Chốt chặn… an toàn
Trước nguy cơ dịch bệnh xâm nhập bùng phát ngoài cộng đồng, theo chỉ đạo của BCĐ phòng, chống dịch Covid 19 tỉnh Thanh Hóa, BCĐ phòng chống dịch thị xã Nghi Sơn tiếp tuc duy trì các điểm chốt đã được thành lập từ trước tại các cửa ngõ phía Nam, giáp ranh với Hoàng Mai (Nghệ An) chặt chẽ. Đồng thời, với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid 19, BCĐ TX Nghi Sơn thành lập thêm các điểm chốt chặn tại các cửa ngõ phía Tây, giáp ranh với huyện Nông Cống - địa bàn vừa có nhiều ca bệnh được phát hiện trong cộng đồng với mục tiêu, kiên quyết ngăn chặn nguy cơ xâm nhập của dịch bệnh vào cộng đồng địa phương.
Để ghi nhận công tác phòng chống dịch, chúng tôi có mặt tại điểm chốt Các Sơn, thuộc xã Các Sơn, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) vào sáng 28/8, trời bỗng chuyển mưa lớn, các đồng chí đang làm nhiệm vụ kiểm soát trên chốt dầm trong mưa với chiếc áo bạt mỏng. Cơn mưa giông thổi tung chiếc ô lớn dựng tạm ven đường, bàn ghế ướt sũng, mấy đồng chí dân quân vội vã dời chiếc bàn sắt để dụng cụ sát khuẩn vào mái hiên tạm của nhà dân ngay đấy. Mưa tầm tã như muốn thách thức sức chịu đựng và tinh thần bám chốt của các đồng chí trên tuyến đầu chống dịch.
Làm xong nhiệm vụ, trở vào, đưa tay quệt những giọt nước mưa lăn trên mặt, Trung tá Lê Hữu Hải cho biết: Hiện chốt có 15 người thuộc các lực lượng liên ngành, chia làm 3 ca, trực 24/24 giờ, làm nhiệm vụ kiểm soát và yêu cầu khai báo y tế đối với tất cả các trường hợp qua chốt, kiên quyết yêu cầu quay đầu nếu phát hiện các yếu tố dịch tễ không an toàn. Mưa cũng như nắng, không kể ngày đêm, mọi người đều động viên nhau cùng nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ. Vì nếu sơ sẩy, để lọt nguy cơ thì sẽ vất vả cho cả cộng đồng, bà con địa phương.
Quan sát “căn cứ” của anh em trên chốt, không có gì ngoài chiếc bàn kê tạm để khai báo y tế. Mọi thứ ở đây quá tạm bợ và thiếu thốn, chỗ sinh hoat, ăn nghỉ giãn ca đều không đảm bảo. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Hải cũng chia sẻ: Anh em trực chốt thay nhau làm nhiệm vụ, đổi ca cho nhau để tranh thủ ngủ nghỉ. Tuy nói là ngủ nhưng thực ra cũng không có chỗ, vì lán trực chỉ mượn tạm vỉa hiên của dân ven đường để cắm chốt nên mọi thứ chỉ tạm bợ qua loa thôi. Làm nhiệm vụ kiểm soát dịch như thế này, anh em trong đội cũng đối mặt với nhiều nguy cơ lây nhiễm. Cũng may, được sự quan tâm và ưu tiên cho tuyến đầu, nên mọi người cũng đã được tiêm vaccine, cũng an tâm hơn phần nào.
Theo chia sẻ các anh em trên chốt, hiện mỗi ngày vẫn có bốn năm chục lượt người xe qua lại. Mọi người vẫn phải nỗ lực bám chốt, không kể giờ giấc, ngày đêm để đảm bảo không bỏ sót bất kỳ một nguy cơ nào thâm nhập vào cộng đồng.
