Tới đây, Hà Nội vẫn có thể phát hiện những chùm ca bệnh mới
Vài ngày gần đây, các ca bệnh mới được phát hiện, nhất là các ca cộng đồng trên địa bàn thành phố có chiều hướng giảm. PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, đánh giá Hà Nội đã thành công khi khống chế không để dịch bùng phát. Các chùm ca bệnh cũng đã được khoanh vùng trong diện hẹp.
PGS.TS Trần Đắc Phu.
PGS Phu cho rằng trước diễn biến tình hình dịch như hiện nay, rất khó để khống chế được triệt để 100% F0 ra khỏi cộng đồng hay đưa số ca mắc mỗi ngày về con số 0 được (zero COVID). Ổ dịch ở phường Việt Hưng là một ví dụ.
"Với dịch bệnh, Hà Nội xác định không thể nói trước được điều gì, vì thành phố vẫn còn nguy cơ. Vẫn còn F0 ngoài cộng đồng, do xét nghiệm 2-3 ngày/lần phát hiện ra. Chúng ta phải chung sống một cách chủ động, an toàn với COVID-19", Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong nói tại cuộc họp báo vài giờ trước khi Hà Nội nới lỏng giãn cách.
Không thể nói trong thời gian giãn cách đã hết hẳn ca bệnh tại cộng đồng. Hơn nữa, dù Hà Nội đã bố trí các chốt kiểm soát, cách ly tập trung những trường hợp đi từ nơi có dịch về nhưng cũng không thể bảo đảm kiểm soát hết 100%. Do đó, dịch bệnh vẫn có thể xảy ra. "Trong thời gian tới, thành phố vẫn có thể phát hiện những chùm ca bệnh mới" - PGS Phu nhận định.
Cẩn trọng cao độ, bảo vệ từng "vùng xanh" nhỏ nhất
Để giữ vững thành quả đã đạt được, khi Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, PGS Phu cho rằng càng phải cẩn trọng cao độ. Nếu chúng ta chủ quan, đặc biệt là không kiểm soát tốt người đi từ vùng dịch về, nguy cơ dịch sẽ tái diễn.
Hà Nội cần thực hiện xét nghiệm, tầm soát tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao để kiểm soát nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Các địa phương cần tiếp tục tập trung bảo vệ khu vực an toàn, tăng cường giám sát và tiến hành xét nghiệm toàn bộ người ho, sốt hay có biểu hiện triệu chứng nhiễm bệnh… Các đối tượng có nguy cơ cao như: Lái xe, người tham gia vào chuỗi cung ứng, người tiếp xúc nhiều… cần tiếp tục phải xét nghiệm.
"Nếu phát hiện ổ dịch cần truy vết mạnh, nhanh rồi tiến hành xét nghiệm và đánh giá nguy cơ, phong toả ở mức hẹp nhất, chặt nhất để không ảnh hưởng tới kinh tế, xã hội", PGS.TS Trần Đắc Phu đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch đối với Thủ đô trong thời gian tới.
Bảo vệ và giữ chặt "vùng xanh" từ phạm vi hẹp nhất (từng gia đình, từng ngõ, từng tổ dân phố...), PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng, mỗi ngành, mỗi cơ quan, doanh nghiệp cần phải xây dựng phương án rất cụ thể để bảo đảm an toàn, phòng chống dịch bùng phát.
Tiêm đủ 2 mũi vaccine + vaccine "ý thức" của người dân, tổ chức
Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội bày tỏ lo ngại người dân sau thời gian dài phải ở nhà giãn cách sẽ như chiếc "lò xo nén", khi nới lỏng dễ chủ quan, tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Trong khi kết quả chống dịch có bền vững hay không phụ thuộc vào ý thức chấp hành của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.
Đến nay, hơn 94% người trên 18 tuổi ở Hà Nội đã được tiêm 1 mũi vaccine, tuy nhiên, thành phố vẫn chưa thể về bình thường mới vì mũi 2 mới đạt tỷ lệ 12%, theo Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong.
Theo chuyên gia Trần Đắc Phu, mục tiêu sớm bao phủ mũi 2 cho người dân đủ điều kiện ở Hà Nội rất quan trọng, cần phải làm.
Nếu không tiêm chủng tốt, việc nới lỏng giãn cách không thể bền vững được. Ngoài ra, người dân phải thực hiện tốt "5K", vừa bảo vệ cho bản thân, gia đình vừa cắt đứt chuỗi lây nhiễm.
PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Mỗi người dân phải tự ý thức và phải tự cảnh giác cao độ với dịch bệnh. "Bên cạnh những người có ý thức tốt sẽ có những người có ý thức không tốt, lơ là, chủ quan với các biện pháp phòng dịch. Những người có ý thức không tốt khi trở thành F0 thì có thể lây ra cộng đồng", PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh nếu không kiểm soát được lại phải giãn cách lại từ đầu.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà một lần nữa đưa ra khuyến cáo người dân, kể cả những người đã tiêm vaccine, tiếp tục thực hiện thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc.
Khi có biểu hiện, triệu chứng nghi nhiễm bệnh, người dân cần chủ động khai báo y tế để được hướng dẫn xử lý kịp thời. Cùng với đó, khi phát hiện những hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch, cần báo ngay cho chính quyền địa phương để xử lý kịp thời, tránh lây lan trong cộng đồng.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/ha-noi-can-lam-gi-sau-noi-long-gian-cach-de-tranh-bung-dich-a77896.html