18/08/2021 09:48
18/08/2021 09:48
"Thủ phủ” vàng mã Hà Nội im ắng đìu hiu
Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là đến Rằm tháng Bảy nhưng những ngày này, không khí tại làng nghề vàng mã ở Thường Tín, Hà Nội lại im ắng đến lạ thường...
Nằm cách Hà Nội khoảng 15km về phía Nam, làng Phúc Am (xã Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội) được coi là một trong những “thủ phủ” sản xuất vàng mã lớn ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc.
Những năm trước, trước thời điểm Rằm tháng Bảy Âm lịch khoảng 1-2 tháng thì cả làng Phúc Am ngày đêm đều tấp nập, hối hả và nhộn nhịp người ra, kẻ vào. Bởi lúc này là mùa sản xuất các sản phẩm vàng mã như hình nộm ngựa, xe, voi, thuyền, nhà cửa... phục vụ đa dạng nhu cầu của khách hàng và người dân.
Thế nhưng năm nay, dù chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là đến Rằm tháng Bảy, nhưng không khí ở làng Phúc Am lại im ắng đến lạ thường.
Đường làng Phúc Am những ngày này vắng lặng, không còn cảnh buôn bán nhộn nhịp như những năm trước.
Đi quanh làng, dễ dàng bắt gặp những vật liệu quen thuộc phải nằm chồng đống, thừa thãi.
La liệt khung ngựa hàng mã bị lãng quên, dây leo chằng chịt.
Gia đình anh Nguyễn Văn Quyền (Xóm 3, làng Phúc Am, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín) là một trong số ít hộ hiếm hoi vẫn tiếp tục làm nghề giữa mùa dịch.
Cả gia đình 4 nhân công túc tắc làm những sản phẩm "xương ngựa" hàng mã, chờ đại dịch đi qua để tiêu thụ ra thị trường. Đối với những sản phẩm này, loại to nhất có giá khoảng 50.000 đồng mỗi con, loại bé hơn giá khoảng 15.000 - 30.000 đồng.
Vợ anh Cường vừa thoăn thoắt đôi bàn tay đan lát vừa nói: "Lúc không có dịch bệnh, công việc này cũng đem lại khoản thu nhập khoảng 100.000 đồng/người mỗi ngày. Tuy nhiên, bây giờ dịch bệnh không vận chuyển hàng được thì thu nhập bằng 0".
"Mặc dù không bán được hàng, không có tiền nhưng không nhẽ cả nhà ngồi chơi. Nên chúng tôi vẫn phải làm thôi, mong hết dịch đúng dịp Vu Lan để kịp tiêu thụ", anh Quyền nói.
Đây là công việc của cả gia đình anh Quyền trong lúc nông nhàn và cũng là công việc mang lại thu nhập chính.
Cách không xa, ông Phùng Thanh Hùng (66 tuổi) đang chau chuốt lại bộ khung của một con ngựa trước khi phủ giấy để hoàn thiện sản phẩm.
Ông Hùng cho biết, gia đình ông cũng như nhiều gia đình khác tại làng Phúc Am đã thất thu gần 2 năm nay. "Những ngày chớm dịch thì còn túc tắc bán được hàng. Nhưng từ khoảng tháng 3 cho đến nay, đặc biệt là từ khi Hà Nội giãn cách xã hội , số vàng mã làm ra không thể bán vì không vận chuyển được đành chất đống trong kho".
Dù hàng mã không thể xuất đi nhưng vợ chồng anh Nguyễn Văn Thắng (Xóm 3, làng Phúc Am) vẫn chăm chỉ làm việc chờ ngày hết dịch.
"Nhà mình có nhiều khách quen thường xuyên lấy hàng không kể ngày lễ tết. Do đó, vợ chồng mình vẫn tranh thủ chuẩn bị trước để khi dịch bệnh qua đi có sẵn hàng mà giao cho khách", anh Thắng chia sẻ.
Tại làng nghề này, mỗi hộ gia đình sản xuất một sản phẩm, một công đoạn riêng biệt. Vào thời điểm này mọi năm, cả làng đang "vào vụ" sản xuất hàng phục vụ Rằm tháng 7 Âm lịch. Tuy nhiên, năm nay hầu như cả làng đã dừng hoạt động.
Khác với các "thủ phủ" vàng mã nổi tiếng khác như làng Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh ) chuyên sản xuất quần áo và đồ trang sức; làng Văn Hội (Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội) chuyên sản xuất tiền vàng, còn làng Phúc Am lại chuyên sản xuất hình nộm thú (ngựa, voi…), thuyền rồng và nhà sơn trang.
Được biết, cả làng Phúc Am hiện có khoảng 180 hộ dân sống dựa vào nghề làm hàng mã. Trong đó có khoảng 10 cơ sở sản xuất và buôn bán hàng mã lớn, còn hơn 170 hộ dân chủ yếu đi làm thuê. Do đó, nghề làm hàng mã là nguồn thu nhập chủ lực của người dân nơi đây.
Link nội dung:
https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/thu-phu-vang-ma-ha-noi-im-ang-diu-hiu-a77523.html