Trung tá Đinh Huy Hùng – Trưởng công an xã Các Sơn cho biết: “Lượng lương chính quy công an xã có 5 đồng chí, lượng mỏng nhưng chịu tránh rất nhiều chốt trên địa bàn rộng lớn. Bản thân tôi và anh ngoài làm nhiệm vụ chống dịch còn các công tác nghiệp vụ chuyên môn. Rất vất vả, tất cả anh em đều không được về nhà nhưng không ai kêu ca, cố gắng dựng thành trì vũng chắc cho nhân dân giáp ranh vùng dịch”.
Trao đổi với PV, ông Phạm Hữu Năm – Chủ tịch UBND xã Các Sơn cho biết: “Địa bàn xã Các Sơn có diện tích 36,7km với 3601 hộ, 12425 nhân khẩu, có đường ranh giới dài giáp với vùng dịch Nông Công trải dài nhiều thôn, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất phức tạp. Nhưng thực hiện chỉ thị của Thủ tướng và các cấp lạnh đạo Thị xa, chính quyền thực hiện tốt 5K, kiểm soát tốt các biện pháp chống dịch. Kêu gọi nhân dân nâng cao ý thức người người, nhà nhà, thôn xóm là một chốt chống dịch an toàn, quyết tâm giữ “vùng xanh” an toàn”. Ông Đậu Văn Vương – Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Song song dịch, các cán bộ, đoàn thể vẫn duy trì tốt công tác xã hội, thực hiện vận động bà con lá lành đùm lá rách, quyên góp lượng lớn tiền, lương thực gửi vào các tỉnh miền Nam như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Kêu gọi con em địa phương ở các nơi đóng góp giúp bà con ở xa qua công tác chống nạn dịch”.
Được biết, với lời kêu gọi của chính quyền địa phương, tất cả thôn xóm quyên góp làm nhiều đợt, nhiều chuyến hàng cứu trợ từ vùng nghèo Các Sơn đến với bà con đang mắc kẹt ở tâm dịch TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai… tạo ra hiệu ứng đoàn kết, thương yêu nhau chưa từng có. Hưởng ứng lời kêu gọi này, nhiều con em Các Sơn làm ăn sinh sống ở xa đã tự nguyện thành lập nhóm, kêu gọi bạn bè cứu trợ người gặp nạn trong miền Nam. Cụ thể như chị Nguyễn Thị Hồng, hiện đang sinh sống ở Quảng Ninh đã lập nhóm quyên góp gần 20 triệu đồng giúp một gia đình có chồng mất do Covid, vợ và các thành viên khác dương tính ở TP.HCM. Hy vọng rằng từ “đóm lửa” nhỏ này sẽ thổi bùng tấm lòng thiện nguyện ở địa phương, nhiều tấm lòng hợp lại giúp bà con phương xa, đồng lòng là biện pháp giúp “hậu phương” và bà con nơi xa vượt qua đại dịch.
Tinh thần… chiến thắng đại dịch
Từ xã Các Sơn, chúng tôi tiếp tục ngược về điểm chốt cầu Đò Trạp tại xã Thanh Sơn (thị xã Nghi Sơn). Trời vẫn mưa lớn, trên đường đi, chúng tôi phải qua hai chốt kiểm dịch lẻ. Tại đây, các đồng chí thuộc lực lượng dân phòng trực chốt. Nhìn các đồng chí dầm trong mưa đóng mở chốt cho xe qua, chúng tôi cảm nhận được sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương sở tại trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh.
