Sở Công Thương TP.Hà Nội mới có thông báo về việc đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, trước diễn biến tình hình dịch Covid-19 còn nhiều phức tạp, các doanh nghiệp đã tăng cường dự trữ 17 mặt hàng thiết yếu từ 30 - 50%, trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường. Tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp cũng chuẩn bị dự trữ lượng hàng hóa theo chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng, bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển đảm bảo đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.
Đồng thời chủ trì, phối hợp tăng cường công tác kết nối cung cầu, tổng hợp, cung cấp thông tin nguồn hàng hóa thiết yếu, nông sản mùa vụ đến các đơn vị phân phối.
"Chỉ đạo doanh nghiệp phân phối, siêu thị, đơn vị kinh doanh tăng cường biện pháp để khai thác, dự trữ hàng hóa thiết yếu, bố trí đầy đủ phương tiện, nhân lực; đẩy mạnh bán hàng qua các ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng online, điện thoại…", sở Công Thương Hà Nội thông tin.
Phối hợp với các lực lượng chức năng chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát việc các quầy hàng thiết yếu trong các chợ đầu mối, chợ dân sinh đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, đảm bảo giãn cách, hạn chế tiếp xúc trực tiếp...
Cùng với đó, cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, thổi giá đối với các mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch và hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân.
Để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, Thành phố đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện bố trí làm kho dự trữ hàng, mở thêm các điểm bán hàng cố định và các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết.
"Sẵn sàng huy động hàng nghìn xe chở hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối và các quận huyện sẵn sàng đưa hàng kịp thời đến 7.500 điểm bán hàng hóa thiết yếu trên địa bàn", sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh.
Hiện nay, trên địa bàn TP.Hà Nội có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hóa bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… sẵn sàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn.
Do đó, sở Công Thương Hà Nội khuyến cáo người dân yên tâm, không dự trữ hàng hóa, không tập trung đến các hệ thống phân phối tránh lây nhiễm dịch bệnh.
Tối muộn 23/7, Hà Nội phát đi thông báo về việc sẽ thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 từ 6h ngày 24/7. Theo Chỉ thị này, toàn thành phố cách ly xã hội trong 15 ngày với nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất được phép hoạt động phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch…
Chính quyền yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động...
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh những ngày qua, Thành phố liên tiếp phát hiện nhiều ca mắc mới trong cộng đồng, nhiều ổ dịch không rõ nguồn lây.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/ha-noi-khang-dinh-khong-thieu-hang-hoa-nguoi-dan-khong-can-tich-tru-a77157.html