Lời kêu cứu từ cánh đồng Cò Keo
Thời gian vừa qua, rất nhiều người dân ở thôn Ninh Kiều, xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn đã gửi tới cơ quan chức năng kêu cứu về tình trạng khai thác đất nông nghiệp trái phép tại cánh đồng Cò Keo của UBND xã Tân Dân.
Theo phản ánh của người dân, cánh đồng Cò Keo được sử dụng với mục đích cấy lúa nước vụ chiêm. Tuy nhiên, trong 6 năm trở lại đây lại bỗng nhiên biến thành hồ 6 mẫu, độ sâu đến cả hơn chục mét gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng con người cho bà con làm ruộng đồng nơi đây.
Mặc dù hoạt động trái phép này diễn ra từ đầu tháng 01/2016 nhưng đến nay không hề có sự can thiệp nào từ cơ quan chức năng, gây thay đổi hiện trạng của cánh đồng, tạo lên tình trạng sạt lở đất, gây mất an toàn cho người dân sống xung quanh.
Trong đơn, người dân cho biết: “Bằng hình thức ký hợp đồng nạo vét, UBND xã Tân Dân cùng HTX đã hợp thức hóa cho việc nạo vét đất nông nghiệp, nhưng bản chất đây không phải nạo vét hồ mà là khai thác đất bán cho xí nghiệp. Việc hợp thức được thực hiện theo hợp đồng ký số 01 ngày 09/01/2016 và phiếu thu tiền ngày 5/2/2016 mã ĐV có QHVNS: 1089756 quyển sổ: PT 008”.
Điều đáng nói đây là việc làm tự ý của UBND xã Tân Dân và họ đã ký văn bản cho một doanh nghiệp tư nhân thu, mua khối lượng cải tạo, nạo vét và múc hàng nghìn mét khối đất trên cánh đồng Cò Keo nhưng cơ quan chức năng, chính quyền của huyện vẫn chưa có động thái hay xử lý gì.
Trước những “lời kêu cứu” của người dân thôn Ninh Kiều, ngày 25/04/2022 phóng viên đã có mặt tại cánh đồng Cò Keo (nay là hồ Cò Keo) để ghi lại hiện trạng. Và những gì diễn ra đúng như người dân phản ánh.
Nhìn hồ nước rộng đến hàng nghìn mét vuông với bờ đất lởm chởm đá sỏi khó ai có thể nghĩ tới đây lại là cánh đồng Cò Keo – nơi canh tác hoa màu của người dân trước đây. Từ một cánh đồng phục vụ mục đích nông nghiệp mang lại kinh tế cho người dân nay lại trở thành nơi “buôn bán, kiếm lời” tài sản công của một số người.
Xã không biết và không có chủ trương?
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Thanh Bình - Phó chủ tịch xã Tân Dân cho biết: “những năm trước đây các xã viên có cấy lúa vào mùa khô. Trước tình trạng đó, năm 2016, HTX đề nghị UBND xã Tân Dân xin cấp phép cho nạo vét để trữ nước lên UBND xã và xã cũng đã có văn bản báo cáo với UBND huyện Sóc Sơn.
Tuy nhiên UBND huyện Sóc Sơn chưa đồng ý và yêu cầu nếu muốn nạo vét khu đồng Cò Keo phải xây dựng phương án chi tiết cụ thể trình lên còn không thì không được nạo vét. Không nhận được sự đồng ý của UBND huyện, nhưng không hiểu vì lý do gì mà HTX vẫn tự ý ký hợp đồng nạo vét đất và thu tiền bán đất của doanh nghiệp với lý do là phải làm ngay vì mùa mưa đến.
Cũng theo ông Bình, không có một đơn vị nào đứng ra để xây dựng phương án chi tiết việc nạo vét cánh đồng Cò Keo. UBND xã Tân Dân đã phải kết hợp với bên thứ 3 và có hợp đồng kèm phiếu thu tiền yêu cầu chính là “nạo vét hết bùn đất”. Ngoài ra ông cũng nhấn mạnh rằng: “Toàn bộ số tiền thu được qua việc nạo vét từ cánh đồng Cò Keo đều được bù vào tiền thuê đơn vị nạo vét”.
Khi phóng viên muốn được UBND xã Tân Dân cho xem các văn bản trình huyện, hợp đồng thuê đơn vị nạo vét và bản đồ địa chính thì nhận được lý do: “Kế toán đang ở nhà nghỉ chế độ thai sản và cán bộ địa chính đã chuyển đi nơi khác công tác”.
Mặc dù phóng viên nhiều lần liên hệ yêu cầu cung cấp thông tin, nhưng UBND xã Tân Dân vẫn chưa cung cấp được. Phải chăng có điều gì bất bình thường từ việc nạo vét đất nông nghiệp của cánh đồng Cò Keo?
Chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/soc-son-ha-noi-can-lam-ro-viec-bien-ruong-thanh-ho-a79046.html