Bệnh viện hồi sức cấp cứu Covid-19 quy mô 1.000 giường (tại khu nội trú Bệnh viện Ung Bướu TPHCM cơ sở 2) đi vào hoạt động được hơn một tuần. Gần 20h đêm, hàng chục nhân viên y tế vẫn đang gấp gáp ra vào các phòng điều trị. Đây cũng là "thành trì" đánh chặn Covid-19 cuối cùng tại TPHCM.
"Trường hợp này tiến triển tốt rồi, có thể tự thở, không cần phải chạy ECMO (tim phổi nhân tạo), chuẩn bị tháo ống cho bệnh nhân. Bác sĩ Huy phụ trách cho ca này lên lầu 4 giúp nha. Những người còn lại kiểm tra các bệnh nhân khác lần nữa rồi chuẩn bị thay ca cho kíp tiếp theo", bác sĩ Trần Thanh Linh - Trưởng Khoa hồi sức Bệnh viện Chợ Rẫy dặn đồng nghiệp.
Tiếng máy thở, tiếng máy monitor kêu từng hồi đều đặn, xen kẽ trong không gian tĩnh mịch ở khu phòng điều trị Covid-19. Các y bác sĩ đang kiểm tra lại lần cuối những bệnh nhân nguy kịch để chuẩn bị cho ê-kíp tiếp theo vào thay ca sau 7 tiếng làm việc liên tục.
Đúng 21h đêm, 15 y bác sĩ của khu vực điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch hoàn tất việc trang bị đồ bảo hộ ở phòng mặc PPE. Sẵn sàng vào thay ca cho đồng nghiệp.
Ca làm việc đêm kéo dài 10 tiếng đồng hồ, từ 21h đêm tới 7h sáng hôm sau.
Bác sĩ Trần Thanh Linh cho biết, Bệnh viện đang điều trị 260 bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch, trong đó hiện còn hơn 40 trường hợp nguy kịch, nhiều trường hợp phải chạy ECMO (tim phổi nhân tạo). Một nhân viên y tế sẽ phải phụ trách 3 tới 4 bệnh nhân mỗi đêm, làm việc liên tục không nghỉ trong bộ đồ bảo hộ kín mít.
Hàng ngày lịch làm việc của nhân viên y tế tại đây chia làm 3 ca, 4 kíp. Ca sáng từ 7h tới 14h, ca chiều từ 14h đến 21h, và ca đêm từ 21h tới 7h sáng hôm sau. Trước khi vào làm việc trong phòng điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế buộc phải mang đồ bảo hộ cấp 4 (cấp cao nhất cho nhân viên y tế khu vực nguy hiểm).
Các nhân viên y tế tại đây cho biết, một tuần nay họ làm việc liên tục nhiều giờ liền, có khi chỉ ngủ 4 tiếng một ngày hoặc ít hơn nếu có những trường hợp khẩn cấp. Trừ những trường hợp cần cấp cứu ngay, thì cần nhiều nhân viên y tế, nhưng một số trường hợp đã ổn định thì một nhân viên y tế sẽ phụ trách theo dõi 3-4 bệnh nhân mỗi đêm.
Bác sĩ Võ Cao Thái - Khoa hồi sức Bệnh viện Chợ Rẫy nói, cuộc chiến giành giật sự sống chưa bao giờ ngừng nghỉ bên trong phòng hồi sức này, thậm chí là nhiều đêm trắng không ngủ.
"Gần một tuần nay, từ khi được điều động từ Bệnh viện Chợ Rẫy sang, tôi chưa nhìn thấy bên ngoài ra sao, có gì ngoài kia, phần lớn thời gian tôi và đồng nghiệp ở trong phòng cấp cứu. Có nhiều đêm thức trắng, có khi thì ngủ được đôi chút khoảng 3-4 tiếng nếu hết ca trực. Vất vả thì có, nhưng lúc này mọi người cần chúng tôi, tất cả đều phải cố gắng để sớm chiến thắng được cuộc chiến này", bác sĩ Thái chia sẻ.
