Một tháng giãn cách xã hội ở TP.HCM

Nhiều người dân TP.HCM đã kỳ vọng đánh đổi 15 ngày hoặc một tháng giãn cách để dập tắt Covid-19. Kết quả thực tế chưa được như mong đợi.

Trải qua một tháng áp dụng biện pháp giãn cách xã hội ở các cấp độ khác nhau, TP.HCM vẫn chưa thể kiểm soát hết ổ dịch Covid-19.

Số F0 trong cộng đồng vẫn được phát hiện thêm mỗi này và khiến việc áp dụng Chỉ thị 10 tiếp tục kéo dài sang tháng 7.

Đợt dịch dài nhất, ca mắc nhiều nhất

Sau khi phát hiện ổ dịch tại nhóm tôn giáo ở quận Gò Vấp vào ngày 26/5, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của TP.HCM đã quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15 từ 0h ngày 31/5. Riêng quận Gò Vấp được yêu cầu giãn cách theo chỉ thị 16.

13 triệu người dân thành phố bước vào cuộc chiến chống dịch với việc tạm dừng các dịch vụ không thiết yếu, dừng tụ tập đông người ở nơi công cộng. Các nhà hàng, quán cà phê và công viên phải đóng cửa.

Người dân quận Gò Vấp được lấy mẫu xét nghiệm trong những ngày đầu bùng dịch. Ảnh: Phạm Ngôn.

Lực lượng truy vết quay cuồng với điệp khúc "tìm người". Lịch sử di chuyển của các F0 lang thang trong cộng đồng cho thấy mọi địa điểm đều bị đe dọa. Từ chợ, siêu thị, xe bánh mỳ, hiệu thuốc, tiệm vé số, vựa ve chai... thậm chí cả điểm điểm bầu cử lẫn điểm tiêm vaccine đều từng có F0 ghé đến.

Không có một phòng xét nghiệm nào chịu đựng nổi Gò Vấp vào thời điểm đó. Chúng tôi phải chấp nhận và tự xoay xở

Bác sĩ Nguyễn Trung Hòa

Ban đầu, lực lượng y tế chủ yếu phong tỏa và xét nghiệm truy vết ở phạm vi hẹp như một con hẻm, một dãy phố. Càng về sau, phạm vi tầm soát càng lớn dần. Quận Gò Vấp có những đợt lấy mẫu xét nghiệm cho cả phường theo chiến thuật "đánh" phủ rộng, tầm soát cả bên ngoài phạm vi phong tỏa.

Ngày 30/5, cả quận Gò Vấp lấy mẫu cho 95.000 người. "Không có một phòng xét nghiệm nào chịu đựng nổi Gò Vấp vào thời điểm đó. Chúng tôi phải chấp nhận và tự xoay xở, mình khó thì ở trên cũng khó", bác sĩ Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm y tế Gò Vấp, nhớ lại.

Chỉ trong một tháng từ 27/5 đến 29/6, riêng TP.HCM ghi nhận hơn 3.500 ca mắc Covid-19. Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 tiếp cận TP.HCM muộn hơn nhiều tỉnh, nhưng sức tàn phá nặng nề.

Giai đoạn từ 27/4 đến 27/5, khi hành trình di chuyển của nhóm F0 người Trung Quốc tại Yên Bái bắt đầu châm ngòi cho làn sóng dịch bệnh lần thứ 4, cả nước đã ghi nhận hơn 3.000 ca mắc Covid-19. Trong đó TP.HCM mới chỉ có 8 ca.

Để thấy số ca mắc tại TP.HCM trong một tháng sau tăng nhanh thế nào, cần hình dung cả nước từ khi phát hiện ca F0 đầu tiên đã phải mất gần 1 năm rưỡi mới cán mốc 3.500 ca.

Những phút "chuệch choạc"

Một trong những tiêu chí cơ bản của việc giãn cách xã hội là không để tạo ra những đám đông. Nhưng theo ghi nhận của Zing, việc triển khai chống dịch của TP.HCM trong một tháng qua đã tạo ra nhiều đám đông "bất đắc dĩ".

Ùn tắc giao thông do quận Gò Vấp thiết lập các chốt kiểm soát ra vào quận. Ảnh: Phạm Ngôn.

Khi quận Gò Vấp bắt đầu giãn cách xã hội, các chốt chống dịch mọc lên giữa lòng đường đã tạo ra đám đông ùn tắc. Lực lượng chức năng quận Gò Vấp đã phải "xả chốt" rất nhiều lần vì lo ngại nguy cơ lây nhiễm khi tập trung đông người.

