Nhịp sống của thành phố đang trở lại rõ rệt hơn kể từ khi Hà Nội chuyển trạng thái phòng, chống dịch theo Chỉ thị 15/CT-TTg, cho phép một số hoạt động, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn.
Những ngày qua, khi các hoạt động buôn bán, kinh doanh được mở cửa trở lại, phố phường cũng nhộn nhịp người và các phương tiện di chuyển, báo hiệu một trạng thái "bình thường mới" đang bắt đầu.
Tình hình dịch bệnh có rất nhiều chuyển biến tích cực nhưng đứng trước nguy cơ dịch khó lường và biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh…, Hà Nội nới lỏng các biện pháp, hoạt động một cách từ từ, bám sát tiêu chí "an toàn đến đâu, mở ra đến đó".
Và thực tế cho thấy những bước đi thận trọng này của thành phố là có cơ sở. Sau 5 ngày không có ca mắc ngoài cộng đồng, Hà Nội đã ghi nhận chùm ca bệnh liên quan đến Bệnh viện Việt Đức vào cuối tháng 9, đầu tháng 10.
Ngay sau đó, thành phố đã lập tức lấy trên 4.000 mẫu xét nghiệm đối với các nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân trong bệnh viện; thần tốc truy vết và thông báo cho các địa phương để phối hợp điều tra dịch tễ trường hợp liên quan để khoanh vùng, dập dịch.
Từ những thành công bước đầu trong việc kiểm soát dịch bệnh trong nhiều tháng ngày vừa qua, Hà Nội kỳ vọng đây sẽ là tiền đề để thành phố triển khai các quyết sách nhằm phục hồi kinh tế, quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép" và hoàn thành những mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra cho cả năm 2021.
Có thể thấy, dù thành phố đã trải qua đợt giãn cách xã hội dài nhất trong lịch sử thì bức tranh kinh tế của Hà Nội trong 8 tháng đầu năm vẫn có nhiều gam màu tươi sáng.
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn quý II tăng 6,61%, cao hơn quý I và cũng cao hơn mức trung bình của cả nước. Một số chỉ tiêu 8 tháng đầu năm tăng khá, như thu ngân sách đạt 164.483 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất công nghiệp tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 0,77% so với tháng 7...
Với những kết quả đạt được của thành phố trong 8 tháng đầu năm 2021, lãnh đạo thành phố khẳng định, đây là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể người dân thủ đô, sự quan tâm phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương với Hà Nội… trong suốt quãng thời gian vừa qua.
"Làn sóng" dịch Covid-19 thứ 4 manh nha xuất hiện trên địa bàn thủ đô từ ngày 29/4. Ở thời điểm này, thành phố ghi nhận ca mắc Covid-19 là nam bệnh nhân sinh năm 1993 ở huyện Đông Anh. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, trong gần 3 tháng (29/4-23/7), Hà Nội ghi nhận 659 ca mắc Covid-19 mới.
Đêm muộn 23/7, Hà Nội "ấn định" thời gian chính thức bước vào "cuộc chiến" phòng, chống dịch mới khi quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg từ 6h sáng 24/7.
Trong vòng 14 ngày tiếp theo, dù đã thực hiện nghiêm giãn cách xã hội nhưng số ca mắc mới mà thành phố ghi nhận đã lên tới 973 ca. Trước đó, từ giữa tháng 7, số ca mắc liên tục gia tăng, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh phức tạp tại cơ sở khám chữa bệnh, nhà máy trong khu công nghiệp, chợ, khu dân cư… khiến nguy cơ bùng phát dịch càng hiện hữu.
Nhắc lại quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, đây là động thái kịp thời, đúng thời điểm và điều này giúp Hà Nội có thời gian để bình tĩnh xử lý mọi tình huống...
