Vừa qua, chúng tôi đã có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện cùng chị Nguyễn Thùy Dung, sinh viên lớp Truyền hình CLC K38 của Học viện Báo tôi và Tuyên truyền, một trong những người tình nguyện tham gia vào công tác hỗ trợ người dân chống dịch tại Bình Dương năm 2021. Không khó để nhận ra khuôn mặt rạng rỡ của chị mỗi khi nhắc về chuyến đi ấy. Đó là một bầu trời kỷ niệm, từ đau thương đến hạnh phúc nhưng hơn tất cả, cô gái 22 tuổi đã mang về cho mình “cả một thành tựu” to lớn.
Những ngày tham gia chống dịch giống như kiểu là “Khi bạn đi học, hai ngày đầu thấy lạ lẫm, những ngày sao lại thấy quen và không muốn dừng lại.”
Chị Thùy Dung chia sẻ cảm xúc của mình những ngày đầu tham gia chống dịch.
Rất hân hạnh khi được gặp gỡ chị, cơ duyên nào đưa chị đến với hành trình chống dịch tại Bình Dương năm 2021?
Thời điểm ấy vừa bắt đầu vào kì nghỉ hè của năm ba và năm tư. Lúc đấy ngoài mình dịch thì chưa có bùng nhưng trong Sài Gòn với Bình Dương cũng có nhiều ca trong cộng đồng rồi. Khi ấy bên tỉnh đoàn Bình Dương cũng có kêu gọi các sinh viên, đoàn viên ở trong tỉnh đi trực chốt với cả hỗ trợ các khu cách ly cộng đồng ở ngoài thì bạn tôi cũng đi, tôi nói chuyện với bạn thì được rủ tham gia. Tôi cũng nghĩ là mình cũng mới nghỉ hè với cả cũng không vướng bận đi làm hay bài tập gì cả thế là tôi bảo “Ừ, đi thì đi”. Tôi đăng kí link được đăng tải trên các fanpage, sau khi nhận được email xác nhận thì ngày 29/6, tôi bay vào đấy.
Chị tham gia trong thời gian bao lâu?
Tôi đi từ ngày 29/6 đến ngày tôi về không nhầm đâu đấy là tháng 12. Ban đầu tôi nghĩ tầm tháng 9 là tôi về, tại thời gian đấy tôi cũng phải đi học trở lại. Nhưng không ngờ sau đấy giãn cách cả nước, không có đi lại được, máy bay cũng không cho bay nên bắt buộc phải ở trong đấy. Thật ra, công tác chống dịch chắc giữa tháng 11 đã kết thúc rồi nhưng chúng tôi ở lại hỗ trợ địa phương các vấn đề sau dịch như công tác hỗ trợ tiền cứu trợ cho người lao động thất nghiệp, giấy tờ hành chính.
Một ngày làm việc lúc đó diễn ra như thế nào, chị thường làm những công việc gì?
Tôi làm cho đội Thanh niên tình nguyện phòng chống dịch, ở tỉnh đoàn Bình Dương. Bọn tôi sẽ đi test covid, test nhanh, test PCR, có một đội đi hỗ trợ khu cách ly, một đội đi phân phát lương thực, đóng đồ để phân phát, chủ yếu vẫn là công việc test nhanh, test PCR. Vì Bình Dương rất rộng, có nhiều công nhân từ nhiều tỉnh thành đến nên là lực lượng đi test cần rất đông. Đấy là trên tỉnh đoàn còn có một đội, mà mỗi một phường, mỗi một thành phố, mỗi một huyện ở Bình Dương đều có một đội riêng của từng khu vực mà vẫn không đủ. Lượng người rất đông mà không có khu vực nào là khu vực xanh cả, vùng nào ở Bình Dương cũng là vùng đỏ, dịch bùng phát rất mạnh.
