Tại buổi họp báo tuyên truyền kỷ niệm 190 năm thành lập và 25 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh (dự kiến diễn ra vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 26/2 tại hội trường A, Trung tâm Văn hoá Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh), ông Nguyễn Quốc Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban tổ chức lễ kỷ niệm 190 năm thành lập và 25 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh cho biết, do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên tại lễ kỷ niệm tỉnh sẽ tổ chức gọn nhẹ với hơn 300 đại biểu..
Thành phần đại biểu dự lễ kỷ niệm là khách mời từ Trung ương, các bộ ngành, con em người Bắc Ninh thành đạt (từ cấp Thứ trưởng trở lên), 15 đại biểu doanh nghiệp, 10 thanh niên... Nội dung chương trình lễ kỷ niệm gồm 2 phần: Chương trình nghệ thuật chào mừng: "Bắc Ninh - rạng rỡ miền văn hiến" và Lễ kỷ niệm.
Trong dịp này, Bắc Ninh tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm như: "Thành tựu kinh tế - xã hội sau 25 năm tái lập"; "Bắc Ninh - 190 năm thành lập và phát triển"; Triển lãm Mỹ thuật, ảnh nghệ thuật và kiến trúc với chủ đề "Bắc Ninh tỏa sáng" và xuất bản sách ảnh: "Bắc Ninh, 25 năm đổi mới và phát triển" và "Vẻ đẹp miền Quan họ".
Trong dịp này, tỉnh Bắc Ninh cũng khởi công một số công trình trọng điểm chào mừng như: Công trình mở rộng Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh quy mô 300 giường, khu công nghiệp Thuận Thành I và công trình xây dựng 2.000 căn hộ - Dự án khu nhà ở công nhân và chuyên gia KCN Yên Phong…
Sau 25 năm tái lập tỉnh, Bắc Ninh đã bứt phá mạnh mẽ, trở thành cực tăng trưởng vùng thủ đô và các tỉnh phía Bắc. Đến nay, Bắc Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại với nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội nằm trong tốp đầu của cả nước (10/15 chỉ tiêu quốc gia đánh giá xếp hạng tốp 10 và 4/15 chỉ tiêu đứng thứ nhất).
Quy mô công nghiệp tăng nhanh, đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao của cả nước. Thành lập 16 khu công nghiệp tập trung, với diện tích 6.398 ha. Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, gấp hơn 1000 lần năm 1997, đứng thứ nhất cả nước.
Năm 2021, quy mô GRDP (theo giá so sánh) đạt 133,6 nghìn tỷ đồng, gấp 23,8 lần năm 1997. GRDP bình quân đầu người đạt 155,6 triệu đồng, đứng thứ 4 cả nước. Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp với nhiều cơ chế, chính sách được vận dụng linh hoạt đã góp phần đẩy nhanh sự chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế.
Năm 2021, tỷ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 77,3%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,7%, khu vực dịch vụ 16,1%, thuế sản phẩm 3,9%.
Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1997 - 2021 kinh tế của Bắc Ninh đạt 13,9%/năm, Bắc Ninh không chỉ góp phần trở thành cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô, mà còn đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung của cả nước.
Đến hết năm 2021, Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp tập trung được phê duyệt, có 10 khu đã đi vào hoạt động; thành lập 31 cụm công nghiệp, 21 cụm đã đi vào hoạt động. Các khu, cụm công nghiệp đã thu hút được các nhà đầu tư từ các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đóng góp lớn cho sự phát triển chung của tỉnh.
Về nông nghiệp, đến nay tỉnh Bắc Ninh có trên 1.000 vùng sản xuất lúa, trong đó có 260 vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung; trên 70 vùng rau màu chuyên canh. Cơ giới hóa được triển khai mạnh mẽ trong nhiều khâu sản xuất, đưa giá trị sản xuất trồng trọt trên 01ha đất canh tác tăng từ 17,2 triệu đồng, năm 1997, lên trên 107,8 triệu đồng vào năm 2021.
Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới được thực hiện đã mang lại hiệu quả tích cực và rộng khắp. 100% các xã trong tỉnh Bắc Ninh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 8/8 đơn vị cấp huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, Bắc Ninh là 1 trong 14 tỉnh được công nhận tỉnh nông thôn mới.
Quang Huy
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/chuan-bi-ky-niem-190-nam-thanh-lap-va-25-nam-tai-lap-tinh-bac-ninh-a78524.html