Nội dung công văn nêu rõ: Để tổ chức công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt công tác xét nghiệm COVID-19 trong tình hình mới.
Thanh Hóa thực hiện xét nghiệm tầm soát nhằm kiểm soát tốt dịch Covid-19
Theo đó, ngoài việc xét nghiệm phục vụ công tác giám sát dịch tễ, cách ly, điều trị, các hoạt động xét nghiệm phải được thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ, bao gồm xét nghiệm các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở...; xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ do cơ quan y tế thực hiện tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chợ đầu mối, bến xe, siêu thị...; đối với các nhóm nguy cơ như lái xe, người chạy xe mô tô chở khách, người giao hàng hóa, các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, công sở.
Việc thực hiện xét nghiệm để xử lý ổ dịch sẽ tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ, tình hình dịch bệnh và mức độ của ổ dịch, UBND các cấp xem xét quyết định đối tượng, địa bàn xét nghiệm cho phù hợp. Tăng cường thực hiện xét nghiệm theo phương pháp gộp mẫu hoặc test nhanh trong trường hợp xét nghiệm tầm soát, sàng lọc, định kỳ, đảm bảo chính xác và tiết kiệm chi phí.
Việc tổ chức xét nghiệm phải thực hiện chủ động theo kế hoạch đã được xây dựng từ trước và theo chỉ định của cơ quan y tế địa phương, đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng; sử dụng phương pháp xét nghiệm test nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm RT-PCR kết hợp với việc gộp mẫu phù hợp với từng nhóm đối tượng nguy cơ. Xét nghiệm gộp mẫu (kể cả test nhanh kháng nguyên và RT-PCR) đối với các đối tượng cùng nhóm có nguy cơ thấp. Các đối tượng nguy cơ cao như F1 và người trong khu vực phong tỏa nên được xét nghiệm từng mẫu đơn riêng lẻ.
Không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng cách ly y tế (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ khi đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3. Đối với người tiêm đủ liều vắc xin và người đã khỏi bệnh, chỉ xét nghiệm trong các trường hợp: Khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; khi phải cách ly y tế hoặc theo dõi y tế; đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng phong tỏa.
Về xét nghiệm sàng lọc định kỳ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh: Yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí để thực hiện xét nghiệm sàng lọc định kỳ cho người lao động tại đơn vị theo Công văn số 8228/BYT-MT ngày 30-9-2020 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, đảm bảo các yêu cầu về tần suất và đối tượng xét nghiệm. Trường hợp dương tính với SARSCoV-2 thì phải báo cáo ngay sau khi có kết quả xét nghiệm và xử lý theo quy định.
Đối với các trường hợp là F0 và các đối tượng nguy cơ cao như F1 và người trong khu vực phong tỏa và các đối tượng đặc biệt khác thực hiện xét nghiệm theo chỉ định của cơ quan y tế dự phòng cấp tỉnh, cấp huyện dựa trên kết quả điều tra dịch tễ và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác xét nghiệm tầm soát chủ động và xét nghiệm điều tra dịch tễ theo kế hoạch được sử dụng từ nguồn kinh phí nhà nước theo phân cấp và huy động các nguồn lực xã hội hợp pháp, theo phương châm “4 tại chỗ”.
Lâm Ngọc
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/thanh-hoa-xet-nghiem-tam-soat-ngau-nhien-nham-kiem-soat-hieu-qua-dich-covid-19-a78165.html