Bình thường 6h bọn tôi bắt đầu dậy, 7h sẽ tập trung để lên xe ô tô rồi đi đến địa điểm được phân chia ngày hôm đó. Sẽ làm liên tục cho đến khoảng 11 rưỡi trưa, hôm nào mà đông sẽ làm đến 12- 12 giờ 30 rồi ăn cơm, đến 13 giờ lại bắt đầu chuẩn bị đồ đạc, 13 giờ 30 người dân bắt đầu xếp hàng lấy mẫu tiếp. Bình thường thì lấy đến tầm 5 giờ- 5 rưỡi chiều, còn những hôm nào mà đông thì phải nửa đêm. Bọn tôi, lực lượng ở bên lục quân và các bác sĩ trực tiếp lấy mẫu, lấy xong rồi gửi mẫu đi.
Khi có lệnh giãn cách, chúng tôi phải đi phát lương thực cho người dân trong hai tuần giãn cách ấy. Bình Dương chia thành các huyện, thành phố, dưới huyện, thành phố sẽ là các phường, dưới các phường sẽ là khu phố. Đợt đấy tôi làm cho một khu phố ở phường Bình Chuẩn, khu phố ấy có 43000 người. Khi ấy bọn tôi có 4 người - tôi với 3 bạn nữa, còn lực lượng dân quân của khu phố có khoảng 9- 10 anh. Tổng tất cả các lực lượng làm tất cả công việc chống dịch lúc đấy tính ra chưa đến 20 người.
Chị Thùy Dung cùng những người bạn của mình.
Lúc đó, chị làm trong khu vực đấy rất nguy hiểm, vậy điều gì khiến chị ở lại lâu như thế? Nếu như lúc đầu chưa bị giãn cách, mình vẫn có thể trở về, tại sao chị vẫn quyết định ở lại?
Những ngày tham gia chống dịch giống như kiểu là “Khi bạn đi học, hai ngày đầu thấy lạ lẫm, những ngày sao lại thấy quen và không muốn dừng lại.”. Ngày đầu mới đi làm chưa quen, với mình còn mới mà cái lượng người mình phải lấy mẫu cho quá đông, một ngày đứng liên tục. Nhưng tôi cảm thấy rất may mắn là ở bất cứ địa phương hay khu vực nào tôi đến đều được người dân địa phương hỗ trợ rất nhiều. Bàn lấy mẫu đặt ngoài đường, đến trưa cũng ngồi ở đấy nghỉ thôi, nếu mà may mắn chỗ nào có ô, dù thì ngồi trong đấy tránh nắng còn không thì ngồi vỉa hè, lăn lê trên đất, trên cát. Những nơi gần nhà dân, các cô chú thấy làm việc cũng thương, mang quạt, pha mì tôm cho ăn. Niềm an ủi lớn nhất là được mọi người quan tâm, yêu thương, đi đến đâu cũng được cho nước, cho bánh kẹo, chưa bao giờ cảm thấy tình người lại thấm đậm như thế trong cái mùa dịch. Đó là lý do khiến tôi không muốn rời đi.
“Tình nguyện đi, tình yêu đến”
Gương mặt hạnh phúc chị Dung mỗi khi nhớ lại chuyến đi ấy.
Trên báo đài truyền thông đã đưa tin về đại dịch nhưng chắc chắn không thể nào chi tiết như những người sống trong tâm dịch đấy rồi, chị có thể miêu tả một chút về cuộc sống của người dân lúc đó khốc liệt như thế nào?
Báo đài đưa tin cũng chính là những hình ảnh thực tế, có khác thì phải chăng chỉ là những con số ở ngoài nó nhiều hơn mình không thể nào nắm bắt hết được. Đến bọn tôi là người trực tiếp đi làm còn không thể nào biết rõ được từng hộ gia đình có bao nhiêu người, nhà người ta có đi ra lấy mẫu hết hay không và số người thật sự mắc Covid chính xác là bao nhiêu. Bạn cũng biết rằng giai đoạn đấy có rất nhiều người trốn cách ly, đấy là chuyện phổ biến rồi, chuyện người ta không muốn ra lấy mẫu cũng rất nhiều. Có hôm, bọn tôi phải đi cùng cơ động với dân quân phường gõ cửa từng nhà để đảm bảo tất cả mọi người đều đi lấy mẫu. Những người cố tình trốn, khóa cửa ở trong nhà cũng chẳng làm gì được người ta. Có rất nhiều người bị bệnh nhưng giấu, trốn ở trong phòng, đến lúc mất cũng không biết được, chỉ khi có mùi mới phát hiện ra.
