Ngày 31/5 là một ngày đặc biệt của người dân TPHCM. Một lần nữa, thành phố đông dân nhất cả nước bước vào 2 tuần giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19. Cuối ngày hôm ấy, hàng loạt tờ báo, trang thông tin và mạng xã hội cùng đăng tải thông tin thành phố không có ca mắc mới trong cộng đồng trong ngày đầu tiên thực hiện giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 15 và một số khu vực theo Chỉ thị 16.
Tuy nhiên, con số "0" ấy không mang lại niềm vui trọn vẹn. Từ trưa cùng ngày, thông tin về điểm cách ly phong tỏa, chính quyền tìm kiếm người liên quan đến các ca nghi nhiễm, khiến người dân cùng các cấp chính quyền băn khoăn về diễn biến dịch bệnh trong những ngày sắp tới.
Kết thúc tuần đầu tiên của "khoảng thời gian vàng" chống dịch, lãnh đạo TPHCM có lý khi nói dịch Covid-19 trên địa bàn đã giảm dần và chững lại. Tuy nhiên, qua những dấu hiệu mới manh nha xuất hiện, nỗi lo lắng về một đợt bùng phát dịch khó kiểm soát cũng dần thành hình.
Cảnh báo trước với khu công nghiệp
Tại buổi họp khẩn với Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 chiều 2/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã lưu ý ngành y và các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm đến kiểm soát dịch tại khu công nghiệp, khu chế xuất và khu vực tập trung đông người lao động.
"Thành phố cần đặc biệt lưu ý đến nguy cơ lây nhiễm của chuỗi này tới các khu công nghiệp, khu chế xuất. Với số lượng công nhân, người lao động đông, nếu để xảy ra lây nhiễm tại khu vực này, ngành y rất dễ trở tay không kịp", Phó Thủ tướng cảnh báo.
Trong thực tế, dấu hiệu của dịch bệnh tại khu vực sản xuất đã được TPHCM đón nhận từ trước khi thực hiện giãn cách xã hội. Chiều 30/5, một ca nghi nhiễm SARS-CoV-2 được ghi nhận tại kho hàng thuộc xã Bà Điểm, thuộc Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Hóc Môn).
Ca lây nhiễm được ngành y phát hiện trong quá trình lấy mẫu tầm soát toàn bộ người dân cư trú tại phường 15, quận Gò Vấp, nơi có liên quan trực tiếp đến các ca lây nhiễm của điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng. Điều tích cực là vụ việc chỉ ảnh hưởng trên quy mô nhỏ, chỉ một kho hàng phải phong tỏa tạm thời và khoảng 27 người phải cách ly tập trung.
Ca mắc Covid-19 có liên quan đến khu công nghiệp, chế xuất tiếp theo được phát hiện ngày 7/6. Người này làm việc bên trong khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TPHCM).
Mẫu thử lần đầu tiên của bệnh nhân cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2 vào ngày 31/5. Tuy nhiên, trong lần lấy mẫu thứ 2, lực lượng y tế đã xác định người này mắc Covid-19.
145 người tiếp xúc gần bên trong khu chế xuất được xác định là F1. Tất cả đã cho kết quả xét nghiệm âm tính. Điều đáng lo ngại, lực lượng chức năng cùng ngành y chưa tìm ra nguồn lây nhiễm của trường hợp này.
Sau đó chỉ một ngày, Công ty PouYuen ghi nhận một ca mắc Covid-19 khác làm việc tại phân xưởng. Chồng của bệnh nhân đã được công bố nhiễm SARS-CoV-2 trước đó.
Hàng trăm người tiếp xúc gần và tiếp xúc khác với nữ công nhân trên được lấy mẫu xét nghiệm, áp dụng những biện pháp cách ly khác nhau. Công ty Pouyuen phải phong tỏa một tầng, nơi bệnh nhân này làm việc.
Trước nguy cơ bùng phát dịch tại khu công nghiệp, khu chế xuất dần hiện hữu, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã đề cập tới phương án vừa cách ly, vừa sản xuất trong tình huống có ca mắc Covid-19. Chính quyền thành phố cũng đề ra nhiệm vụ xét nghiệm toàn bộ công nhân, người lao động trên địa bàn với quyết tâm đi trước, đón đầu dịch bệnh.
Diễn biến trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 cho thấy, lời cảnh báo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc trở tay không kịp khi xuất hiện ca mắc Covid-19 tại khu vực sản xuất là thực tế.
Tình hình tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương cho thấy với biến chủng SARS-CoV-2 mới có tốc độ lây lan nhanh, chỉ cần một trường hợp mắc mới tại khu công nghiệp, dịch bệnh sẽ nhanh chóng trở nên khó kiểm soát.
Bệnh viện trong trạng thái báo động
Trong các cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM đã nhiều lần nhấn mạnh ngành y tế kiên quyết không để lây lan trong bệnh viện, cơ sở y tế. Theo người đứng đầu chính quyền thành phố, ngoài việc làm suy giảm nhân lực ngành y trong bối cảnh các lực lượng đang căng mình chống dịch, các bệnh viện còn là môi trường thuận lợi để phát sinh tình trạng lây lan chéo.