Gần 0h sáng, tiếng máy thở kêu liên hồi, một bệnh nhân chuyển biến xấu, các y bác sĩ gấp gáp tới phòng bệnh kiểm tra ngay. Không khí căng thẳng lại bao trùm căn phòng đầy máy móc y tế.
Tiếng xe đẩy vang lên dọc hành lang trong đêm tĩnh lặng, một ca bệnh nữa được nhập viện khi triệu chứng chuyển biến tăng nặng.
"Nhiều bệnh nhân sau khi hôn mê và phải thở máy, đến lúc tỉnh dậy nhiều người bật khóc khi nghĩ về cơ hội sống của mình. Chúng tôi dù thức trắng đêm, mệt mỏi nhưng chỉ cần giành giật được mạng sống cho người bệnh là lại có động lực tiếp tục chiến đấu. Tuy nhiên, nhiều khi cũng cảm thấy bất lực, vì nhiều trường hợp bệnh nền quá nặng, tuổi già sức yếu cùng với việc mắc Covid-19, chúng tôi không thể đưa họ vượt qua cửa tử được", bác sĩ Linh ngậm ngùi chia sẻ.
Giữa đêm, không khí bên trong khu hồi sức trở nên trầm xuống, mọi ánh mắt đều hướng về phía chiếc xe đẩy giữa hành lang. Một bệnh nhân 85 tuổi mắc Covid-19 vừa tử vong do bệnh nền nặng. Nhân viên y tế thực hiện quy trình xử lý nghiêm ngặt đối với ca bệnh tử vong rồi chuyển đi làm thủ tục, và báo về cho gia đình.
Gần về sáng, khi các bệnh nhân dần ổn định, một số nhân viên y tế chuyển sang dọn dẹp vệ sinh cho các phòng bệnh, hành lang ở khu điều trị.
Một số nhân viên y tế khác thấm mệt sau nhiều giờ làm việc căng thẳng, dựa tạm vào tường để nghỉ ngơi trong chốc lát.
"Tôi được tăng cường vào hỗ trợ cho TPHCM khoảng một tuần nay, cũng ngần ấy thời gian tôi được sát cánh cùng các y bác sĩ của TPHCM. Những ngày qua chứng kiến tình hình dịch bệnh ở đây tôi cũng rất buồn, chỉ biết cố gắng làm việc hết sức mình, cố gắng động viên đồng nghiệp để cùng nhau vượt qua. Hy vọng dịch bệnh sẽ sớm qua đi, cuộc sống sớm trở lại bình thường", điều dưỡng Hà Thị Nhuần - đơn vị y tế TP Hải Phòng chia sẻ.
Một lát sau, điều dưỡng Nhuần tạm chợp mắt nghỉ ngơi khi các bệnh nhân đã dần ổn định và ngủ say.
Gần 2h sáng, khi những ca cấp cứu nặng đã ổn định, bác sĩ Linh mới rời phòng điều trị.
"Tôi không còn biết ca làm việc của mình là lúc nào nữa, gần như trực liên tục ở đây, bất cứ khi nào cần là tôi sẽ có mặt. Các bệnh nhân ở đây đa số là nặng và nguy kịch, chuyển biến xấu đi rất nhanh, chỉ tính bằng giây, bằng phút, nếu không có mặt xử lý kịp thời thì có thể chúng ta để vuột khỏi tay một mạng sống nữa. Chỉ khi nào tình hình thật sự ổn định, tôi mới tạm nghỉ được", bác sĩ Linh cho hay.
Những vết hằn cắt trên mặt, trên tay của bác sĩ Linh lộ ra khi cởi bỏ lớp đồ bảo hộ sau nhiều giờ làm việc liên tục.
Kết thúc một ca làm việc căng thẳng, bác sĩ Trần Thanh Linh, còn được gọi với cái tên bác sĩ "Linh 91" lặng lẽ bước đi dưới ánh đèn leo lắt dọc hành lang bệnh viện, ngoài trời là bóng đêm bao trùm.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/dem-trang-tai-thanh-tri-cuoi-cung-chien-dau-voi-covid-19-o-tphcm-a77098.html