Tôi đã xem phóng sự đặc biệt của VTV - “Ranh giới” trên VTV1 tối 8/9 và xem lại trên Youtube, đã đọc những bình luận của cộng đồng mạng. Có lẽ đã rất lâu rồi mới lại được xem những thước phim tài liệu chân thực đến làm ta có cảm giác nghẹt thở như vậy.
Chỉ với 50 phút, “Ranh giới” đã ghi lại cuộc chiến thầm lặng suốt ngày đêm của đội ngũ y bác sĩ khu K1 bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM trên lằn ranh giới giành giật sự sống cho những thai phụ nhiễm Covid-19. Khung cảnh gấp gáp, hối hả của bệnh viện, các y bác sĩ, hộ lý, điều dưỡng, kỹ thuật viên làm việc liên tục không ngừng nghỉ xen với những tiếng chuông điện thoại réo liên hồi, tiếng gọi cấp cứu, gọi ô xy, lọc máu… có lẽ là những hình ảnh mà rất nhiều người trong chúng ta lần đầu tiên chứng kiến dù đã nghe , đã đọc rất nhiều trên các phương tiện báo chí, truyền thông.
Thực sự thấy cảm động và cảm phục những chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch. Cũng thực sự thấy mình may mắn và hạnh phúc khi vẫn có thể hít thở bầu không khí của đất trời cho dù có chút bụi băm, ô nhiễm hơn là những bệnh nhân đang phải vật vã trong từng hơi thở với những trái bóng, những bình ô-xy trong các bệnh viện kia.
“Mở mắt ra này chị, hết ô-xy thì la lên nghe”, Hít vào đi, em thở cho em là em thở cho bé nữa đó, mẹ sống là bé sống nha”, “ Giờ là 1h đêm rồi đó, tụi chị có ai được ngồi không, vẫn đang phải năn nỉ em thở đó”, “Bây giờ em chỉ lo thở thôi, không nghĩ gì nữa hết”, “Ở đây không có ai bỏ em đâu”… là những lời an ủi, dỗ dành của các bác sĩ, điều dưỡng với các sản phụ mà ta nghe thấy bên các giường bệnh. Sự ân cần, kiên nhẫn của các chiến sĩ áo trắng phần nào khiến các bà mẹ bớt hoảng loạn trong phút sinh tử và cảm thấy an lòng khi không có người thân bên cạnh nhưng vẫn có những từ mẫu bên mình.
Có những phút giây cả bệnh viện hối hả, ồn ào khi báo động đỏ vang lên, tất cả các y bác sĩ của bệnh viện Hùng Vương đều dồn hết cho “chiến trường“ K1. Mọi cái đều phải huy động hết sức và nhanh chóng. Thiết bị máy móc, thuốc men, ô-xy, phòng mổ sẵn sàng cho ca cấp cứu. Bác sĩ, y tá, điều dưỡng làm việc bằng 200, 300% công suất nhưng vẫn có những ca bệnh họ phải bó tay vì diễn biến trở nặng quá nhanh của sản phụ khi mắc Covid. Hình ảnh căn phòng đang nhốn nháo bỗng lặng đi khi những y bác sĩ kín mít trong bộ đồ bảo hộ ngước cặp mắt trũng sâu vì thiếu ngủ, bất lực nhìn màn hình nơi hiển thị các chỉ số sinh tồn của người bệnh đang tụt về 0. Chỉ còn một đường thẳng chạy dài với những âm thanh lạnh lùng ghê rợn như lưỡi hái của tử thần vừa gõ xuống. Những hình ảnh và âm thanh mà họ phải chứng kiến hàng ngày quanh mình chứ không phải trong những bộ phim Hàn Quốc khiến chúng ta nhận ra ranh giới của sự sống và cái chết mong manh hơn bao giờ hết.
-“Không cứu được nó đau lắm, khi thấy một bệnh nhân như vậy nó đau từ trong tim… Bao nhiêu con người, mà vẫn không thể cứu được”.
Lời nghẹn ngào của một bác sĩ khiến ta thấy tim mình cũng đang bị bóp thắt lại đau đớn. Ở bệnh viện Hùng Vương kia cũng như bao bệnh viện dã chiến khác trên cả nước, hàng ngày còn có bao nỗi đau như thế? Nỗi đau của những người mẹ buộc phải bỏ con để duy trì hơi thở. Nỗi đau của những người chồng mất cả vợ, cả con mà không kịp một lần nhìn mặt. Nỗi đau của những đứa trẻ phải sinh ra khi chưa đủ ngày đủ tháng. Nỗi đau của những thai nhi chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã phải “chấm dứt thai kỳ”. Và đau hơn nữa là nỗi đau của những y bác sĩ ngày ngày phải chứng kiến tất cả những nỗi đau kia.
Không phải nỗi đau nào cũng làm người ta rơi nước mắt. Có những nỗi đau nước mắt rơi ngược vào tim. Có những nỗi đau khiến con người trở nên mạnh mẽ.
Nhưng “Ranh giới” đâu chỉ khiến tim ta bị bóp thắt vì đau đớn? “Ranh giới” còn mang đến cho ta cả những nụ cười. Nụ cười đẹp nhất “Ranh giới” là nụ cười của người mẹ trẻ qua lồng chụp thở ô-xy khi nhìn thấy con mình chào đời khỏe mạnh, bình an trong vòng tay những thiên thần áo trắng. Nụ cười ngập tràn hạnh phúc khi bác sĩ hỏi dự định đặt tên bé là gì? Có lẽ suốt những ngày chống chọi với Covid để giành sự sống cho cả mình và bé, người mẹ trẻ kia cũng chưa kịp nghĩ đến một cái tên. Nhưng có sao đâu, quan trọng là mẹ và em đều đã cùng vượt qua lằn “Ranh giới” mong manh kia để bình yên sống.
“Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy.” (Nguyễn Khải)
Quả thật, thông điệp mà nhà văn Nguyễn Khải gửi gắm trong tác phẩm “Mùa lạc” của ông từ hơn 60 năm trước vẫn mãi có ý nghĩa sâu sắc với mỗi chúng ta trong cuộc chiến chống Covid- 19 hôm nay. Hãy biết trân trọng hơn sự sống và những ngày mình được sống. Hãy trân quý hơn những người đã tiếp cho bạn sức mạnh để bước qua ranh giới sinh tử mong manh ấy. Hãy cảm ơn cuộc đời này khi bạn và tôi, chúng ta vẫn được bình yên dưới vòm trời xanh, mây trắng ngắm hoa nở vàng và nghe chim hót mỗi sớm mai.
Chưa đầy một giờ đồng hồ nhưng “Ranh giới” đã đưa người xem đến với đủ các cung bậc cảm xúc. Có rất nhiều bài học đạo đức đã được giao giảng trong sách vở, trong đời sống nhưng có bài học nào lại khiến người ta thấm thía đến vậy? “Hãy sống tử tế và mạnh mẽ!”. Chỉ thế thôi, “Ranh giới” cũng đã chạm tới bao trái tim và đánh thức biết bao khao khát sống tử tế, mạnh mẽ trong mỗi con người.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/ranh-gioi-khien-con-nguoi-ta-song-tu-te-va-manh-me-a77785.html