Hà Nội: Hai vụ việc thi hành một bản án dân sự

Một vụ án dân sự bình thường nhưng sau khi thi hành án thì đã phát sinh hai bản án hình sự với một người đang bị tạm giữ tại Công an Ba Vì, một người bị phạt hành chính. Một bản án dân sự đã dẫn đến tình cảnh gia đình rơi vào thảm cảnh, ly tán là cái đem đến cho dư luận nhiều suy ngẫm.

ồi da xáo thịt!”

 Ngày 07/ 01/ 2021, TAND cấp cao tại Hà Nội đã tiến hành xét xử vụ án “Yêu cầu chia tài sản chung, chia di sản thừa kế, đòi lại đất làm ngõ đi, yêu cầu hủy GCNQSDĐ” với Nguyên đơn là chị Cao Thị Minh và Bị đơn là vợ chồng anh Cao Bá Quý Dương, Trịnh Thị Năm.

Hồ sơ vụ việc ghi nhận, chị Minh là con bà Trần Thị Trình và ông Cao Bá Khuông, bà Trình là mẹ kế của anh Cao Bá Quý Dương. Theo đó, năm 1979, vợ ông Khuông mất, để lại 04 đứa con là anh Cao Bá Quý Dương cùng các chị gái là Hương, Hà, An. Năm 1980, ông Khuông kết hôn với bà Trần Thị Trình (có một đời chồng nhưng không có con) và sinh chị Cao Thị Minh vào năm 1983.

Năm 1988, ông Khuông mất, cả gia đình cùng sống tại mảnh đất có diện tích 400 m2, thửa đất số 470, tờ bản đồ số 4, thuộc xã Chu Minh, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Khi các con khôn lớn, các chị gái và bản thân chị Minh cũng ra ở riêng, còn vợ chồng anh Dương ở lại, phụng dưỡng bà Trình.

Mọi việc bỗng phát sinh khi năm 1998, bà Trình đã một mình đi làm GCNQSDĐ mảnh đất 400 m2 mang tên “Hộ bà Trần Thị Trình”, năm 2014, bà đã xin đính chính lại mảnh đất toàn quyền sở hữu của riêng mình là “Bà Trần Thị Trình”. Có “sổ đỏ” trong tay, năm 2016, bà Trình đã tặng và tách sổ cho con gái là Cao Thị Minh 181m2. Số diện tích này bao gồm luôn các căn nhà cấp 4, bếp, nhà phụ mà ông bà Khuông, Trình đã cùng nhau tạo dựng nhiều năm và là nơi gia đình anh Dương vẫn đang sinh sống. Từ hành vi lạ lùng này của bà mẹ kế, cảnh “nồi da, xáo thịt” đã bắt đầu với những án kiện nhau liên miên của những người anh chị em cùng cha, khác mẹ.

Sau gần 5 năm ròng rã theo kiện với 4 phiên tòa khác nhau, Bản án số 01/2021/DS-PT của TAND cấp cao tại Hà Nội đã nhận định: Năm 1980, ông Khuông kết hôn với bà Trình nên căn cứ Luật Hôn nhân 1958 thì mảnh đất trên là tài sản chung của hai người. Nay ông Khuông đã mất thì bà Trình chỉ được hưởng 50% diện tích đất ở, đất vườn. Chị Cao Thị Minh được hưởng phần thừa kế của mẹ là bà Trần Thị Trình và phải thanh toán cho anh Dương số tiền 3.154.841 đồng chênh lệch tài sản (Tóm tắt bản án - PV).

Tuy nhiên, Bản án số 01/2021/DS-PT của TAND cấp cao tại Hà Nội không nhắc đến thời hạn anh Dương phải trả nhà, đất cho chị Minh. Lúc này, anh Dương có vợ và 3 con còn rất nhỏ, vợ là chị Năm đang mang thai cháu thứ 4 và anh Dương không có chỗ ở nào khác ngoài duy nhất ngôi nhà anh đã sinh ra và lớn lên.

