Bí quyết chơi với trẻ sơ sinh để kích thích trẻ phát triển trong năm đầu đời

Đối với trẻ sơ sinh, các em sẽ có tốc độ nhận biết rất nhanh do hệ thần kinh có tốc độ phát triển vượt bậc trong giai đoạn này. Vì vậy mà bố mẹ cần hiểu và biết cách chơi với trẻ sơ sinh để kích thích các cơ quan của bé phản xạ tốt và nhanh nhạy.

Cách chơi với trẻ sơ sinh từ 0 – 3 tháng tuổi

Bé từ 0 đến 3 tháng tuổi sẽ có thời gian ngủ nhiều trong ngày. Thế nhưng không vì vậy mà các mẹ chỉ lo chăm chút cho con bú rồi ngủ, mà cũng nên quan tâm đến việc tương tác, vui chơi với con.

Trong giai đoạn này, sự phát triển của bé tập trung ở các giác quan như tai, mắt, mũi, miệng và tay. Do đó, các tiếp xúc da kề da với bé là cực kỳ nhạy cảm. Thông qua các tiếp xúc, bé sẽ cảm nhận được sự thân thuộc và gần gũi, cũng như ngửi được mùi hương thân quen của ba mẹ.

Vì vậy, chúng ta có thể chơi với trẻ sơ sinh bằng cách duỗi tay, duỗi chân cho bé một cách nhẹ nhàng, thường xuyên trò chuyện với con để con dần quen với tiếng nói của ba mẹ. Ngoài ra, chúng ta có thể cho trẻ nghe nhạc để kích thích thích giác của trẻ được nhạy bén hơn.

cach choi voi tre so sinh

Chúng ta có thể mát xa cho con hoặc đưa trẻ đến các trung tâm “spa cho trẻ sơ sinh” để thực hiện các động tác vận động nhẹ và phù hợp với các con. Mẹ cũng nên lưu ý, chúng ta chỉ nên có những hoạt động nhẹ nhàng và thực hiện một cách tự nhiên nhất để trẻ dần quen với cuộc sống thật bên ngoài bụng mẹ.

Cách chơi với trẻ từ 3 – 6 tháng tuổi

Đây là giai đoạn trẻ sẽ ngủ ít hơn và có thời gian thức nhiều hơn. Do vậy, mà trong thời gian con thức, chúng ta nên có nhiều hoạt động vừa giúp con chơi mà cũng vừa giúp con phát triển.

Đây là giai đoạn bé đã có phần nhanh nhẹn và linh hoạt hơn, bé biết cười, cáu giận, biết dùng bàn tay để nắm đồ vật và đưa vào miệng, một số bé còn có thể có khả năng tập nói bập bẹ đôi ba từ. Ngoài việc chơi với con bằng cách trò chuyện, mẹ có thể chuẩn bị thêm nhiều món đồ chơi khác như ti ngậm nhiều màu, các con vật bằng bông để tập cho bé cầm nắm và có sự phát triển về xúc giác.

Bên cạnh đó, đây có thể nói là giai đoạn chuyển tiếp cho bước phát triển quan trọng tiếp theo là bò, trườn và tập đi. Do đó, ngay từ khi bé 3 tháng đến 6 tháng, bố mẹ đã có thể dần hỗ trợ con thực hiện các động tác phát triển cơ, xương như xoay, lật trong khi nằm, và tập cho bé ngồi thẳng người khi đang được bế. Đây sẽ là những bài tập hỗ trợ cho bé khi bé tự biết ngồi và đi ở những tháng sau đó.

Cách chơi với trẻ từ 6 tháng trở lên

Đây sẽ là giai đoạn mà chúng ta nhận thấy được sự phát triển vượt bậc ở trẻ. Trẻ sẽ bập bẹ và dần nói được những câu dài và có nghĩa. Trẻ có thể tự ngồi vững chắc rồi đứng dậy và bước đi trên đôi chân của mình. Chắc hẳn ba mẹ sẽ rất tự hào khi chứng kiến con có những cột mốc phát triển đáng nhớ trong giai đoạn này!

Vậy khi con từ 6 tháng trở lên thì chúng ta nên có những trò chơi và hoạt động nào dành cho trẻ? Mẹ có thể hát, đọc thơ, đọc truyện cho con nghe. Ở tuổi này, chúng ta đã có thể dần cho bé tiếp xúc với những bộ đồ chơi trí tuệ như các khối màu, khối hình học, mô hình chữ và các con số.

Thoạt đầu bé sẽ chưa có khả năng hiểu được tất cả những khối kiến thức “hàn lâm” ấy, mà đơn thuần chúng chỉ biết cầm nắm và xem như những món đồ chơi thú vị. Tuy nhiên, việc cho bé tiếp xúc sớm với các món đồ chơi trí tuệ sẽ giúp cho những điều đó dần đi vào tiềm thức và tạo thành dòng tư duy có logic có cho trẻ.

cách chơi với trẻ sơ sinh

Đặc biệt, ở tuổi này chúng ta có thể cho trẻ nghe, học, và tiếp xúc với một ngôn ngữ thứ hai. Vì đây là giai đoạn mà trẻ có thể nhận thức tốt về sự việc và cuộc sống xung quanh. Các mẹ có thể cho con nghe, đọc, nói ngôn ngữ khác, con có thể bắt chước và tiếp thu rất nhanh đấy!

Mẹ đừng nghĩ rằng trẻ sơ sinh còn quá non nớt để tham gia vào các trò chơi. Trên thực tế, việc chọn trò chơi thích hợp với bé và khuyến khích con tham gia sẽ mang lại rất nhiều lợi ích. Thông qua các trò chơi cho trẻ sơ sinh, bé sẽ vận động tất cả các giác quan, cơ bắp và từ đó mau cứng cáp để tiến đến các mốc phát triển thể chất và tinh thần đang vẫy gọi phía trước.

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/bi-quyet-choi-voi-tre-so-sinh-de-kich-thich-tre-phat-trien-trong-nam-dau-doi-a78189.html