Mỗi một ngôi làng đặc trưng trên dải đất hình chữ S đều có nét đẹp riêng làm lưu luyến trái tim lữ khách. Nếu làng đá ở Cao Bằng có những nhà đá trăm tuổi, làng cổ Lộc Yên Quảng Nam đẹp như tranh thì làng nổi Châu Đốc được biết đến với nét đẹp mộc mạc, đơn sơ. Nơi đây được gọi là làng nổi bởi những căn nhà nổi cùng các bè cá nép gần nhau tạo thành một khu “làng”. Đông đúc nhất là những nhà nổi quy tụ ở khúc sông thuộc huyện Tân Châu, làng trải dài đến gần 10km.
So với cuộc sống trên bờ, việc sống trên sông có khá nhiều bất tiện nhưng đổi lại, người dân trong làng nổi không tốn tiền mua đất, chi phí xây nhà gỗ thấp và quan trọng nhất là họ vừa sống hài hòa với thiên nhiên, vừa dễ dàng trông coi những bè cá mình nuôi.
Làng bè nổi trên sông Châu Đốc là làng bè nuôi cá nước ngọt được hình thành từ những năm 60 của thế kỷ trước. Lúc đầu nơi đây chỉ có vài bè nổi nuôi cá theo kiểu tự nhiên, không cần cho ăn vì nguồn nước tốt. Tuy nhiên, từ những năm 70 trở đi, do nguồn lợi kinh tế đem lại cao, số lượng bè cá đã tăng lên đáng kể và dần trở thành điểm kinh tế trọng điểm của An Giang.
Điểm nhấn là trong khoảng 1990 đến năm 2005, các vùng Châu Phú, Phú Tân, Chợ Mới, Vĩnh Ngươn có trên 2.000 bè cá với sản lượng trung bình thu hoạch hàng năm trên 20.000 tấn/ năm. Đa phần cá nuôi tại các bè nổi của các vùng đều là các giống cá da trơn như: cá tra, cá ba sa chủ yếu phục vụ xuất khẩu sang thị trường Tây Âu và Bắc Mỹ.
Nhiều năm trở lại đây, khi các ba sa, cá tra không còn được thị trường ưa chuộng thì người dân chuyển sang nuôi đủ các loại cá thịt như: cá bông, cá he, cá mè dinh, cá mú,cá chim…Nhờ giá cả các loại cá thịt ngày càng tăng lên nên những người nuôi cá bè ở Châu Đốc ăn nên làm ra, mang lại hiệu quả kinh tế cao giúp nhiều gia đình có cuộc sống khá giả.
Làng nổi Châu Đốc không có vẻ đẹp lãng mạn cũng chẳng có gì cao sang, thế nhưng chính nét giản dị lại khắc họa nên bức tranh làng quê sông nước đặc biệt. Đến đây bạn sẽ được hòa mình vào không gian của những ngôi nhà nổi đang đung đưa theo dòng thượng nguồn Châu thổ của Cửu Long và hai nhánh sông Tiền, sông Hậu.
Kiến trúc của những “ngôi nhà” ở làng nổi cũng rất độc đáo. Những ngôi nhà trên sông này thường được làm từ gỗ sơn màu, trần lợp, có đáy sâu 5m được cấu tạo bằng gỗ sao, chung quanh bọc lưới inox để nuôi bè cá. Dù là nhà gỗ và lênh đênh theo từng con sóng nhưng hầu như gia đình nào cũng có đầy đủ tiện nghi. Một số ngôi nhà còn có ban công treo những chậu hoa xinh, có những chiếc võng đung đưa để nằm hóng mát lúc trưa hè. Cuộc sống của người miền Tây dẫu không quá sang trọng nhưng có những điều thú vị riêng, họ tận hưởng những điều bình dị nhất của cuộc sống.
Ngồi trên bè đung đua theo con nước, ngắm nhìn những khóm lục bình trôi, mỗi du khách đều có thể cảm nhận luồng gió mang hơi nước mát lạnh xua tan những căng thẳng mệt mỏi của cuộc sống hàng ngày.
Khung cảnh trên dòng sông bình lặng và thơ mộng hơn khi trời vừa sẫm tối. Lúc này các hoạt động buôn bán trên làng bè không còn rộn ràng, những gia đình quây quần bên nhau sau một ngày lao động hăng say. Làng bè nổi trên sông bắt đầu lên đèn. Ánh sáng từ các nhà bè phản chiếu xuống nước trông giống như thành phố về đêm nổi trên sông tạo nên khung cảnh thật lung linh huyền ảo.
My Tống
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/menh-mang-lang-noi-chau-doc-a77029.html