Động thái chống dịch "quyết liệt" này của Hà Nội là đòi hỏi tất yếu để phòng, chống dịch, bảo vệ an toàn tính mạng người dân và ít gây xáo trộn nhất tới đời sống.
Bởi lẽ, trước khi thực hiện giãn cách xã hội lần này, thành phố đã áp dụng các "biện pháp tiệm cận", hạn chế, dừng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu.
Tưởng chừng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là của người dân, của các doanh nghiệp và các đơn vị từ Trung ương đến thành phố đã đồng tình, ủng hộ thì sau 14 ngày giãn cách, dịch bệnh sẽ được kiểm soát hoàn toàn.
Tuy nhiên, do biến chủng Delta đã lan khắp các quận, huyện trên địa bàn nên Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội để đảm bảo được thành quả chống dịch đã có được.
Theo số liệu thống kê, ở đợt giãn cách thứ nhất, Hà Nội ghi nhận 1.068 ca mắc, trong đó số ca mắc tại cộng đồng là 523 (trung bình 35 ca/ngày).
Ở đợt giãn cách thứ 2, thành phố ghi nhận 853 ca mắc, trong đó số ca mắc tại cộng đồng là 256 (trung bình 17,06 ca/ngày). Ở đợt thứ 3, dù ghi nhận 996 ca mắc nhưng số ca mắc tại cộng đồng chỉ có 84 trường hợp (trung bình 6 ca/ngày).
Đặc biệt, ở đợt giãn cách thứ 4, Hà Nội ghi nhận 353 ca mắc trong đó chỉ có 32 ca tại cộng đồng (trung bình 2,7 ca/ngày); giảm sâu ca mắc trong cộng đồng so với các đợt giãn cách trước đó.
Trong khi đó, sau 4 đợt giãn cách xã hội, Hà Nội đã kích hoạt và vận hành cơ chế có 10 nghìn F0 nhưng đã có 14,6 nghìn giường bệnh để thu dung, điều trị thể nhẹ (tầng 1). Còn ở tầng 2, tầng 3 đã kích hoạt 2 nghìn giường.
Hà Nội cũng cho sửa chữa, nâng cấp hệ thống oxy của tất cả các bệnh viện thành phố, đảm bảo đáp ứng yêu cầu điều trị cho 40 nghìn người bệnh; nâng cấp hệ thống y tế tuyến cơ sở; kích hoạt đội ngũ bác sỹ tình nguyện với hơn 1.000 người tham gia mạng lưới Thầy thuốc đồng hành.
Về cơ sở cách ly, Hà Nội đang chuẩn bị ở mức 118 nghìn chỗ để cách ly F1; đã có quyết định thành lập, vận hành trên 40 nghìn chỗ; giao các quận, huyện, thị xã (trừ 4 quận nội đô) phải chủ động xây dựng các khu cách ly tập trung với công suất từ 1-5 nghìn chỗ…
Những con số nêu trên là minh chứng cho lời nói của Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, rằng việc tiếp tục giãn cách là cần thiết để Hà Nội củng cố, nâng cao năng lực của ngành y tế, giữ thế chủ động trên tất cả các mặt trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Để giữ vững thành quả đã đạt được, Hà Nội đã đi từng bước chắc chắn để thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế.
Và, song song với các biện pháp đồng bộ, toàn diện, Hà Nội cho biết sẽ có 3 biện pháp trọng tâm để tập trung thực hiện nhưng vẫn bảo đảm nhất quán một nguyên tắc, đó là coi bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết.
Sáng 9/9, Hà Nội "phát pháo hiệu" mở màn chiến dịch tiêm chủng chưa từng có trong tiền lệ. Ở thời gian này, Hà Nội đang đối mặt với những thách thức rất lớn. Tình hình dịch bệnh leo thang; số F0 ghi nhận mới trong ngày ở ngưỡng 40 - 50 ca; xuất hiện nhiều ổ dịch phức tạp, đặc biệt là ổ dịch tại phường Thanh Xuân Trung.
