Nếu so sánh với những người còn lại trong số 20 người phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021, bà Sáu Thia là người nghèo khó, không quyền lực, không học vấn cao. Tuy nhiên, những đóng góp thầm lặng của bà vô cùng có ý nghĩa với cộng đồng, nhờ có bà mà hàng nghìn đứa trẻ vùng sông nước biết bơi, không sợ bị đuối nước.
Sau khi nhận được thông tin bà Sáu Thia dạy bơi ở Đồng Tháp nhận được tôn vinh như đã nói trên, phóng viên Dân Việt đã liên hệ và gặp được bà. Do hiện nay chính quyền địa phương xã Hưng Thạnh đang khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 nên bà Sáu Thia không đi dạy trẻ bơi như trước đây. Hơn nữa, hồ bơi nhân tạo - nơi mà hằng ngày bà tập bơi cho các trẻ cũng hư hao nhiều thứ, không thể hoạt động được nữa.
Dẫn phóng viên ra hồ bơi nhân tạo, bà Sáu Thia vừa buồn vừa nói: "Dù không dạy bơi, nhưng hằng ngày nhiều trẻ em ở trong xã Hưng Thạnh cũng đến thăm tôi, trò chuyện. Nhờ vậy, cũng đỡ buồn. Có lúc nhớ nghề và sợ mấy đứa trẻ quên động tác bơi, tôi dẫn ra vị trí đất trống gần hồ bơi nhân tạo này tập luyện".
Bà Sáu Thia cũng đã nhờ người gửi những vật dụng trong hồ bơi nhân tạo đi TP.HCM sửa. Tuy nhiên, do hồ bơi nhân tạo đã sử dụng nhiều năm (trên 4 năm), xuống cấp nên bà Sáu luôn không an tâm cho việc ổn định dạy bơi. Hiện nước dưới sông đục ngầu, bà không thể dạy bơi cho trẻ như những năm trước đây được.
Sau khi tìm hiểu nơi tập bơi hằng ngày của các đứa trẻ, phóng viên được bà Sáu Thia đưa về căn nhà nhỏ bà đang ở. Tại căn nhà của mình, bà Sáu Thia chỉ tay lên từng bức tường nhà, mái tôn rồi nói: "Đây là nhà tôi được chùa xây tặng hồi năm 2019, chứ tôi làm gì có tiền để xây". Trước đây, bà ở tại một căn nhà lợp lá tạm bợ ở cách đó khoảng 1km.
Khi được Tạp chí Forbes vinh danh là 1 trong 20 người phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021, bà có chia sẻ gì không?
- Tôi rất mừng, không riêng gì sự kiện vinh danh lần này mà từ năm 2017, tôi đã được nhiều cơ quan, tổ chức biết đến, tặng bằng khen, giấy khen. Tôi mừng cho mình chỉ là một phần, cái mừng lớn nhất là việc tôi làm được nhiều người dân biết đến và mừng vì có nhiều trẻ được học bơi và biết bơi.
Được Tạp chí Forbes vinh danh cũng tiếp thêm cho tôi động lực tiếp tục góp sức mình giúp cho nhiều trẻ em biết bơi. Khi nào tôi không dạy được nữa, "bánh xe ngừng lăn" thì tôi nghỉ dạy, sau đó UBND xã cử ai dạy thì dạy. Bởi, thời gian qua, tôi cũng đã đi nhiều nhà vận động chị em phụ nữ dạy bơi nhưng họ nói không có thời gian, còn vận động thanh niên thì họ đòi tiền, đòi lương mới chịu dạy. Cũng có người nói chỉ có tôi mới dạy được thôi.
Do đó, tôi bây giờ còn sống, còn dạy được thì cứ dạy, chứ không buông được, còn rất nhiều trẻ chưa biết bơi, chưa được dạy thì còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do nơi đây có nhiều ao, nhiều con sông lớn, vào mùa lũ nước dâng rất cao.
