Theo PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó trưởng ban điều hành chương trình Tiêm chủng mở rộng, từ đầu tháng 11/2021, chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi chính thức triển khai trên toàn quốc.
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã phê duyệt 2 loại vắc xin để tiêm cho trẻ, gồm Pfizer và Moderna. Tuy nhiên, do vấn đề về nguồn cung, các tỉnh thành được cấp 1 loại vắc xin để tiêm trong đợt này là Pfizer.
PGS Hồng thông tin, vắc xin Pfizer sử dụng cho trẻ em có liều lượng giống của người lớn, cũng tiêm theo đường bắp tay.
Ngoài ra, các đội tiêm chủng cần chú ý đến triệu chứng tâm lý dây chuyền khi tiêm (phản ứng lo sợ khi tiêm) cho trẻ với các triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, nôn, buồn nôn, tê tay chân… và lây lan ra hàng loạt. Nếu có những biểu hiện trên, cần xử lý cho trẻ ở phòng riêng, trấn an và giải thích cho các trẻ còn lại.
Chia sẻ thêm về phản ứng tâm lý dây chuyền, Bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) - cho biết, ngất dây chuyền là một phản ứng tâm lý tương đối phổ biến ở trẻ em. Khi 1 trẻ có biểu hiện bất thường thay đổi về mặt tâm lý như biểu hiện hốt hoảng, sợ sệt, lo lắng, thở nhanh tạo phản ứng trong cơ thể gây ngất thì những trẻ khác sẽ có biểu hiện tương ứng theo.
Để giải quyết vấn đề này, các nhà chuyên môn, tiêm chủng phối hợp với các chuyên gia tâm lý khi tiêm cho trẻ nên theo dõi ở một điểm tương đối tách biệt so với trẻ chưa tiêm, ngăn cách với nhau và với số lượng vừa phải, thường có phụ huynh hoặc giáo viên để tạo tâm lý tốt cho các cháu.
Các địa phương đang lên kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em.
Tham khảo tài liệu từ Tổ chức thế giới (WHO) cũng như ghi nhận từ nhà sản xuất và một số nước đã, đang triển khai tiêm chủng cho thấy, các phản ứng có thể gặp ở trẻ tương tự người lớn. Cụ thể:
Phản ứng rất phổ biến là đau đầu, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, sưng đỏ tại vị trí tiêm. Lưu ý, ở mũi thứ hai sau khi tiêm, trẻ thường có phản ứng nhiều hơn mũi thứ nhất.
Một số phản ứng thường gặp khác (tỷ lệ từ 1/100 đến dưới 1/10 trường hợp) là buồn nôn, mẩn đỏ tại chỗ tiêm.
Các phản ứng không phổ biến (từ 1/1.000 đến dưới 1/100 trường hợp): mất ngủ, đau tứ chi, ngứa chỗ tiêm, nổi hạch.
Tỷ lệ rất hiếm gặp (tỷ lệ 1/10.000 đến dưới 1/1.000 trường hợp) là liệt mặt ngoại biên cấp tính.
Một biến chứng khác cũng rất hiếm gặp, đã được ghi nhận tại 1 số quốc gia là viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim.
Biểu hiện của viêm cơ tim như mệt, đánh trống ngực, vã mồ hôi, biểu hiện của suy tim, chức năng tim giảm, rối loạn chức năng tim. Đây là điểm khác biệt rõ rệt khi tiêm chủng ở trẻ em và người lớn. Người lớn thì lưu ý biến chứng liên quan đến rối loạn đông máu, ở não… còn trẻ em quan tâm tới viêm cơ tim.
PGS Hồng nhấn mạnh, sau tiêm, trẻ sẽ được theo dõi tại điểm tiêm chủng 30 phút, tiếp tục theo dõi 28 ngày tại gia đình (đặc biệt là 7 ngày đầu sau tiêm). Trong 3 ngày đầu, trẻ phải có gia đình, bố mẹ và người giám hộ luôn bên cạnh để hỗ trợ, theo dõi tình hình sức khỏe. Phụ huynh cần yêu cầu con tránh vận động mạnh, hoạt động thể thao quá mức ít nhất 3 ngày sau tiêm. “Sau tiêm, các cháu hoạt động mạnh sẽ tăng thêm áp lực cho tim, biểu hiện viêm cơ tim có thể trở nên trầm trọng hơn nếu không may gặp phản ứng phụ này. Theo các số liệu thống kê tới nay, viêm cơ tim xảy ra nhiều hơn ở mũi thứ 2 và xảy ra ở trẻ trai nhiều hơn trẻ gái”, PGS Hồng đưa ra lưu ý. Phụ huynh cũng nên cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu, vận động nhẹ nhàng, tránh nằm 1 chỗ. Khi có biểu hiện bất thường như mệt, vã mồ hôi, tay chân lạnh… thì kịp thời đưa tới bệnh viện ngay. Trong trường hợp trẻ đau nhức người, bác sĩ hướng dẫn phụ huynh cần trấn an trẻ, kết hợp xoa bóp, động viên, cho trẻ uống nhiều nước, uống thêm nước cam để tăng đề kháng. Nếu tình trạng đau mỏi nhiều, có thể cho uống thuốc giảm đau, liều thấp và theo khuyến cáo của bác sĩ. |
Ngọc Anh (T/H)
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/nhung-phan-ung-tre-co-the-gap-sau-khi-tiem-vaccine-covid-10-ma-gia-dinh-can-luu-y-a78142.html