Hơn một tháng nay cụ Lê Thị Kim Dung (87 tuổi, quê Đồng Nai) phải lang thang ngủ tạm ở trạm xe buýt đường Hàm Nghi (Quận 1). Cụ Dung cho biết trước khi xảy ra dịch bệnh cụ phụ bán cà phê tại chợ Bến Thành, khi chợ Bến Thành đóng cửa, cụ qua nơi khác phụ quét dọn nhưng từ khi các cửa hàng đóng cửa theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, nhân viên được chủ cho về quê tránh dịch. Trong lúc ấy cụ Dung cũng mang ba lô ra đi nhưng... "Không biết đi về đâu, không nhà cửa và người thân thì lấy nơi đâu mà về", cụ Dung nói.
"Chỗ làm người ta bao ăn ở, từ ngày bùng dịch, hàng quán đóng cửa hết mình cũng phải ra ngoài. Ngủ tạm nhà chờ xe buýt, có hôm đói bụng phải chạy vào nhà vệ sinh công cộng uống tạm ngụm nước từ bồn rửa tay", cụ Dung chia sẻ.
Theo cụ Dung, mong muốn lớn nhất của cụ thời điểm này là được vào chùa sống nhưng do dịch bệnh hầu hết các chùa đóng cửa. Cụ muốn quay về quê nhà nhưng cũng không nhớ nổi mặt người thân.
"Ở đây sợ nhất là những đêm mưa, mưa tạt ướt hết, có đêm hơn 4h sáng mới nhắm mắt được. Mong sao dịch bệnh qua nhanh, cuộc sống trở lại bình thường, nếu không vào mái ấm thì xin vào chùa, có chết còn có người chôn", cụ Dung ngậm ngùi.
Sau nhiều ngày lang thang trên đường phố Sài Gòn, hiện tại cụ Dung đã được nhóm thiện nguyện "Đêm Sài Gòn" hỗ trợ chỗ ăn, ở, chu cấp tiền hàng tuần. Dự kiến sau khi hết dịch, nhóm "Đêm Sài Gòn" sẽ đón cụ về mái ấm do nhóm liên hệ để những ngày cuối đời cụ có nơi nương tựa.
Sau 18h, dạo một vòng qua những con đường ở các quận trung tâm như: Quận 1, Quận 3, Quận 5..., dễ dàng bắt gặp hình ảnh người nghèo, người vô gia cư, nhặt ve chai đang chờ đợi những hộp cơm, chai nước từ thiện. Họ rơi vào cảnh kiệt quệ khi tình trạng khó khăn kéo dài suốt từ hồi bùng dịch đầu năm 2020 đến nay. Đặc biệt là với đợt dịch lần thứ tư vẫn đang diễn biến phức tạp.
Bà Nguyễn Thị Thủy (59 tuổi) mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai, cuộc sống vất vả nhưng bà vẫn cưu mang một chú chó nhỏ để làm bạn đồng hành. "Giờ nhặt ve chai cũng không có gì mà nhặt, hàng quán đóng cửa hết. Chồng tôi bị bệnh lao, không tiền uống thuốc. Ra đường, không nhặt được ve chai thì cũng được các nhà hảo tâm tặng cơm, tặng sữa… nhờ đó mà có miếng ăn qua ngày", bà Thủy nói.
Thu nhập từ việc bán vé số, lượm ve chai không còn, nhiều em nhỏ vô gia cư cũng phải ra đường cùng cha mẹ hoặc người thân chờ đợi những suất cơm từ những nhà hảo tâm.
Trước ngày thành phố ra chỉ thị người dân không được ra đường từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau, trên cầu Nguyễn Văn Cừ hướng từ Quận 5 sang quận 8, người nghèo, người vô gia cư ngồi kéo dài chờ nhận quà từ các hội nhóm từ thiện.
Cuộc sống sau 18h gặp rất nhiều khó khăn, họ không biết đi đâu về đâu khi không có một mái ấm gia đình.
"Ban đêm không đi lại được vì lệnh cấm ra đường sau 18h, tranh thủ ban ngày nhặt ve chai, nhưng gần một tháng nay các vựa thu mua phế liệu đóng cửa, nhặt để đó chứ không ai mua", bà Nguyễn Kim Nga (54 tuổi, quê An Giang) chia sẻ.
