Với cùng một tên gọi bánh đúc, thì nguyên liệu chính của các món bánh đúc khác nhau vẫn chủ yếu là bột gạo pha chút bột năng để tạo độ sánh mịn, dai dẻo tuỳ vào tỉ lệ pha nguyên liệu. Mỗi vùng miền sẽ có hương vị đặc trưng và cách ăn khác nhau, nhưng sẽ đều là món ăn bình dân hợp khẩu vị của bao thực khách.
Bánh đúc nóng Hà Nội
Thu tới hay đông sang, thời tiết bắt đầu trở lạnh là khoảng thời gian thích hợp thể thướng thức bát bánh đúc nóng trong một quán ăn nhỏ nằm sâu trong ngõ phố cổ Hà Nội. Bánh đúc nóng được khuấy từ bột gạo tẻ và bột năng, tạo nên một hỗn hợp sánh mín, trắng ngần, đung trên bếp than hồng. Khi thưởng thức, bánh đúc được múc ra bát, thêm nhân thịt mộc nhĩ, hành phi, rau mùi thái nhỏ rồi chan nước mắm chua ngọt, một chút hạt tiêu đủ để làm dậy mùi vị thơm ngon kỳ lạ, đánh thức mọi giác quan của thực khách, tạo một hương vị ấm nóng, sì sụp vào chiều đông thì còn gì bằng.
Ngồi thưởng thức bát bánh đúc nóng giữa lòng thành phố khi mùa Đông về là thứ cảm nhận không bao giờ quên được của người con đất Kinh kỳ
Bánh đúc lạc của vùng quê đất Bắc
Nhớ hồi thơ bé, đàn trẻ con chỉ mong mẹ đi chợ về mua cho gói bánh đúc lạc chấm muối vừng, niềm háo hức đón nhận món quà quê bình dị, thân thương đến lạ.
Món bánh đúc lạc có một điểm đặc biệt là có thể kết hợp với nhiều loại nước chấm khác nhau như: muối vừng, mắm tôm, tương bần... tôi còn nhớ từng được ăn bánh đúc lạc chan nước riêu cua nóng ở một vùng quê Hải Dương, cảm giác thưởng thức vô cùng đặc biệt, rất đáng để trải nghiệm. Những miếng bánh đúc căng bóng, láng trắng mịn, loáng thoáng lạc và dừa được xếp gọn gàng trên đĩa hoặc mẹt nhỏ, sau đó ăn kèm với tương, đậm đà và dân dã vô cùng.
Sau này, bánh đúc lạc còn trở thành món ăn quen thuộc trong mâm cỗ chay của người Việt, sự kết hợp giữa bột gạo và lạc tạo cảm giác chắc bụng cho thực khách, nhưng cũng không hề ngấy. Món ăn quen thuộc nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ khéo léo của người nấu bánh, để tạo ra được mẻ bánh thật quánh, thật dẻo để các nguyên liệu hòa trộn vào nhau.
Bánh đúc tàu Hải Phòng
Thưởng thức một vòng ẩm thực Hải Phòng, bạn quen thuộc với bánh mì cay, bánh đa cua, bánh bèo... nhưng có lẽ không nhiều người từng thử qua món bánh đúc tàu ở đây. Bởi lẽ đây là món ăn hầu như chỉ người dân thành phố Cảng mới biết đến, vì thực tế ở Hải Phòng giờ cũng chỉ còn 2-3 quán bán món ăn đặc biệt này. Theo lời kể của cô chủ quán lâu năm, tên món ăn cũng phần nào thể hiện được nguồn gốc, có người phụ nữ Hải Phòng lấy chồng người gốc Hoa, sau đó đã học được công thức làm món bánh này và mang về Hải Phòng bán. Cứ thế, nghề làm bánh đúc tàu lại tiếp tục được truyền lại cho đến bây giờ.
Bánh đúc được đổ ra khay nhôm, đông lại thành tảng lớn, khi ăn được cô chủ xắn từng miếng nhỏ vừa ăn cho vào bát rồi thêm những nguyên liệu ăn kèm. Một bát bánh đúc tàu gồm có bánh đúc cắt nhỏ, thịt mỡ và tôm rán kỹ, đu đủ xắt hạt lựu, mộc nhĩ thái sợi, sau đó chan nước mắm giấm ớt chua ngọt, thêm vị cay tê đầu lưỡi, hoà quyện đậm đà. Miếng bánh đúc mướt mịn thêm gia vị tạo cảm giác trải nghiệm đặc biệt lạ. Nhất là vào cái tiết trời thu se se mà được cầm trong tay một bát bánh đúc tàu thì đúng là đã thưởng thức trọn vẹn thú ăn chơi của người dân đất Cảng.
Bánh đúc mặc miền Nam
Bánh đúc mặn miền Nam hay còn được gọi là bánh bột hấp cũng là hương vị được nhiều người Sài Gòn yêu thích. Điểm khác biệt trong nguyên liệu món bánh đúc nói chung là người Sài Gòn sử dụng bột gạo pha thêm chút khoai môn để tăng độ bùi béo cho món ăn. Bánh hấp chín mềm, được cắt thành từng miếng vuông nhỏ. Món ăn kèm đa dạng hương vị từ thịt băm, ruốc, hành phi... và chan cùng nước mắm.
Cách thưởng thức món bánh đúc mặn có nét tương đồng với món bánh đúc tàu Hải Phòng, nhưng nguyên liệu lại có phần giống món bánh đúc nóng Hà Nội. Sự hoà quyện của từng thành phần tạo nên một tổng thể hương vị đặc sắc. Bánh mềm dẻo, béo béo được cân bằng lại cùng chút mặn ngọt đan xen ăn ý.
Bánh đúc ngọt miền Tây
Có lẽ món bánh đúc khác biệt nhất trong các vùng miền là bánh đúc lá dứa miến Tây, bởi đây là món ăn có vị ngọt, thêm hương vị lá dứa (lá nếp) béo ngậy. Chiếc bánh xanh mướt màu lá dứa, kết cấu dai nhẹ, mềm mịn và có mùi hương thơm của lá dứa. Nước cốt dừa và lớp hạt mè rang thơm phức ăn cùng với bánh sẽ tạo nên một hương vị thơm ngon khó cưỡng.
Thưởng thức bánh đúc lá dứa cùng nước đường thốt lốt càng tăng thêm vị thơm ngọt đặc trưng của người miền Tây.
Bánh đúc nộm
Sự khác biệt của món bánh đúc nộm có lẽ chỉ ở cách thưởng thức món ăn, bởi món bánh đúc này được ăn kèm với ít nộm đu đủ xanh bào sợi. Sự thanh đạm của món bánh đúc kết hợp món nộm tươi mát, tạo nên món ăn giải nhiệt mùa hè khá được yêu thích của các bà, các mẹ khi đi chợ.
Cũng có vùng miền thưởng thức món bánh đúc nộm theo cách rất đặc biệt khác. Miếng bánh đúc bóng mịn thành sợi dài mỏng, đặt vào bát cùng giá chần, rồi chan thêm thứ nước trắng sữa, béo ngậy được nấu từ lạc vừng xay nhuyễn. Bát bánh đúc nộm thanh mát hơn cũng bởi rau thơm ăn kèm như ngổ, kinh giới, tía tô, hoa chuối hay thân chuối non thái mỏng...Bánh đúc nộm không phải món ăn cầu kỳ, nhưng là món nấu kỳ công.
Ngọc Linh
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/muon-kieu-thuong-thuc-mon-banh-duc-tren-khap-cac-vung-mien-a77736.html