"TPHCM có nhiều bệnh viện tuyến cuối, không chỉ tiếp nhận bệnh nhân trên địa bàn mà nhiều tỉnh, thành lân cận. Ví dụ Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi ngày có tới 10.000 người ra vào", ông Nguyễn Thành Phong phân tích.
Trong khoảng thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội, nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập vào các cơ sở của ngành y đã bắt đầu xuất hiện. Đến nay, TPHCM có 2 bệnh viện ghi nhận có nhân viên y tế mắc Covid-19, gồm Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn và Bệnh viện quận Tân Phú.
2 nhân viên y tế mắc Covid-19 tại Bệnh viện quận Tân Phú được phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 vào ngày 1/6. Họ được phát hiện qua công tác lấy mẫu xét nghiệm tầm soát lực lượng y tế. Bệnh viện quận Tân Phú đã phong tỏa tạm thời từ thời điểm trên.
Liên quan tới bệnh viện này, ngày 6/6, ngành y tế tiếp tục phát hiện ca mắc Covid-19 là chiến sĩ công an từng trực chốt phòng vệ tại đây. Cùng ngày, một nhân viên y tế khác của bệnh viện cũng được xác định nhiễm SARS-CoV-2 do từng khám cho một trường hợp liên quan đến điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng.
Tại Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn, một nhân viên y tế cũng được phát hiện mắc Covid-19 sau khi làm xét nghiệm tầm soát vào ngày 2/6. Toàn bộ bệnh viện đã ngừng tiếp nhận bệnh nhân từ thời điểm trên.
Đối với ngành y, bệnh viện, cơ sở y tế là những điểm trọng yếu, cần được bảo vệ trước đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này. Đặc biệt đối với những bệnh viện tuyến đầu, chữa trị nhiều bệnh nhân nặng, nhiều bệnh nền và sức để kháng yếu, việc để xảy ra lây nhiễm sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm khác.
"Nếu dịch bệnh diễn ra ở những bệnh viện tuyến đầu, hậu quả để lại cho ngành y là rất lớn", Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá.
Những ca bệnh không rõ nguồn lây
Qua thống kê những trường hợp mắc Covid-19 tại TPHCM, trong tuần đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội, địa bàn ghi nhận hơn 40 trường hợp không rõ nguồn lây và là F1 của những ca chưa rõ nguồn lây nhiễm. Điều đáng lo ngại, những trường hợp này đang có dấu hiệu gia tăng trong một tuần gần đây.
Cụ thể, ngày 3/6, thành phố phát hiện 2 trường hợp mắc Covid-19 qua công tác khám sàng lọc tại Bệnh viện FV. Ngày 4/6, 3 trường hợp chưa xác định nguồn lây được ghi nhận.
Số trường hợp chưa xác định được nguồn lây tăng lên từng ngày. Chỉ trong 2 ngày 9-10/5, thành phố có 21 ca mắc Covid-19 chưa tìm ra nguồn lây nhiễm. Ngoài ra, TPHCM cũng ghi nhận hàng loạt ca dương tính là ca tiếp xúc F1 với những trường hợp trên.
Hầu hết ca bệnh trên đều được phát hiện qua quá trình lấy mẫu xét nghiệm tầm soát tại bệnh viện hoặc chủ động đi khám khi có triệu chứng bệnh lý. Tình trạng này khiến ngành y khó phát hiện, truy vết để đón đầu đại dịch và bệnh nhân chỉ được phát hiện sau khi đã ở thời gian dài trong cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ lây lan.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết đến nay, thành phố đã ghi nhận 14 bệnh viện và 6 phòng khám có ca dương tính chưa rõ nguồn gốc đến khám sàng lọc. Toàn bộ cơ sở trên đã tạm dừng nhận bệnh nhân để điều tra, xác minh, xử lý các yếu tố dịch tễ.
"Dù những ca bệnh chưa rõ nguồn gốc xuất hiện trong cộng đồng, nhưng do trong thời gian giãn cách xã hội, nguy cơ tiếp xúc không thấp, không phát tán rộng nên chỉ lây lan 1, 2 thành viên trong gia đình. Về nguồn gốc, có thể do dịch đã âm thầm trong cộng đồng từ trước, do tiếp xúc, đi lại của nhiều người dân trong dịp lễ", HCDC nhận định.
HCDC nhấn mạnh những ngày còn lại của thời gian giãn cách xã hội là cơ hội để khống chế dịch hoàn toàn. Sau 15 ngày, ngành y thành phố sẽ đánh giá tổng thể để có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Với thực tiễn dịch bệnh từ 27/4 đến nay, HCDC đánh giá có thể đợt dịch này đang bước vào giai đoạn đỉnh dịch. Sẽ mất một khoảng thời gian một vài tuần lễ để dịch suy giảm và kết thúc.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng đỉnh dịch sẽ đạt sau một vài tuần tới. Với thực tế dịch bệnh vẫn âm thầm trong cộng đồng, thành phố cần những giải pháp quyết liệt hơn thời gian tới.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/tphcm-dot-bung-phat-dich-thu-4-nhung-noi-lo-ngay-cang-ro-net-a76379.html