Các biện pháp khoanh vùng, truy vết khó đuổi kịp tốc độ lây lan chóng mặt của chủng virus Delta. Cùng với đó, thủ đô đã phải bước sang đợt giãn cách xã hội lần thứ 4, việc sớm khôi phục trở lại các hoạt động kinh tế xã hội là rất cấp thiết.
"Thế khó" này đặt ra cho Hà Nội phải có một biện pháp mang tính đột phá để có thể "lật ngược thế cờ" trong cuộc chiến với Covid-19 và nhiều chuyên gia có chung quan điểm về sự cần thiết phải bao phủ vaccine nhanh chóng cho người dân thủ đô.
GS.TS Nguyễn Anh Trí, Anh hùng Lao động, Đại biểu Quốc hội khóa XV, chỉ rõ 3 nguyên nhân chính về sự cần thiết đẩy mạnh tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Hà Nội:
- Thủ đô Hà Nội là nơi có dân số xấp xỉ 10 triệu người, mật độ dân số rất cao nên chỉ dùng biện pháp 5K và thực hiện chỉ thị 16 thì chắc khó mà giữ được việc tránh bùng phát dịch.
- Hà Nội là thành phố có nguồn lực dù lớn nhưng thời gian qua đã vừa chống dịch cho chính mình, vừa chi viện cho các tỉnh thành khác, nên chắc chắn nguồn lực đã có phần bị vơi bớt (đội ngũ cán bộ y tế, thuốc men, máy móc, gạo, tiền…).
- Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước. Vậy, giữ để không bùng phát nặng dịch Covid-19 ở Hà Nội chính là giữ cho cả nước, là cách đảm bảo sự chi viện chống dịch tốt nhất cho TPHCM và các tỉnh thành khác.
Riêng PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội nhận định, mục tiêu trước mắt của Hà Nội không phải là loại bỏ hoàn toàn dịch bệnh, mà là giảm thấp nhất tỷ lệ tử vong, tỷ lệ bệnh nhân nặng phải nhập viện để ngành y tế không bị quá tải.
Theo ông, điều quan trọng nhất là tập trung toàn bộ nguồn vaccine có thể có cho đối tượng nguy cơ tử vong cao như người cao tuổi, người có bệnh nền. Bởi trong trường hợp dịch bùng phát mạnh, nhóm bệnh nhân cao tuổi, bệnh nền sẽ dễ diễn tiến nặng nhất.
Thực tế cho thấy, ngay sau khi tiếp nhận gần 2 triệu liều vaccine, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã lập tức phân phối ngay cho 30 quận, huyện, thị xã để triển khai chiến dịch tiêm chủng diện rộng.
Với sự chi viện nhân lực lên tới gần 4.000 nhân viên y tế từ 12 tỉnh thành, Hà Nội đã nâng lực lượng tiêm chủng lên 1.600 dây chuyền, góp phần làm lên chiến dịch phủ vaccine lớn và nhanh nhất trong lịch sử chống dịch.
Tính đến giữa tháng 9, thành phố đã tiêm được 93% số người theo kế hoạch đề ra. Hơn 6% còn lại là những người nằm trong đối tượng chống chỉ định, người già có bệnh nền sức khỏe yếu, không đủ điều kiện tiêm chủng.
Có thể khẳng định, "chiến dịch kép" theo kế hoạch số 206/KH-UBND về việc xét nghiệm diện rộng, tiêm chủng vaccine đã tạo ra bước ngoặt trong cuộc chiến chống dịch của thủ đô. Trong một tuần thần tốc thực chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử, Hà Nội đã tiêm được hơn 2 triệu mũi vaccine (gần bằng 6 tháng trước đó cộng lại). Điều này giúp thành phố lật ngược thế cờ, chuyển sang việc nới lỏng giãn cách.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/hon-70-ngay-dem-ha-noi-chong-giac-covid-19-a78001.html