Giáo dân Trần Văn Kiều đến với công việc xử lý rác xuất phát từ đam mê bảo vệ môi trường. Anh hy vọng đam mê ấy sẽ lan tỏa trong cộng đồng để ngày càng có nhiều hành động thiết thực bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của cộng đồng.
Sinh ra và lớn lên tại xứ đạo Kiên Lao (xã Xuân Tiến, Xuân Trường, Nam Định), giáo dân Trần Văn Kiều phấn khởi trước sự phát triển của quê hương. Nhưng anh cũng không khỏi trăn trở về hiện trạng rác thải ngày một nhiều mà chưa có giải pháp xử lý triệt để. Vì thế, ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội, kỹ sư trẻ Trần Văn Kiều đã trở về quê hương lập nghiệp bằng nghề cơ khí với những sản phẩm phục vụ ngành nông nghiệp.
Anh vận dụng nhiều kiến thức và kinh nghiệm nhằm giải pháp khoa học phù hợp thực tiễn với nông thôn để giải quyết vấn đề rác thải ùn ứ. Sau quá trình đam mê nghiên cứu, kỹ sư Trần Văn Kiều đã chế tạo thành công lò xử lý rác thải sinh hoạt vận hành bằng phương pháp đốt tự nhiệt phân, tự sinh năng lượng (Losiho). Ưu điểm của công nghệ này là sau khi lò đã vận hành sẽ không phải dùng nhiên liệu như xăng dầu hay điện để sấy rác, đốt rác. Với thiết kế gồm buống đốt sơ cấp và buồng đốt thứ cấp, nhiệt độ cao duy trì từ 650 - 1.000 độ C, rác sẽ được đốt triệt để, các hỗn hợp Hydrocacbon phân hủy hết… Bên cạnh đó, khí thải được lọc qua hơi nước nên khi ra môi trường không còn mùi hôi. Khí phát thải từ lò đốt rác thải sinh hoạt Losiho đạt các chỉ tiêu Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (theo kết quả lấy mẫu phân tích của Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Nam Định, Trung tâm Quan trắc & Phân tích môi trường- Tổng cục Môi trường). Với những sáng tạo và hoạt động bảo vệ môi trường, anh Kiều được Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam.
Hệ thống xử lý rác thải do anh Kiều chế tạo tiết kiệm được chi phí vận hành, phù hợp với quy mô xử lý rác thải cấp xã, nhà máy, hay khu du lịch, nhất là trong thực hiện tiêu chí môi trường khi xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tại Hải Hậu (Nam Định), một trong những huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới đã có hàng chục xã, thị trấn sử dụng lò đốt rác do anh Kiều chế tạo. Tại xã Xuân Tiến quê hương anh Kiều, nơi có tỷ lệ lớn dân số là người theo đạo Công giáo, một thời rác thu gom về bãi nhưng chưa biết xử lý thế nào nên dồn ứ thành đống lớn, gây ô nhiễm. Nếu chở đi nơi khác thuê xử lý thì rất tốn kém, không có nguồn kinh phí. Anh Kiều đã dùng chính lò đốt rác do mình chế tạo để giải bài toán khó này cho quê hương, góp phần làm sạch không gian làng quê, cải thiện môi trường sống cho người dân.
Từ thành công trên, anh Kiều được chính quyền xã Xuân Tiến tin tưởng giao bãi rác tồn đọng cả chục năm để xử lý. Anh bắt tay xây tường bao xung quanh bãi rác rồi đưa hệ thống xử lý rác Losiho công suất lớn đến tiêu hủy. Với các hố chôn rác, anh dùng hóa chất, vôi bội xử lý, sau đó bơm cát, lấp đất trồng thảm cỏ, hoa và cây xanh, kiến tạo khuôn viên đi bộ thân thiện thiên nhiên và môi trường. Bãi rác ô nhiễm ngày nào nay đã thành một công viện xanh- sạch- đẹp. Người dân địa phương gọi đó là Công viên bãi rác.
Để hạn chế ô nhiễm từ rác hữu cơ, đồng thời tái tạo từ loại rác này thành phân hữu cơ cung cấp cho cây trồng, anh Kiều đã chế tạo ra máy ủ rác hữu cơ VINATTP. Loại máy này đã khắc phục được hạn các hạn chế về môi trường của phương pháp ủ truyền thống, đồng thời tiết kiệm được rất nhiều thời gian ủ.
Với những đam mê, sáng tạo và đóng góp cho môi trường, năm 2018, hệ thống xử lý rác thải của anh Trần Văn Kiều được Thủ tướng Chính phủ về thăm và tặng Bằng khen. Bộ Khoa học và Công nghệ tặng Huy chương Vàng “Đổi mới - Sáng tạo”,… Anh Kiều cũng là một trong những giáo dân tiêu biểu tại Hội nghị Toàn quốc biểu dương người tốt việc tốt trong đồng bào Công giáo lần thứ IV.
Chia sẻ về những nỗ lực của mình, anh Kiều nói: “Mấy ai muốn gắn bó với rác, vậy mà mình đã có duyên với nó cả chục năm nay. Mình đến với công việc xử lý rác thải xuất phát từ đam mê bảo vệ môi trường. Hy vọng đam mê ấy sẽ lan tỏa trong cộng đồng để cùng nhau làm cho môi trường sống được tốt hơn, sạch hơn. Mình là người theo đạo Công giáo, tham gia bảo vệ môi trường còn là hành động thiết thực hưởng ứng lời mời gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong Thông điệp Laudato si về bảo vệ Ngôi Nhà Chung- Trái đất. Đồng thời, hưởng ứng Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên & Môi trường và các tổ chức tôn giáo về “Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”./
An Luých
Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-giao-dan-dam-me-bao-ve-moi-truong-a535631.html
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/nguoi-giao-dan-dam-me-bao-ve-moi-truong-a78784.html