Cơ duyên nào đưa bà đến việc dạy bơi cho hàng ngàn trẻ em nơi đây?
- Tôi không phải người ở đây. Tôi sinh ra ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ mất sớm, từ năm 34 tuổi, tôi đến xã Hưng Thạnh sinh sống. Tại địa phương này, tôi chỉ ở một mình, không có chồng cũng như không sinh con.
Để có chỗ ở, tôi xin mượn đất cất căn chòi tạm. Thấy tôi tính tình hiền lành, chịu khó nên được một người dân ở đây nhận làm con nuôi, cho đất cất nhà. Để có tiền, tôi đi bán vé số, có lúc đi làm sạch hạt điều hoặc ai thuê gì làm đó kiếm vài trăm nghìn đồng sống qua ngày. Có thời gian tôi được vận động tham gia công tác ở chi hội phụ nữ, sau đó chuyển sang tham gia Hội Chữ thập đỏ, cộng tác viên kế hoạch hoá dân số.
Khoảng năm 2002, tôi xem truyền hình đưa tin nhiều trường hợp trẻ em chết đuối, thấy bản thân mình bơi giỏi mà không dạy trẻ cảm thấy không chịu được. Từ đó, tôi quyết định đi tập dạy. Tôi hy vọng những trẻ tôi dạy đều bơi tốt, không gặp bất hạnh như những trẻ khác.
Ban đầu, tôi đi đến nhiều nhà dân vận động những gia đình có trẻ nhỏ giao con cho tôi dạy. Sau đó mở được 2 lớp (khoảng 7 trẻ/lớp). Lúc này, gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Cụ thể như không biết bắt đầu từ đâu, dạy thế nào, không tìm được vị ví thích hợp cho trẻ tập, gia đình phụ huynh không an tâm giao con vì nghĩ tôi không có bằng cấp, không chứng chỉ hành nghề, sẽ không dạy được như huấn luyện viên trên thành phố.
Cuối cùng tôi cũng tìm được vị trí mé sông có nước sạch, rồi tự đóng cọc, giăng lưới xung quanh tạo thành khu vực nhỏ cho trẻ tập bơi (Sau này, nguồn nước sông ô nhiễm nên không thể tập được, rất may có nhà hảo tâm hỗ trợ được một hồ bơi nhân tạo cho bà Sáu Thia dạy - PV). Trong những ngày đầu đi dạy bơi, tối về ngủ tôi luôn trăn trở, cứ luôn suy nghĩ trong đầu câu hỏi rằng, không biết sáng mai trẻ có lại cho mình dạy không.
Rất may là chỉ sau vài ngày mở lớp dạy, nhiều trẻ em đã biết bơi, kể cả những đứa trẻ đi học ở đâu đó cả năm không biết bơi nhưng vào tay tôi chỉ vài ngày là bơi được tốt. Do đó, phụ huynh rất mừng, yên tâm giao con cháu cho tôi dạy bơi.
Từ năm thứ hai, thứ 3, công việc dạy trẻ bơi của tôi bắt đầu gặp nhiều thuận lợi, số trẻ đến đăng ký học ngày càng nhiều. Tôi cũng không còn bán vé số và làm sạch hạt điều cho người ta nữa.
Đối với một số gia đình đơn chiếc, bận công việc không có thời gian đón con về sau thời gian học tập bơi, tôi sẽ đưa các em về nhà tôi, cho ăn uống, khi nào phụ huynh rảnh thì đến đón về, nếu không tôi sẽ đưa về tận nhà.
Đến nay, bà đã dạy được bao nhiêu trẻ bơi được. Nếu dành hết thời gian cho việc dạy trẻ bơi, vậy tiền đâu mà sống qua ngày?
- Tính đến nay, đã 19 năm tôi dạy bơi cho gần 4.000 trẻ em. Ngoài trẻ trong xã, các trẻ ở các xã lân cận như Mỹ Quý, Mỹ An, Mỹ Hoà,...cũng được gia đình đưa đến đây cho tôi dạy bơi.