Có bao giờ chị khóc và hối hận không?
Tôi chưa bao giờ hối hận. Không phải tự hào về bản thân mình vì mình đã làm được điều gì cao siêu mà cảm thấy tự hào vì mình đã có một kí ức, kỉ niệm như thế. Kỉ niệm đi chống dịch tôi kể cả đời không hết, có thể kể đi kể lại rất nhiều lần không biết với bao nhiêu người nhưng mà mỗi lần kể lại tôi vẫn có cảm xúc bồi hồi, nghĩ như vừa mới hôm qua.
Có kỷ niệm nào khiến chị nhớ mãi không?
Kỉ niệm thì nhiều lắm nhưng mà có lẽ bữa sinh nhật năm ấy đã cho tôi ký ức không bao giờ quên. Sinh nhật của tôi vào 12/9 thì trước sinh nhật tôi 3 ngày, một đoàn viên làm cùng bị dương tính. Thật ra, mọi người cũng bảo là cái chuyện mình đang làm mà bị dương tính là rất bình thường, đấy là điều không thể tránh khỏi và mọi người cũng nhìn nó rất là tích cực. Mọi người không có buồn gì, cũng chẳng lo lắng gì, cũng dặn dò cho tự cách ly cẩn thận với cả gia đình, đừng ảnh hưởng đến gia đình vì bạn kia nhà ở Bình Dương luôn. Các anh lúc nào cũng dặn cái mục tiêu lớn nhất của bọn tôi khi đi làm là làm gì thì làm, đừng để mang dịch về nhà, đừng để người thân mình bị ảnh hưởng là được.
Lúc đấy mọi người cũng biết là sinh nhật tôi sắp đến nhưng vẫn chậc lưỡi “Thôi kệ cứ tổ chức sinh nhật, kể cả dịch thì vẫn phải làm cho nó có một cái sinh nhật.” Mà bạn cũng hiểu lúc đó đang trong giai đoạn giãn cách, tất cả mọi thứ đều đóng cửa, mọi người không thể kiếm được chỗ nào mua bánh sinh nhật. Trong lúc đi phát lương thực, các anh biết có cửa hàng bánh thì cũng gõ cửa và cũng mua được một cái bánh. Bữa đấy là cơm hộp nấu lại, bày ra đĩa cho giống cơm nhà.
Hôm đấy, mấy anh tổ chức cho tôi vào tối 11, tại vì tối 12 phải đi phát đồ ăn. Mọi người ra kho ngồi, cùng thổi nến, sau đó ngồi nói chuyện. Lúc đấy anh quản lý mới tâm sự. Một người mà làm quản lý kho phân phát lương thực cho 43000 người rất áp lực. Thứ nhất, mình phải phân phát làm sao tất cả mọi người đều phải có như nhau, cái giai đoạn đấy nó nhạy cảm lắm, mạng xã hội bạn cũng thấy người ta phát trực tiếp như là bên phát cái này, bên phát cái kia, chỗ này có sữa chỗ kia lại có bánh thì người ta cũng tị nạnh với nhau.
Việc quản lý đấy rất đau đầu, người đứng đầu luôn là người chịu nhiều áp lực nhất nhưng mà anh ấy giống người anh cả của đàn em, nên không thể lúc nào cũng mang cái đấy ra nói, nói chung là ai cũng biết cái vấn đề đấy thôi nhưng mà mọi người cũng phải tặc lưỡi cho qua, bỏ qua để mình còn làm.
Bữa sinh nhật đặc biệt cả đời không bao giờ quên của chị Dung.
Có những giọt nước mắt bất ngờ phải không chị?
