(Bài 5): Phòng khám phụ sản vi phạm Luật an toàn thực phẩm

Thời gian qua, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều quảng cáo về phòng khám Faa Clinic của bác sĩ Phạm Thành Sơn, với biệt tài chữa trị vô sinh, hiếm muộn. Đặc biệt, hầu hết những người đến điều trị sẽ được cơ sở này chỉ định và bán cho các loại thực phẩm chức năng với giá thành không hề rẻ.

Theo tìm hiểu, phòng khám của bác sĩ Phạm Thành Sơn có địa chỉ tại số 02, ngõ 287 đường Ngô Gia Tự, quận Long Biên, Hà Nội. Thời gian mở cửa tiếp đón bệnh nhân đến khám từ 17h đến 19h hàng ngày. 

Ghi nhận của PV vào ngày 5/7/2021 tại phòng khám, có tới hơn 30 người đến khám và điều trị. Trong một không gian khá chật hẹp, mọi người phải ngồi sát  nhau, đây là điều đáng lo ngại trong thời điểm dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp. 

Sau khi đăng ký vào sổ khám bệnh, một nhân viên không mang bảng tên ra lấy sổ khám và ngồi ghi nội dung khám ngay tại chỗ, vị này vừa hỏi vừa ghi những thủ tục mà người đến khám sẽ phải làm như các khâu xét nghiệm phụ khoa như siêu âm, soi trứng, xét nghiệm tinh trùng….vv. 

Bước tiếp theo là nộp tiền! Chỉ với vài xét nghiệm được ghi trong sổ khám bệnh, nhân viên lễ tân yêu cầu chúng tôi nộp số tiền 2,7 triệu đồng rồi mới được lấy kết quả xét nghiệm. Sau đó, bác sĩ Sơn sẽ trực tiếp thăm khám. 

sequence-0100-00-35-08still005-1626420421.jpg

Giấy phép cấp cho phòng khám chuyên khoa phụ sản FAA Clinic

Qua quan sát, một số bệnh nhân đến khám trước đều được chỉ định điều trị bằng các loại TP BVSK. Nam thì dùng SQ Men, nữ dùng SQ Women và kèm theo là vài lọ vitamin là thành 1 liệu trình.

Chị Hoàng Thị S, bệnh nhân điều trị sinh con theo ý muốn, cho biết: "Do gia đình tôi muốn sinh con theo ý muốn, qua tìm hiểu thông tin trên mạng nên tới đây, cả khám và lấy thuốc lần đầu hết 11 triệu, lần này lấy hết 8 triệu, về nhà ông xã cũng kêu thuốc gì mà toàn thực phẩm chức năng, nhưng vì đã theo thì phải tin thôi". 

Chị Nguyễn Thị H, bệnh nhân điều trị vô sinh, chia sẻ: "Tôi lấy chồng 14 năm nhưng không sinh con được, xem thông tin quảng cáo trên mạng, thấy thông tin về bác sĩ hay quá nên đến khám và điều trị, hôm nay đến làm thủ tục khám và xét nghiệm hết 2,6 triệu. Giờ đợi lấy thuốc về điều trị, chẳng biết có hiệu quả không, nhưng có bệnh thì vái tứ phương thôi". 

sequence-0100-00-45-15still006-1626420421.jpg

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng khách đến phòng khám ngồi vẫn rất sát nhau, không giữ khoảng cách an toàn

Chỉ riêng ngày hôm nay, có hàng chục bệnh nhân đến khám và lấy thuốc, người ít thì vài triệu, người nhiều lên tới cả chục triệu, ước tính doanh thu của phòng khám này cũng lên tới cả trăm triệu đồng. 

Cơ sở này còn khuyến cáo, phác đồ điều trị độc quyền, quầy thuốc không được phân phối ngoài đối tác của phòng khám. Những trường hợp tự ý xin phác đồ và mua thuốc bên ngoài, mọi hệ lụy phòng khám sẽ không chịu trách nhiệm, các trường hợp này cũng không nhận được hỗ trợ online, yêu cầu đặt lịch xuống thẳng phòng khám để được điều trị.

Có lẽ vì những thông tin ra điều kiện như trên, đã khiến người bệnh bị "trói chặt" với phòng khám của bác sĩ Sơn. Đến khám, điều trị là phải mua thuốc, và đương nhiên, về giá cả họ sẽ không thể so kè đắt rẻ. 

sequence-0100-01-59-16still007-1626420421.jpg

Đơn thuốc mang về của hầu hết các bệnh nhân đều được kê kèm theo TPBVSK SQ Men hoặc SQ Women

Mặc dù theo giấy phép được Sở Y tế cấp, thì tên gọi đầy đủ của phòng khám là Phòng khám chuyên khoa phụ sản Faa Clinic có địa chỉ tại số 2, ngõ 287 Ngô Gia Tự, Hà Nội. Thế nhưng, hàng loạt trang mạng lại giới thiệu thông tin như: "Bác sĩ Phạm Thành Sơn - Phòng khám hiếm muộn; Mang thai tự nhiên - Phòng khám bác sĩ Thành Sơn; Phạm Thành Sơn - Bs. Chuyên khoa hiếm muộn…". 

Trên giấy phép đăng ký khám chữa bệnh này, chỉ duy nhất bác sĩ Phạm Thành Sơn được khám chữa bệnh, nhưng trên thực tế, khi bệnh nhân đến khám lại có những người khác ra tư vấn khám bệnh, chỉ định bệnh nhân đi xét nghiệm là trái với quy định về các hành vi bị cấm tại Điều 6, Luật Khám chữa bệnh bổ sung sửa đổi năm 2015. 

sequence-0100-05-18-27still008-1626420421.jpg

Trên giấy phép, bác sỹ Sơn là người được phép khám bệnh, chứ không phải người này.

Ngoài ra, là một bác sĩ đứng đầu phòng khám, những ông Sơn lại giới thiệu quảng cáo sản phẩm TPBVSK SQ như một liệu trình điều trị vô sinh hiếm muộn ở phòng khám Faa Clinic, là có dấu hiệu vi phạm vào Khoản 2, Điều 27, Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm. 

Truyền hình Người đưa tin sẽ tiếp tục thông tin. 

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/bai-5-phong-kham-phu-san-vi-pham-luat-an-toan-thuc-pham-a77244.html