Nên xem xét ưu tiên cho nhóm đối tượng thứ 7
Trao đổi với Người Đưa Tin, ĐBQH Phạm Văn Hoà (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho rằng đối với 6 nhóm đối tượng TP.Hà Nội dự định cấp giấy đi đường thời gian tới có thể bổ sung thêm đối tượng thứ 7 là những người đã được tiêm chủng vắc-xin 2 liều.
“Bởi, số lượng người tiêu 2 mũi chưa nhiều, nên theo tôi Hà Nội có thể nghiên cứu đối tượng thứ 7 là người đã tiêm 2 liều vắc-xin để được đi ra đường”, ĐBQH Phạm Văn Hoà nêu.
Trong khi đó theo ĐBQH Pham Văn Hoà, tiêm xong 2 mũi vắc-xin Covid-19 mà vẫn phải ngồi nhà, đi về phải cách ly thì rất lãng phí. “Theo tôi, những người đã được tiêm mũi 2 thì được ra đường, đi làm sản xuất kinh tế. Tuy nhiên, người tiêm đủ mũi cũng cần phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định phòng, chống dịch thực hiện 5K. Chứ không phải tiêm đủ rồi thì sẽ không có nguy cơ mắc. Vì thế, nếu người được tiêm mũi 2 ra đường thì cũng nên gương mẫu chấp hành theo quy định chung phòng, chống dịch của Hà Nội”.
Đồng quan điểm với ĐBQH Phạm Văn Hoà, ĐBQH Lê Thanh Vân (thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách) chỉ ra: “Những người đã tiêm vắc-xin đủ 2 mũi, đủ thời gian sinh ra kháng thể thì mức độ nhiễm và nếu nhiễm thì mức độ tử vong thấp. “Hộ chiếu vắc-xin” có thể đặt ra để người dân đi lại, nhưng phải có các biện pháp kiểm tra chặt chẽ như đo thân nhiệt, tuân thủ nguyên tắc 5K, vì những nhóm này không phải nhóm có nguy cơ quá cao”.
ĐBQH Lê Thanh Vân cũng nói thêm về vấn đề phân chia vùng phòng chống dịch: “Việc phân chia vùng nên phân chia theo cơ sở yếu tố dịch bệnh, không nên là phân chia theo địa giới hành chính. Việc lấy địa giới hành chính, địa lý hiện nay là chưa phù hợp. Cần rà soát bởi những tiêu chí cụ thể hơn như: ở khu vực nào đang tiềm ẩn, đang có người nhiễm, có những ca nhiễm ở mức độ nào để xác lập phân chia vùng. Đặc biệt, cần phân chia, khống chế ở mức độ hẹp từng gia đình, con phố để bóc tách dần. Từ đây, cũng giúp phát hiện những người có nguy cơ để điều trị, giảm quá tải cho đội ngũ y tế”.
Về vấn đề cấp giấy đi đường cho người dân, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng Chỉ thị 16 là giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét, nhưng vấn đề thủ tục giấy tờ đi đường lại khiến người dân tập trung lại ở các trạm kiểm soát, điều này có thể là tác nhân lây lan dịch bệnh. Vì thế, cần phải kiểm soát từ tổ dân phố để đảm bảo yếu tố phòng chống dịch.
Chuyên gia y tế nói gì?
Chia sẻ với Người Đưa Tin, TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng lợi ích thực sự của việc tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-1, đó chính là bảo vệ người được tiêm khỏi mắc bệnh nặng và phải nhập viện. Cho đến thời điểm này, vắc-xin được sử dụng tại Việt Nam đã được chứng minh trên thực địa khi chưa có trường hợp tiêm đủ 2 mũi nào bị bệnh nặng hay tử vong.
Mới đây, tại cuộc họp thông tin về các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 của Hà Nội, công an TP.Hà Nội cho biết sẽ cấp giấy đi đường cho 6 nhóm đối tượng. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nên thêm đối tượng tiêm đủ 2 mũi vắc-xin để đi đường. Có nên chăng xem xét việc tiêm đủ 2 mũi vắc-xin như 1 yếu tố quan trọng để cấp giấy đi đường. Tránh việc người được trang bị đủ "áo giáp" thì ở nhà, người chưa tiêm, hay chỉ tiêm 1 mũi thì được ra đường.
Trả lời vấn đề này, TS.BS Phạm Quang Thái cho rằng, chuyện tiêm đủ hai mũi vắc-xin không liên quan đến chuyện ưu tiên ra đường. “Bởi vì, người tiêm đủ hai mũi vắc-xin thì vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh, gây lây lan dịch. Chỉ khác một điều là người tiêm đủ hai mũi vắc-xin nếu bị nhiễm thì bệnh sẽ nhẹ hơn, nhanh khỏi hơn, ít nguy hiểm hơn cho cộng đồng. Chứ không phải tiêm rồi ung dung muốn đi đâu thì đi”.
TS.BS Phạm Quang Thái nhấn mạnh: “Không phải cứ tiêm đủ 1-2 mũi là coi như mình miễn nhiễm. Theo đó, những người tiêm thì nguy cơ nhiễm sẽ thấp hơn, nếu nhiễm thì khả năng trở thành bệnh nặng thấp hơn. Vì thế, người dân tuyệt đối không nên chủ quan”.
