủ Đức, quận Gò Vấp là nơi chịu “đòn giáng” mạnh nhất của đợt dịch này với 90 ca nhiễm (tính đến hết 6/6). 14/16 phường của quận đã có ca nhiễm. Ai cũng có nguy cơ trở thành F0.

Cuộc dập dịch, tầm soát chưa có tiền lệ

Chiều 1/6, chiến sĩ Phong cùng các đồng đội thực hiện đợt phun hóa chất quy mô lớn, chưa từng có tiền lệ tại quận Gò Vấp. Hơn 2 tấn chất Cloramin B đã được sử dụng.

Chiến sĩ Nguyễn Huy Phong.

Địa bàn phun xịt của anh Phong rất đặc biệt. Đó là điểm bùng phát của chuỗi lây nhiễm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng ở Gò Vấp - hẻm 415 Nguyễn Văn Công, phường 3 (Gò Vấp). Từ 40 F0 của nhóm truyền giáo này, chỉ trong 10 ngày, ngành y tế đã truy vết được hơn 300 trường hợp dương tính là F1, F2, thậm chí có cả F3. Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh đánh giá chùm ca bệnh này có thể đã qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm.

Phun xịt khử khuẩn khu vực hẻm 415 - nơi sinh hoạt của điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.

Hẻm nhỏ, xe chuyên dụng không thể vào, anh Phong cùng các lực lượng phối hợp kéo máy phun vào sâu bên trong. Hẻm 415 này còn có 4 lối thông ra các con hẻm khác ở gần đó. Tất cả đều được phun xịt kỹ càng.

Phun khử khuẩn trên diện rộng ở Gò Vấp là công tác bước đầu trong cuộc chiến dập dịch, được sự hỗ trợ của lực lượng quân đội chính quy từ Quân khu 7.

Quân đội cũng tiến hành phun xịt khử khuẩn một số con hẻm gần hẻm 415 và nhiều địa bàn của Gò Vấp.

Song song, công tác lấy mẫu xét nghiệm, truy vết các trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2 và thực hiện cách ly xã hội tại quận được triển khai quyết liệt trong một tuần qua.

- Cho chúng tôi vào thực hiện nhiệm vụ - chị Nguyễn Thị Thu, nhân viên Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, đề nghị sau khi bị một bảo vệ dân phố ngăn lại trước cổng nhà ông T.H., ngụ trên đường Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp.

Nhân viên y tế Nguyễn Thị Thu.

- Cho tôi xem giấy tờ - ông Nguyễn Đức Lợi, bảo vệ dân phố phường 3, nói.

Liền sau đó, hai người họ trao đổi trong chốc lát. Ông Lợi nhanh chóng nhận ra chị Thu và cộng sự là nhóm công tác đặc biệt, được Trung tâm Y tế quận Gò Vấp cử đến lấy mẫu bệnh phẩm của các trường hợp tiếp xúc gần các ca nghi nhiễm SARS-CoV-2.

“Chị thông cảm. Việc của tôi là phải kiểm soát chặt, đảm bảo an ninh tuyệt đối cho căn nhà này. Giờ chị cứ vào làm việc”, ông Lợi phân trần. Nói xong, ông mở chốt cửa nhà ông T.H. để nhóm chị Thu vào trong.

Đây là một ngôi nhà to, có mặt tiền lớn đường Nguyễn Văn Công. Nhà này kinh doanh phòng trọ.

Chị Nguyễn Thị Thu và cộng sự đến nhà người dân trên đường Nguyễn Văn Công lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

“Mời cả nhà ra chúng cháu lấy mẫu xét nghiệm”, nhân viên y tế Thu, nói lớn. Từ phía trong, nhiều người dần di chuyển ra phía trước sân nhà ông T.H.. Theo quan sát, có khoảng 20 người đang cư trú tại đây được lấy mẫu.

"Đến tận nhà người dân để lấy mẫu sẽ mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, việc này giúp các hộ gia đình trong diện có nguy cơ mắc Covid-19 cao được giãn cách, hạn chế khả năng lây nhiễm trong cộng đồng", nhân viên y tế Nguyễn Thị Thu cho biết.

Để đảm bảo an toàn chống dịch, những căn nhà bị phong tỏa như nhà ông T.H. được lực lượng công an, bảo vệ dân phố trực canh 24/24h, thiết lập tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Người dân trong những căn nhà bị phong tỏa trên đường Nguyễn Văn Công.