Ngày 5/6, khi tác nghiệp tại điểm xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Trung tâm Văn hóa Gò Vấp, phóng viên tiếp tục chứng kiến cảnh người dân ùn ùn kéo đến lấy mẫu xét nghiệm vào lúc 17h. Họ đứng sát nhau trên vỉa hè, không đảm bảo khoảng cách phòng dịch.

Đến ngày 24/6, hàng nghìn người kéo đến nhà thi đấu Phú Thọ để tiêm vaccine Covid-19. Tình huống đám đông không đảm bảo giãn cách lại một lần nữa xuất hiện.

Việc triển khai tiêm vaccine Covid-19 tại nhà thi đấu Phú Thọ tạo ra các đám đông với nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Ảnh: Quỳnh Danh.

Chia sẻ với báo chí, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh thừa nhận công tác triển khai tiêm vaccine những ngày đầu có "chuệch choạc".

TP.HCM ban đầu dự kiến mỗi điểm tiêm chỉ phục vụ 200 người/ngày để đảm bảo giãn cách. Tuy nhiên, điểm tiêm công suất 8.000 người/ngày đã được bố trí ở nhà thi đấu Phú Thọ.

Giải thích rõ hơn, ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở TT&TT, cho biết từ tháng 4 đến tháng 6 thành phố đã tiêm 71.000 liều vaccine, tiêm dần trong 2 tháng. Con số vaccine trong đợt thứ 4 này gấp 12 lần nhưng chỉ tiêm trong 5 ngày (thực tế triển khai hết 8 ngày - PV). Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nghẽn tải.

Không thể đánh nhanh, thắng nhanh

Ngày 11/6, ổ dịch nhóm tôn giáo tại phường 3, quận Gò Vấp, được gỡ phong tỏa. Đến ngày 15/6, 12 chốt kiểm soát ra vào Gò Vấp cũng được tháo dỡ. Quận chuyển từ giãn cách theo Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị 15.

Điểm nóng lớn nhất của TP đã cơ bản kiểm soát, nhưng đó chưa phải là tín hiệu của việc khống chế dịch. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM quyết định gia hạn giãn cách theo Chỉ thị 15 toàn thành phố thêm 2 tuần.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM bị phong tỏa vì phát hiện nhiều nhân viên mắc Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.

Cùng thời điểm trên, ngành y tế thành phố nhận tin dữ khi phát hiện các ca F0 là nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Sau khi truy vết, tổng cộng 60 nhân viên y tế bệnh viện mắc Covid-19.

Trong lúc thành phố đang giải quyết sự cố tại cơ sở y tế này, quận Bình Tân và huyện Hóc Môn đã dần thay thế Gò Vấp trở thành các chiến trường mới của dịch Covid-19. Hàng loạt ổ dịch được phát hiện tại 2 địa phương này. Khu công nghiệp, chợ truyền thống, khu trọ và chung cư trở thành nơi phát sinh hàng trăm ca bệnh.

Đơn vị, cá nhân nào mà không nghiêm túc thực hiện thì sẽ bị xử lý ngay lập tức

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức

Tại cuộc họp báo ngày 19/6, Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức thừa nhận một tuần chống dịch vừa qua là "chưa thật sự hiệu quả" và "chưa được nghiêm ngặt".

Ngay trong đêm 19/6, TP.HCM đã ban hành Chỉ thị 10 với các yêu cầu phòng chống dịch siết chặt hơn so với Chỉ thị 15 của Chính phủ. Chỉ thị mới yêu cầu đóng cửa chợ tự phát, không tụ tập quá 3 người... Đặc biệt, TP nhấn mạnh nguyên tắc cách ly, phong tỏa với các khu vực có nguy cơ cao và rất cao.

"Tuần tới là thời gian được Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 đánh giá rất quan trọng để chặn đứng dịch bệnh. Vì vậy, đơn vị, cá nhân nào mà không nghiêm túc thực hiện thì sẽ bị xử lý ngay lập tức", ông Dương Anh Đức khẳng định vào ngày 19/6.

Dù lãnh đạo TP đã hạ quyết tâm, một tuần sau đó người dân vẫn chứng kiến số ổ dịch tiếp tục tăng, xuất hiện cả ở quận 1, quận 5, quận 8.