Bị đơn vào tù, vợ con bơ vơ

Bản án Phúc thẩm chưa ráo mực thì ngay trong tháng 4/ 2021, vợ chồng chị Minh đã ba lần đưa nhiều người vào chặt phá cây cối, ném đồ thờ cúng của nhà anh Dương ra ngoài (nhắc lại, bố đẻ chị Minh cũng là bố đẻ anh Dương - PV). Những lần này, gia đình anh Dương đều trình báo Công an xã và kêu cứu nhưng không được giải quyết.

Vào hồi 9:00 ngày 20/ 10/ 2021, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ba Vì đã tiến hành tổ chức cưỡng chế bàn giao nhà đất cho Nguyên đơn Cao Thị Minh. Đơn vị này không hề thông báo cho gia đình anh Dương mà tổ chức lực lượng hùng hậu vào quăng ném đồ đạc, hàn cửa sắt, khóa và bàn giao cho chị Minh dù cả nhà anh Dương cùng các cháu nhỏ kêu khóc. Khi bị anh Dương yêu cầu dừng thi hành án thì Chấp hành viên cho biết, anh Dương và các chị gái không hề liên quan đến việc thi hành án mà đây là việc giữa bà Trần Thị Trình và bà Cao Thị Minh (trích công văn số 425/CCTHADS ngày 20/12/2021 về việc trả lời đơn của công dân của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ba Vì – PV). Vụ thi hành án trên của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ba Vì rõ ràng có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Đầu tiên: Căn cứ để thi hành án là Bản án số 01/2021/DS-PT của TAND cấp cao tại Hà Nội, điều này cũng thể hiện rõ tại các văn bản liên quan do chính Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ba Vì ban hành. Mà bản án ghi rõ Nguyên đơn là Cao Thị Minh, Bị đơn là vợ chồng anh Cao Bá Quý Dương, Trịnh Thị Năm, như vậy tại sao Chấp Hành viên Nguyễn Thị Phương Anh của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ba Vì lại đuổi đương sự ra ngoài với lý do là không liên quan (?). Trong khi đó, bà Trần Thị Trình theo Bản án chỉ là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan lại được coi là “bên phải thi hành án” (trích công văn số 425/CCTHADS ngày 20/12/2021 về việc trả lời đơn của công dân của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ba Vì – PV).

Thứ hai, vì xác định vợ chồng anh Cao Bá Quý Dương, Trịnh Thị Năm, các chị gái của anh Dương là đối tượng không liên quan nên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ba Vì không tống đạt bất cứ một văn bản nào cho gia đình anh Dương, Bị đơn của vụ án. Cần lưu ý, căn cứ  khoản 1, Điều 39 Luật THADS, các văn bản thuộc diện phải thông báo cho đương sự
gồm các Quyết định về THADS được mẫu hoá theo quy định tại Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp. Các văn bản này phải được tống đạt cho đương sự. là đối tượng được thông báo có thể biết được qua Bản án, Quyết định của Toà án, Quyết định thi hành án như: người được THA, người phải THA, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

 

Được biết, vào hồi 6:30 ngày 13/ 7/ 2022, Công an huyện Ba Vì đã tiến hành bắt khẩn cấp anh Cao Bá Quý Dương vì tội “xâm phạm chỗ ở của người khác” theo Điều 158 Bộ luật hình sự 2015. Anh Dương đã bị bắt vì ở ngay tại ngôi nhà mình đã sinh ra và lớn lên hơn 40 năm qua, để lại vợ đang mang thai tháng thứ 7 không nghề nghiệp và 3 con thơ dại. Hiện nay, theo thông tin gia đình, anh Dương đang bị tạm giam tại Trại Giam số 1 Hà Nội.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả trong các số báo tiếp theo.

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/ha-noi-hai-vu-viec-thi-hanh-mot-ban-an-dan-su-a79040.html