Với sự hỗ trợ của UBND xã, thường tôi dạy khoảng 5 lớp tại 5 ấp trong xã (1 ấp mở 1 lớp), 1 lớp có từ 30 - 35 trẻ. Theo đó, sáng sớm hằng ngày, tôi chạy xe máy đi dạy từ lớp này xong đến lớp khác đến chiều tối mới về, có khi trời mưa phải chạy xe đường vòng về đến nhà phải từ 6h đến 7h tối. Nếu sáng bị sốt thì chiều tôi dạy, chiều sốt nữa thì xin nghỉ, vài hôm lại bù.
Tôi không nghĩ gì bản thân, chỉ mong sao ở vùng sông nước các trẻ nhỏ có thể tự bảo vệ được mình và không bị thiệt thòi khi không biết bơi, nhất là khi mùa lũ về vùng Đồng Tháp Mười này. Thấy tôi không làm chuyện gì kiếm tiền, nhiều người nói tôi khùng, tôi ngu, bảo tôi lo bán vé số đi để nuôi thân, sao phải đi dạy bơi làm chi, đâu có tiền đâu.
Thế nhưng, bỏ ngoài tai những lời nói trên, tôi chỉ muốn tiếp tục dạy trẻ bơi để thực hiện nguyện vọng của mình, trong nhà thiếu ăn cũng không sao. Cũng nhờ chuyện dạy trẻ này mà rất nhiều phụ huynh thương tôi, thường xuyên nấu cơm, làm đồ ăn ngon đem lại nhà cho, có người còn cho tôi gạo, những thứ này tôi nhận và cảm ơn.
Từ trước đến nay, tôi không nhận tiền dạy trẻ học bơi từ phụ huynh, những gia đình có điều kiện từng cho tôi tiền nhưng tôi không lấy. Bởi khi lấy thì những hộ nghèo, khó khăn ở địa phương sẽ không dám giao con cháu cho tôi tập bơi nữa. Chính quyền địa phương cũng rất thương, phân công cán bộ đến đem đồ ăn, nước uống cho khi tôi bệnh. Thỉnh thoảng, hỗ trợ tôi vài trăm ngàn.
Theo kế hoạch, khoảng 2 tuần nữa, những vật dụng trong hồ bơi nhân tạo gửi đi TP.HCM sửa xong, hết dịch Covid-19, tôi sẽ dạy bơi khoảng 200 em.
Bà Sáu Thia có thể chia sẻ, trải lòng những kỷ niệm trong việc dạy bơi cho gần 4.000 trẻ trong 19 năm qua?
- Trong 19 năm dạy trẻ tập bơi, có một kỷ niệm làm tôi nhớ nhất là nhờ tôi tập bơi mà một trẻ thoát chết. Trẻ tên Gấm ở ấp 3, khi mới 6 tuổi đã học bơi từ tôi. Có lần trẻ này đi trên sàn nhà, không may sàn nhà bất ngờ bị sập, cháu Gấm té xuống sông. Do đã tập bơi nên không bị đuối nước và tìm đến tôi cảm ơn. Cháu Gấm này nói câu làm tôi cảm động: "Không nhờ bà Sáu dạy con bơi là con chết rồi". Hiện nay, cháu Gấm đã tốt nghiệp đại học, đang làm việc ở TP.HCM, lâu lâu có về thăm tôi.
Không chỉ cháu Gấm, tôi rất vui mừng vì rất nhiều trẻ mà tôi dạy tập bơi giờ đây đã lớn khôn, học hành đầy đủ. Khi thấy tôi đều chào hỏi, hỏi thăm sức khoẻ. Có đứa còn đến tận nhà tôi để tìm hiểu tôi sống ra sao, không ngừng động viên, cũng có đứa biết tôi bệnh thần kinh tọa, tụt huyết áp đã khuyên tôi đã lớn tuổi nên nghĩ cho mình, lưu tâm sức khoẻ.