Theo bà Nga, chồng bà mất được 6 năm do nhiễm HIV, từ ngày chồng mất bà sống nay đây mai đó. "Trước khi xảy ra dịch bệnh ngày nhặt ve chai thu nhập khoảng 50.000 đồng, giờ dịch bệnh không làm gì ra tiền, ve chai không có trên đường mà nhặt, ai cho gì ăn nấy", bà Nga xúc động.
Hơn một tháng qua, hai vợ chồng bà Nguyễn Thị Thanh (51 tuổi, quê Thanh Hóa) cùng với chiếc xe lăn mà trước đó làm phương tiện bán vé số. Những ngày mới vào Sài Gòn cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, trước khi dịch bùng phát bà đi bán vé số thường xuyên bị giật, lừa đổi số trúng.
"Hai vợ chồng vào Sài Gòn hơn một năm, chúng tôi không thuê nhà trọ, ngày đi bán vé số, chiếc xe lăn cũng là nhà che mưa che nắng để tối đến hai vợ chồng nương tựa vào nhau sống qua ngày. Mong sao dịch giã qua mau, cuộc sống trở lại bình thường để buôn bán", bà Thanh hi vọng.
Sáng nào người dân qua cầu Nguyễn Văn Cừ cũng bắt gặp hình ảnh một bà lão ngồi chờ đợi những suất cơm từ thiện. Đó là bà hoàn cảnh của bà Lê Diệu Hiền (70 tuổi). "Trước đây bán vé số, từ ngày ngừng bán do ảnh hưởng dịch bệnh, sáng nào cũng ra đây ngồi, ngồi đến trưa thì về, có hôm được hộp cơm, hộp sữa", bà Hiền cho biết.
Tương tự cụ Dung, bà Thủy, bà Thanh... là trường hợp của ông Nguyễn Văn Hùng (63 tuổi, quê Hải Phòng). "Nắng nóng, đẩy xe trên đường từ sáng đến giờ chưa hột cơm trong bụng, mới được người đi đường tặng hai ổ bánh mì không. Nhặt ve chai đầy xe rồi mà không biết mang bán cho ai, cầu mong dịch bệnh qua mau để các vựa thu mua phế liệu mở cửa", ông Hùng chia sẻ.
Ngoài ra, nhiều người chạy xe ôm truyền thống cũng rơi vào cảnh thất nghiệp, dịch bệnh kéo dài khiến cuộc sống của họ gặp vô vàn khó khăn.
Trước thực trạng người nghèo, người lao động, người vô gia đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH. Tối 15/8 ông Phạm Anh Thắng, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH đã trực tiếp khảo sát và chuyển lời thăm hỏi động viên, chia sẻ của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đến từng người dân, người lao động, lao động tự do đang gặp khó khăn, đồng thời gửi những phần quà thiết thực qua "Túi an sinh" của Bộ LĐ-TB&XH cho những lao động thất nghiệp và những người vô gia cư trên địa bàn TPHCM.
Mỗi phần quà gồm sữa, bánh chưng, nước suối, khẩu trang và kèm theo những phong bì tiền hỗ trợ gửi đến những phận đời khó khăn, vô gia cư trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội đã làm ấm lòng người nhận.
Tại buổi khảo sát, sau khi lắng nghe những chia sẻ của lao động thất nghiệp vì dịch Covid-19, ông Phạm Anh Thắng đã ân cần thăm hỏi sức khỏe, động viên những lao động thất nghiệp nên quay trở lại nơi đã từng tạm trú để liên hệ chính quyền đăng ký nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ.
Được biết sau buổi khảo sát thực tế này, Tổ Công tác đặc biệt của Bộ LĐ-TB&XH tại phía Nam sẽ có những đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo UBND TPHCM để tìm ra giải pháp hỗ trợ kịp thời cho những lao động thất nghiệp và những người vô gia cư… để không người dân nào trên địa bàn phải thiếu ăn thiếu mặc vì dịch Covid-19.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/nhung-manh-doi-lang-thang-giua-tam-dich-sai-gon-a77514.html