Có mặt tại điểm chốt Thanh Sơn, trời cũng vừa ngớt mưa. Trong căn lán tạm trống trước hở sau, kéo chiếc ghế ướt ngồi tạm, Đại úy CSGT Hồ Bá Trung chia sẻ: Đây là tuyến đường nối sang Nông Cống, giáp ranh với các xã Tượng Văn, Tượng Lĩnh. Người địa phương ở đây cũng có nhiều mối quan hệ bà con với bên kia, nên khi có dịch, bên Nông Cống bị phong tỏa, bà con bên đây cũng mớ rau mớ cá gửi sang cho anh em người thân bên đó. Nhưng chúng tôi yêu cầu không được gặp trao trực tiếp mà chỉ đưa hàng đến giữa cầu, để đó rồi trở về, khi về đến bên này thì gọi điện cho người bên kia sang lấy hàng. Đối với những trường hợp được phép lưu thông, chúng tôi yêu cầu xuất trình giấy tờ hợp lệ và thực hiện khai báo y tế 100%, nếu không đủ điều kiện, không đảm bảo an toàn dịch tễ chúng tôi kiên quyết không cho qua chốt.
Hiện tại ở chốt Thanh Sơn có 21 đồng chí thuộc các lực lượng liên nghành, bao gồm công an, y tế, dân quân, lực lượng thanh niên, đoàn thể. Tất cả anh chị em chia làm 3 ca và thay phiên nhau trực chốt 24/24. Cũng như điểm chốt các Sơn và các điểm chốt khác, sinh hoạt của các anh chị em ở đây cũng rất qua loa, tạm bợ.
Dù khó khăn, thiếu thốn là vậy, nhưng xác định được tầm quan trọng của nhiệm vụ ở các chốt kiểm soát, tinh thần các thành viên trong tổ trực vẫn rất lạc quan, kiên định, kiên quyết bám trụ tại chốt để thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo an toàn cộng đồng.
Đang nói chuyện với chúng tôi thì có một tốp vài ba người đi xe máy mang theo mấy túi hàng qua chốt, nhìn như là hàng tiếp tế sang bên kia cầu, anh Trung vội đứng lên ra hiệu cho bà con dừng lại, rồi hướng dẫn họ mang hàng ra vị trí để rồi quay về. Chỉ những hoạt động nhỏ như vậy thôi, nhưng nếu không kiểm soát tốt, nguy cơ lây nhiễm và bùng dịch sẽ rất cao.
Dưới mái lán tránh mưa, cô y tá đang làm nhiệm vụ trong ca trực chia sẻ: Mọi người ở đây dù khó khăn vất vả và đối mặt với nguy hiểm vì nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng ai cũng nêu cao tinh thần chống dịch và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Cố gắng làm sao dịch sẽ sớm lui để cuộc sống của bà con trở lại bình thường như trước là điều may mắn và mong mỏi nhất.
Để động viên tinh thần và đồng hành cùng anh em trên chốt, được biết lãnh đạo xã Thanh Sơn thường xuyên quan tâm sâu sát và cũng tham gia trực chốt cùng mọi người vào ca đêm. Có lẽ trong những lúc như thế này, những hành động, sự quan tâm, động viên nhau, cùng hoàn thành nhiệm vụ như thế là lời động viên cần thiết và ý nghĩa nhất trong lúc này.
Chúng tôi rời chốt trực cuối cùng trong lời động viên nhau cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ chống dịch trên mọi mặt trận, sẽ nỗ lực hết sức để sớm đưa cuộc sống của cả cộng đồng trở về trạng thái bình thường mới.
Và với tôi là hơn thế nữa, bởi là sau mỗi chuyến tác nghiệp như thế này, tôi càng nhận thức rõ ràng hơn tinh thần dân tộc, khí chất trượng nghĩa của Việt Nam tồn tại trong mỗi người con đất Việt. Được biết UBND thị xã Nghi Sơn và Công an Thị xã đã tăng cường lực lượng phòng chống dịch một cách khẩn trương nhất. Cứ mỗi khi đất nước gian lao, đồng bào gặp nạn thì tinh thần dân tộc lại được khơi lên, thức dậy, để rồi mỗi người một việc tốt, dốc tâm dốc sức cho nhiệm vụ được giao, với mục đích cuối cùng là khẳng định: Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch.
Lâm Ngọc – Văn Công
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/chuyen-ghi-o-chot-chan-hau-phuong-huong-tam-long-toi-mien-nam-a77646.html