"Thời gian vừa qua, dù chúng ta đã có những biện pháp thắt chặt, kiểm soát tình hình nhưng tại sao số ca mắc mỗi ngày vẫn tăng lên?", Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đặt vấn đề tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM ngày 25/6.

Giải pháp trước mắt và lâu dài

Sáng 26/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đáp chuyến bay tới TP.HCM để thị sát và chỉ đạo chống dịch. Chuyến công tác của người đứng đứng đầu Chính phủ tạo ra những chuyển biến tức thì và cả những định hướng lâu dài cho thành phố.

Theo lệnh của Thủ tướng, 80.000 bộ xét nghiệm nhanh đã được chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM ngay trong chiều 26/6. Kit test nhanh giúp thành phố thần tốc truy vết F0, dần thoát khỏi sự lệ thuộc vào việc xét nghiệm mẫu gộp rRT-PCR vốn mất thời gian đợi kết quả.

Thủ tướng cho biết Chính phủ rất quan tâm đến việc đưa vaccine về Việt Nam, nhưng tình hình khan hiếm trên thế giới sẽ còn kéo dài đến tháng 9. Do đó, trong chuyến thăm doanh nghiệp sản xuất vaccine Nano Covax tại TP.HCM, ông yêu cầu phải đẩy nhanh quy trình thử nghiệm lâm sàng.

"Trong lúc 'nước sôi lửa bỏng' thì phải chạy, phải tăng tốc hơn", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói với lãnh đạo Nanogen.

Trong lúc "nước sôi lửa bỏng" thì phải chạy, phải tăng tốc hơn

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Sau một tuần áp dụng Chỉ thị 10, ngày 28/6, lãnh đạo TP.HCM cho biết chỉ thị này sẽ tiếp tục được áp dụng. Đồng nghĩa với đó là tình trạng giãn cách xã hội, đóng cửa dịch vụ của TP.HCM sẽ tiếp tục kéo dài sang tháng 7.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM sáng 28/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố sẽ thực hiện phân chia các quận, huyện theo 3 cấp độ nguy cơ.

Các nơi có nguy cơ rất cao gồm huyện Hóc Môn, Bình Chánh, quận 8, Bình Tân, Tân Phú và một phần của TP Thủ Đức (quận Thủ Đức cũ). Nơi có nguy cơ cao là huyện Củ Chi, quận 1, 4, 5, 12, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp và một phần của TP Thủ Đức (quận 2 và 9 cũ). Các nơi có nguy cơ gồm huyện Cần Giờ, quận 7, 10, 11, và Phú Nhuận.

Dù đã tiêm xong 800.000 liều vaccine, TP.HCM vẫn phải duy trì giãn cách xã hội và các biện pháp dập dịch như phong tỏa, truy vết và cách ly. Ảnh: Quỳnh Danh.

Lãnh đạo TP cho biết căn cứ theo nhóm nguy cơ, từng quận, huyện sẽ nghiên cứu, áp dụng các yêu cầu chống dịch cụ thể cho địa phương mình.

Biện pháp của chính quyền phải quyết liệt, người dân phải chấp hành, nơi nào phong tỏa phải cửa đóng then cài thì chống dịch mới có hiệu quả

PGS.TS Trần Đắc Phu

Như vậy, điều người dân TP.HCM cần quan tâm trong tương lai không chỉ là việc chấp hành Chỉ thị 10 mà còn là biết khu vực mình ở thuộc nhóm nguy cơ nào, chính quyền yêu cầu những biện pháp gì để chấp hành theo.

PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam) đánh giá biện pháp chống dịch hiện nay của TP.HCM là đúng, song việc thực hiện phải nghiêm mới đem lại hiệu quả.

“Biện pháp của chính quyền phải quyết liệt, người dân phải chấp hành, nơi nào phong tỏa phải cửa đóng then cài thì chống dịch mới có hiệu quả”, ông Phu nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS kinh tế Trần Hoàng Ngân (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM), cho rằng TP.HCM đã áp dụng Chỉ thị 15 và 16 ngay khi có dịch, song do việc thực thi chưa nghiêm, chưa "đủ liều" nên dịch lây lan nhanh.

"Đây là bài học cho thấy giãn cách vẫn là biện pháp hữu hiệu với những nơi người dân chưa được tiêm vaccine", ông Ngân nhận định.

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/mot-thang-gian-cach-xa-hoi-o-tp-hcm-a76651.html