Cho bạn vay tiền rồi khó đòi đã là bi kịch nhưng vì thương bạn và đi vay tiền giúp bạn như trường hợp của chị Bích Ngọc (ngụ tại Thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) lại khá đặc biệt. Chính do việc vay tiền để giúp bạn nên chị đã phải chấp nhận đánh đổi cả hạnh phúc gia đình.
Lợi dụng vay tiền rồi trở mặt
Cách đây hơn 3 năm, chị Thanh và chị Ngọc là hai người bạn rất thân. Chị Thanh biết rõ chị Ngọc rất dễ tin và có lòng thương người. Lợi dụng chị Thanh đã lên kế hoạch nhằm lừa chị Ngọc với số tiền 250.000.000 VND khi nói dối là chồng mình đang mắc phải căn bệnh hiểm nghèo cần số tiền lớn chữa trị mới qua khỏi. Những lời than khóc đầy đau thương giả dối đã làm chị Ngọc rủ lòng thương
Khi nghe chuyện chồng bạn đang gặp bệnh, phải đánh đổi cả sự sống, không cần bàn với chồng, chị Ngọc đã lặng lẽ đi vay lãi nặng số tiền 250.000.000 (hai trăm năm mươi triệu) đồng để giúp chị Thanh cùng lãi suất 5 tháng đầu phải gánh cho bạn.
Nhưng khi vay tiền cho bạn xong, chị Ngọc lặng người khi biết rằng chồng chị Thanh chỉ bị xơ gan nhẹ, không phải nằm viện như chị Thanh than thở. Và cũng chính trong thời gian này, vợ chồng chị Thanh đã về Rạch Giá và dùng số tiền này mua một căn nhà khác để sinh sống.
Biết sự thật, chị Ngọc đã gọi điện rất nhiều lần cho chị Thanh để hỏi lại số tiền và yêu cầu chị Thanh phải trả lại cho mình. Vì là bạn bè thân nên chị Ngọc cũng không lường trước được sự việc cay đắng này và cũng không làm giấy vay nợ. Dựa vào điểm yếu này nên chị Thanh đã nhất quyết không chịu trả, không nghe máy và còn bảo chị Ngọc là một người ngu.
Thương bạn, vay tiền giúp bạn đã đưa nhiều người vào tình cảnh dở khóc, dở cười trong đó có chị Ngọc (Ảnh minh họa)
Gia đình tan nát
Vì số nợ này nên chị Ngọc đã lâm cảnh nợ nần, gia đình xảy ra mâu thuẫn, cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc như trước nữa. Vợ chồng chị đành ly thân từ giữa năm 2019. Chị Ngọc đã phải bán từng món nữ trang của mình để đóng lãi nợ cho số tiền đã giúp chị Thanh.
Từ người cho vay trở thành con nợ, chị Ngọc đã phải nhận bài học cay đắng khi bị chính người bạn thân của mình lừa dối, đẩy vào cảnh “màn trời chiếu đất”.
Từ khi ly thân, chị Ngọc chỉ biết làm lụng ngày đêm, bán nhiều mặt hàng từ gia dụng đến các loại thực phẩm, cá thịt, rau quả gom góp để trả hết nợ. Nợ chồng nợ, chị Ngọc còn phải cắn răng bán đi những món trang sức của mình mới đủ tiền góp lãi để trả nợ từng tháng.
Tình cảm vợ chồng cứ thế nhạt dần. Vì không thông cảm nên chồng chị Ngọc nhất quyết đòi ly hôn. Cuộc sống của chị Ngọc bây giờ rất khó khăn khi phải vất vả nuôi con, trả nợ cho bạn.
Vợ chồng chị Ngọc có 3 người con gái, đứa lớn đang học lớp 10, đứa lớp 7, đứa út đang học lớp 5 và giờ tất cả đều ở với chị Ngọc. Những tháng đầu chồng chị còn phụ cấp cho con nhưng cả hơn năm nay người chồng ấy đã biệt tăm theo tình mới. Thỉnh thoảng tạt qua nhà lấy cớ thăm con là anh ta lại chửi mắng và đập phá đồ đạc của chị.
Mới đây, ngày 26/10/2021 hai vợ chồng lại xảy ra tranh cãi vì tiền bạc, trong lúc nóng giận người chồng cầm búa đập hư chiếc xe máy hiệu Honda của chị. Đó là phương tiện mưu sinh của chị trong thời gian khốn khó này. Chị đã trình báo công an sở tại, vụ việc đã được công an lập biên bản, tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
Thế nhưng, người chồng ấy vẫn không buông tha chị Ngọc. Ngày đêm gọi điện mắng chửi, thậm chí hăm doạ đòi giết luôn cả chị. Đây là bài học rất đắt giá cho chị Ngọc và là bài học kinh nghiệm cho nhiều người.
Cần lưu ý khi cho vay tài sản
Theo Luật sư Vũ Văn Lợi, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hoà Lợi, giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự (Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Cho vay tài sản là một trong những giao dịch dân sự được pháp luật thừa nhận. Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Pháp luật dân sự hiện không quy định cụ thể hợp đồng vay tài sản bắt buộc phải bằng văn bản và được công chứng, chứng thực mới có giá trị pháp luật. Theo đó, hợp đồng vay tài sản chỉ cần đảm bảo các điều kiện phát sinh hiệu lực của một giao dịch dân sự.
Tại khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về hình thức giao dịch dân sự như sau: “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản”.
Như vậy, việc các bên thoả thuận về việc cho vay tiền với nhau không thông qua hình thức bằng văn bản mà chỉ thông qua tin nhắn điện thoại, facebook thì hình thức này vẫn là một hình thức giao dịch dân sự được pháp luật thừa nhận.
Tại Điều 94 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 có quy định về nguồn chứng cứ như sau: “Chứng cứ được thu thập từ các nguồn: Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử”. Theo đó, thông điệp dữ liệu điện tử được xác định là chứng cứ khi: “Thông điệp dữ liệu được thể hiện dưới hình thức trao đổi điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử” (Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).
Tin nhắn là một dạng thông điệp dữ liệu điện tử, theo quy định nêu trên thì tin nhắn điện thoại của bạn có thể có là một chứng cứ trước toà. Tuy nhiên, ngoài tin nhắn điện thoại này, bạn có thể cung cấp thêm nhiều chứng cứ khác để đảm bảo thực tế bạn có cho bạn của bạn vay tiền, ví dụ như chứng từ ngân hàng về việc chuyển khoản, lời khai của người làm chứng (nếu có).
Thanh Xuân
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/tin-ban-mat-ca-gia-dinh-a78289.html