Đây là một trong số hàng chục căn nhà ở phường 3, quận Gò Vấp được lực lượng chức năng phong tỏa và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm nCoV lần thứ 2.

Trong cuộc truy vết chống Covid-19, từ ngày 30/5 đến nay, Gò Vấp đã tiến hành nhiều cuộc lấy mẫu trong cộng đồng với quy mô lớn. Toàn phường 3, 15 và nhiều phường khác của quận triển khai lấy mẫu 100% trong dân cư, số mẫu bệnh phẩm được lấy lên đến hàng chục nghìn.

Gò Vấp tăng cường xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng nhiều ngày qua.

Khu dân cư đông đúc ven các trục đường chính của quận, hay trong những con hẻm túc tắc lối đi, không hiếm cảnh người dân xếp hàng dài chờ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, cả ngày lẫn đêm.

Người dân xếp hàng dài chờ lấy mẫu trong đêm trên đường Phan Huy Ích (Gò Vấp).

Từ khi Gò Vấp bùng dịch, Trung tâm Y tế quận Gò Vấp và hàng trăm cán bộ, nhân viên y tế từ các bệnh viện đổ về hỗ trợ quận lấy mẫu, truy vết, chăm sóc, cấp cứu các trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2. Công việc nhiều đến mức những “chiến sĩ áo xanh” phải làm việc xuyên đêm. Tuy nhiên, số mẫu được lấy đến nay chỉ khoảng 20% so với toàn bộ dân số quận Gò Vấp.

Nhân viên Trung tâm Y tế Gò Vấp chăm sóc một bệnh nhân có triệu chứng khó thở trong đêm.

Cuộc sống đứng yên của những người "quen di chuyển"

- Tôi phải ra cửa hàng thuốc mua ít thuốc! - bà Nguyễn Thị Hạnh, người dân cư ngụ tại một con hẻm đường Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp, trần tình.

- Giờ ra đường phải báo như vậy à? Bà cứ đi về nhanh - ông Tâm, bảo vệ dân phố phường 3, Gò Vấp, đáp lời.

Bà Nguyễn Thị Hạnh.

Bà Hạnh nhanh nhẹn dẫn chiếc xe đạp lao nhanh ra phía đầu con hẻm. Hôm ấy là sáng đầu tuần nhưng cả con phố yên ắng, vắng lặng lạ thường, chỉ có bóng xe của bà Hạnh. Lẽ ra giờ này, con đường đã tấp nập người xe, khẩn trương đi làm.

Đó là buổi sáng đầu tiên Gò Vấp thực hiện lệnh cách ly xã hội.

Người dân được yêu cầu hạn chế ra đường khi không thật cần thiết.

Từ hôm đó, người dân được yêu cầu hạn chế ra đường, tuân thủ việc đeo khẩu trang. Những hội, nhóm người sinh hoạt tại các khu vực công cộng được yêu cầu giải tán. Công viên Gia Định hay hàng loạt các công viên khác ở Gò Vấp được lực lượng chức năng phong tỏa. Hàng quán được lệnh đóng cửa.

Công viên Gia Định (Gò Vấp) bị phong tỏa, người dân không thể vào đây.

Hàng quán được lệnh đóng cửa trong thời điểm cách ly xã hội. Dọc các tuyến đường chính trong quận như Nguyễn Kiệm, Phạm Văn Đồng, Phan Văn Trị, Lê Quang Định… không khí sinh hoạt của người dân khá trầm lắng, nhiều nơi vắng vẻ khác lạ. Chỉ đến giờ tan tầm, hoặc khung giờ cao điểm người dân đi làm buổi sáng sớm thì đường phố Gò Vấp mới nhộn nhịp.

Khu vực ngã 5 Gò Vấp vắng vẻ khác lạ trong ngày 1/6 - ngày đầu tiên quận thực hiện lệnh cách ly xã hội theo Chỉ thị 16.

Trái ngược với khung cảnh vắng lặng bên trong quận Gò Vấp, hàng nghìn người đứng lố nhố ở các con đường cửa ngõ, chờ đợi được đi qua các chốt kiểm dịch.