Cần tiếp tục siết chặt các quy định giãn cách xã hội
Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, không loại trừ khả năng người dân xuất hiện tâm lý chủ quan, muốn giải tỏa sau chuỗi ngày phải ở nhà. Vì thế, đây cũng là một nguy cơ, nếu người dân ở các vùng xanh và cam đổ ra đường đông, thì rất nguy hiểm. “TP.Hà Nội cần tiếp tục siết chặt các quy định giãn cách xã hội, đặc biệt là khu vực nguy cơ cao và rất cao. Ngoài việc xử lý người ra đường không cần thiết ở khu vực áp dụng Chỉ thị 16, những nơi còn lại cần có lực lượng nhắc nhở, kiểm soát, tránh tụ tập đông người”.
Theo TS.BS Phạm Quang Thái việc đi ra đường hay không ra đường phụ thuộc vào nguy cơ lây nhiễm của bản thân người ra đường và tính chất công việc của họ. Vì vậy, phải kiểm soát theo nguy cơ chứ không phải kiểm soát dựa vào tình trạng người đã được tiêm.
Ông nêu ví dụ: Ông A ở vùng xanh và đến vùng xanh khác thì không vấn đề gì. Nhưng khi ông A vào vùng đỏ thì tức là ông có nguy cơ, không thể nào ông A đi vào vùng đỏ rồi lại tung tăng đi tiếp, hoặc từ vùng đỏ tung tăng đi vùng xanh được.
“Vì vậy, vắc-xin được tiêm chỉ có ý nghĩa khi cả một vùng được tiêm. Chứ nếu vùng xanh đi vào vùng đỏ và ngược lại đang ở vùng đỏ đi vào vùng xanh gây lây nhiễm là không được, không có một "hộ chiếu vắc-xin" nào có ý nghĩa cả. Ngay cả các nước trên thế giới khi áp dụng "hộ chiếu vắc-xin", thậm chí tại Mỹ tiêm xong không cần đeo khẩu trang nhưng cuối cùng đều thất bại, người tiêm xong vẫn có nguy cơ nếu không tuân thủ đúng khuyến cáo.
Theo tôi, tiêm vắc-xin chỉ thực sự có ý nghĩa khi cả cộng đồng cùng được tiêm, tiêm xong vẫn phải giám sát lộ trình, trong điều kiện người dân Việt Nam chưa được bảo vệ toàn bộ thì những người tiêm vắc-xin vẫn chưa thể tự do được”, TS.BS Phạm Quang Thái cho hay.
Vì thế, dưới góc độ chuyên môn, TS.BS Phạm Quang Thái cho rằng không nên xem xét việc tiêm đủ 2 mũi vắc-xin như 1 yếu tố quan trọng để cấp giấy đi đường, khi vắc-xin chưa nhiều và nhiều người không thể tiêm được vì lý do sức khoẻ.
Ngoài ra, trước thắc mắc của một số người cho rằng việc chia vùng ở Hà Nội mới đây thì người ở vùng xanh đi làm ở vùng đỏ sẽ như thế nào? Liệu có khả năng lây nhiễm?
TS.BS Phạm Quang Thái cho biết, không bao giờ có một vùng đỏ toàn bộ và cũng không bao giờ có vùng xanh tuyệt đối, sẽ có vùng “xanh trong đỏ”.
"Tôi lấy ví dụ bản thân tôi công tác tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương – đơn vị thiết yếu trong phòng chống dịch, tiêm chủng và vắc-xin, tôi vẫn phải đi làm nhưng quận Hai Bà Trưng là vùng đỏ, nhà tôi ở vùng xanh nhưng tôi vẫn phải đi vào vùng đỏ để làm việc, cấp phát vắc-xin đi khắp nơi. Vấn đề là kiểm soát con người đó đi ra khỏi nhà và đến đúng điểm công tác, còn đi chỗ khác sẽ bị xử lý. Việc kiểm soát này phải là thường xuyên thì hoàn toàn đi được từ vùng xanh vào vùng đỏ và từ vùng đỏ đi ra vùng xanh.
Thay vì làm cực đoan cấm tuyệt đối thì để cho mọi người làm việc, nhưng cần có sự giám sát. Cơ quan, đơn vị của người được cho phép đi vào vùng đỏ làm việc cũng phải có cam kết lộ trình của nhân sự.
Tương tự, có nhà máy rất quan trọng đặt tại vùng đỏ thì cán bộ, công nhân viên vẫn phải vào vùng đỏ để làm việc. Chỉ có điều lưu ý có thể thực hiện “4 tại chỗ”, nếu không thể bố trí được thì vận dụng “2 điểm đến 1 cung đường”.
Muốn làm được như vậy thì các chốt kiểm soát cũng cần phải đồng bộ thông tin, tránh ùn tắc ở các chốt kiểm soát vì cứ ùn tắc là sẽ có nguy cơ lây nhiễm…
Tóm lại, giải pháp đơn lẻ cho chống dịch là không được, nhất là với chủng Delta này, phải là một bộ giải giáp trong đó có sự vào cuộc của chính quyền, ban ngành, các cơ quan doanh nghiệp và từng người dân thì mới có thể khống chế được dịch”, TS.BS Phạm Quang Thái bày tỏ.
Đã tiêm được 200.177 mũi 2 vắc-xin ngừa Covid-19
Thông tin từ sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 2/9, các đơn vị trực thuộc ngành Y tế Hà Nội đã triển khai tiêm được tổng cộng 2.180.814 mũi (trong đó có 1.980.637 mũi 1; 200.177 mũi 2). Như vậy, đến nay, đã có 35,68% số người dân trong độ tuổi tiêm chủng ở Hà Nội đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Thanh Lam - Hồng Bích
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/co-nen-cap-ho-chieu-vac-xin-cho-nguoi-tiem-du-2-mui-a77721.html