Tuy nhiên, tôi cũng nói rằng, thời gian qua, tình thương của trẻ em, hàng xóm dành cho mình rất nhiều, đây là thứ quý giá. Tuy sức yếu nhưng vẫn còn dạy được thì tôi tiếp tục cống hiến cho cộng đồng, được bao nhiêu hay bao nhiêu.
Lúc trẻ đang làm theo động tác bơi dưới nước, nếu tôi dùng 1 tay để dưới bụng nâng người đứa trẻ đó lên cảm thấy nhẹ nhàng thì xác định trẻ này tập được, 1 buổi là có thể bơi chập chững. Ngược lại, tay tôi nâng trẻ lên cảm thấy nặng thì có thể là 3 ngày nữa thì mới có thể bơi được.
Đối những đứa trẻ nặng cân, sau khi dạy 2 ngày, nếu tôi dùng 1 tay nâng người lúc đang làm theo động tác bơi dưới sông mà cảm thấy nhẹ thì có thể dạy 7 ngày là biết bơi. Cũng có trường hợp, tay tôi cảm thấy ngày càng nặng khi nâng lên thì xác định không dạy được khoá này, phải chờ khoá sau.
Trước đây, tôi dạy trẻ từ 6 tuổi đến 15 tuổi, bây giờ tôi có thể dạy trẻ từ 5 tuổi. Những trẻ học từ 5-7 ngày, tập bơi được 24m là có thể hoàn thành khóa học.
Kinh nghiệm dạy trẻ học bơi của tôi là chỉ dạy tận tình từng tư thế sao cho không bị chìm. Trong quá trình tập, phải lưu ý, dạy hết từng trẻ, hiểu hết những gì trẻ tiếp thu và không tiếp thu, không dạy trẻ này mà bỏ trẻ kia.
Em Trần Minh Tân ngụ ấp 3, xã Hưng Thạnh cho biết, em bơi được và bơi rất xa là nhờ bà Sáu Thia dạy. Trong quá trình dạy, bà rất kiên nhẫn, chỉ dẫn từng động tác, đôi khi la nếu em đùa giỡn cùng bạn.
Em Tân biết bà Sáu Thia la cũng gì muốn mình học bơi được nên em rất thương bà và đã tập bơi được chỉ trong 1 tuần. Mặc dù đã biết bơi nhưng em Tân vẫn thường xuyên theo bà Sáu Thia luyện tập động tác.
Em Phan Vũ Hùng ngụ cùng ấp 3, xã Hưng Thạnh cho hay, chỉ sau thời gian 1 tuần học bơi, em đã bơi được, hiện đã có thể tự bơi qua sông nhỏ. Sau thời gian học, em vẫn theo bà tập luyện động tác, đến nay đã hơn 4 tháng. Bà luôn nói, học bơi là cần thiết nhưng phải thường xuyên rèn luyện thân thể, nâng cao sức đề kháng cơ thể để có thể tự bảo vệ mình.
Về lý do tại sao được bà Sáu Thia dạy tập bơi, em Hùng cho biết, xem trên truyền hình thấy nhiều bạn cùng lứa tuổi bị chết đuối, rất sợ. Do đó, khi được bạn bè rủ đến bà Sáu Thia học bơi, em Hùng đi ngay.
Với những đóng góp thầm lặng của mình cho cộng đồng, trước khi được Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn vào top 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021, bà Sáu Thia từng nhận được nhiều bằng khen, giấy khen và nhiều đơn vị vinh danh tiêu biểu như sau:
- Năm 2017, được hãng tin BBC của Anh bình chọn vào danh sách 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu có sức ảnh hưởng và truyền cảm hứng trên toàn thế giới.
- Năm 2018, đạt giải thưởng KOVA do Tập đoàn Sơn KOVA bình chọn ở hạng mục Sống đẹp - tấm gương tiêu biểu trong xã hội.
- Năm 2020, nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong dạy bơi miễn phí cho trẻ em; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp vì đã có thành tích xuất sắc trong "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" giai đoạn 2016-2021.