“Cư dân Gò Vấp thuộc nhóm người ‘quen di chuyển’. Việc bố trí cách ly, phong tỏa họ sẽ đặt ra nhiều thách thức”, một đại diện CSGT Công an quận Gò Vấp nhận định trong ngày đầu tiên quận này cách ly xã hội.

0h ngày 31/5, toàn quận đã thiết lập 10 chốt phong tỏa Gò Vấp với các địa bàn lân cận, giáp ranh. Sáng ngày phong tỏa đầu tiên, một nửa số chốt xảy ra tình trạng ùn tắc nhiều giờ. Để giải quyết dòng người, lực lượng chức năng nhiều lần xả chốt trong sự băn khoăn của nhiều người dân về một tinh thần cách ly xã hội chưa nghiêm như mong đợi.

Ùn tắc giao thông hàng km khu vực chốt Nguyễn Kiệm (Gò Vấp).

Những ngày sau đó, tình trạng ùn tắc tại các điểm chốt như: Nguyễn Kiệm, chốt giao Phạm Văn Đồng - Phan Văn Trị, Lê Quang Định, Phạm Văn Đồng… xảy ra thường xuyên.

Nỗ lực giải bài toán ùn tắc, lực lượng chức năng tiến hành lập thêm các chốt phụ, phân luồng giao thông, thực hiện nhanh việc kiểm soát y tế từ bản khai online, miễn kiểm tra giấy tờ tùy thân… Tuy nhiên, nhu cầu đi lại quá lớn của người dân đã vượt tầm kiểm soát của những người làm nhiệm vụ tại chốt. Cách khả thi nhất lúc này là tiếp tục xả chốt để giải phóng dòng người.

Hơn một nửa chốt chặn (khoanh tròn) thực hiện xả tạm thời trong giờ cao điểm sáng 1/6.

Quận Gò Vấp có khoảng 37.000 công ty, 30.000 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động, hơn 5.000 con hẻm, với gần 700.000 dân. Đây cũng là quận có số dân đông thứ 3 so với các quận, huyện khác của thành phố, chỉ sau Bình Tân và Bình Chánh (theo thống kê năm 2019). Nhu cầu lao động khiến người Gò Vấp phải di chuyển sang rất nhiều quận, huyện khác để làm việc.

Tình trạng quá tải, ùn tắc diễn ra tại nhiều chốt chặn ở Gò Vấp.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho biết việc áp dụng Chỉ thị 16 lần này ở Gò Vấp rất khác so với việc quận thực hiện chỉ thị này lần đầu tiên vào năm 2020 để chống dịch. Khi đó cách ly xã hội toàn TP.HCM chứ không phải một, hai quận.

“Lực lượng quận chỉ có hơn 4.000 người nhưng đang gồng gánh gần 700.000 dân số quận Gò Vấp, cộng thêm khoảng 300.000 dân vãng lai. Đây là bài toán rất khó”, vị chủ tịch nhấn mạnh.

Lưc lượng chức năng tại các chốt dỡ rào chắn để giải quyết tình trạng ùn tắc kéo dài.

Để giải “bài toán rất khó” này, lực lượng chức năng quận Gò Vấp đã liên tục thử nhiều phương án. Các chốt kiểm soát dịch được thay đổi cách vận hành - mở chốt vào giờ cao điểm, sau đó đóng chốt để kiểm soát người ra vào. 26 chốt nhỏ được lập tại các con hẻm giáp ranh quận Bình Thạnh, Phú Nhuận và Tân Bình. Một ứng dụng khai báo y tế được xây dựng riêng để kiểm soát người ra, vào Gò Vấp.

Lực lượng chức năng Gò Vấp chưa có phương án tối ưu về giao thông, để giải quyết tình trạng ùn tắc tại các chốt chặn mà không phải xả chốt.

Hơn 1 tuần cách ly xã hội, Chủ tịch quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng tuyên bố “đã đạt được mục tiêu giãn cách xã hội”, số ca nhiễm trong cộng đồng tại tâm dịch này cũng giảm dần.

Đó là những dấu hiệu khởi sắc để Gò Vấp bước sang một tuần cách ly xã hội mới. Thế nhưng, người dân và lực lượng chức năng ở tâm dịch này vẫn còn một chặng đường phải đi để đạt được mục tiêu không còn ca nhiễm trong cộng đồng.

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/cuoc-tam-soat-dap-dich-chua-tung-co-o-go-vap-a76312.html