Đúng. Quen anh ấy từ hồi cấp 3 lần đầu tiên tôi thấy ông ấy khóc. Ông ấy bảo “Có những ngày anh đến kho làm việc anh rất là mệt, rất là áp lực, anh còn trốn xuống dưới kho anh khóc”. Mình cũng đã từng rất muốn khóc nhưng mà vì áp lực nhỏ của riêng mình, nghĩ đến anh mình là một người quản lý bao nhiêu con người mà người ta phải khóc thì chứng tỏ cái vấn đề nó đã quá lớn rồi. Lúc đấy mình khóc không phải vì mình buồn tủi mà mình khóc vì thương mọi người, thương đồng đội, những người làm việc chung với mình.
Có những anh vợ đang mang bầu cũng bỏ nhà để đi chống dịch, không về nhà 3 tháng, các anh con nhỏ cũng thế, ngày ngày gọi điện cho vợ con nhưng mà cũng không dám về nhà, đi qua nhà nhưng cũng chỉ dám đứng ngoài cửa, đặt đồ ăn ngài cửa rồi gọi người nhà ra lấy. Mình không phải là người làm bố làm mẹ nhưng mà nhìn như thế mình cũng hiểu được sự khó khăn, khổ sở. Mọi người đã hy sinh rất nhiều cho cuộc chiến này.
Chị nói mình từng khóc vì những áp lực nhỏ của bản thân, vậy có lần nào chị khóc vì điều khác chưa?
Có chứ, thật ra là khóc vì thấy mình được yêu thương quá. Cảm động vì cái tình người ở nơi xa lạ này. Nói thật là cái kho lương thực nó như một cái ngôi nhà, có bố mẹ và anh chị. Cơm hộp thì nhận theo phần, có bao nhiêu người thì nhận bấy nhiêu phần cơm rồi mang về. Trong kho có một anh phụ trách làm đầu bếp chính, anh sẽ bỏ thức ăn ra nấu lại cho nóng, rồi ngồi lại quây quần với nhau như ăn ở nhà, không hề có cảm giác xa lạ. Những khoảnh khắc như vậy rất quý hiếm, nó là những ký ức không gì có thể mua lại được. Biết là khổ đấy nhưng mà từng bữa mọi người gọi nhau lại ăn cơm “Ê em ơi lại ăn cơm đi, để đấy tí nữa làm”, ai cũng giục phải ăn cơm nhiều.
Tại thời điểm đấy Bình Dương đang là mùa mưa, có những ngày mưa rất to, mưa ngập đường đến giữa bắp chân, nhiều hôm đi phát đồ trời đổ mưa thì mình cũng làm gì có cái gì che đâu, vẫn phải đội mưa đi phát, đi mưa về người ướt sũng, cảm giác lúc ấy bạn sẽ thấy người bị oải, mệt chẳng muốn làm gì cả, cứ nằm liệt ở trên võng thôi. Thấy vậy các anh gọi là “Sao không ăn cơm? Mày ốm hay mày mắc Covid rồi”, “Đi ra ăn cơm đi mau lên, lấy cơm về mà không ăn đánh cho bây giờ”. Các anh để ý từng cái một, chỉ cần hơi lạ một tí là các anh hỏi han ngay, mọi người rất là quan tâm nhau.
Thật ra ăn uống cũng không khổ lắm tại vì mình được ăn ba bữa cơm nhà nước mà, người dân cũng thương hay cho bánh kẹo, cho nước cho đồ ăn này kia. Bên bộ đội hay có câu “Đi dân nhớ, ở dân thương”, cái giai đoạn ấy không chỉ mỗi bộ đội đâu mà tất cả lực lượng đi chống dịch đều được dân thương. Trên mạng có những câu chuyện về các anh công an hay dân quân đi trực chốt được dân nấu cơm ở nhà rồi họ mang ra chốt để đỡ phải ăn cơm hộp ấy, đấy là chuyện hoàn toàn có thật. Có những cô chú ngày ba bữa cứ nấu cơm mang ra chốt mặc dù nhà người ta không phải ở ngay cạnh chốt đâu, người ta phải đi xe máy để chở từng xoong đồ ăn ra mà vẫn làm ngày ngày. Lúc đấy đồ ăn mua thì đắt đỏ, nói chung là khó khăn thật nhưng người ta vẫn sẵn sàng hi sinh để cho những người chống dịch thì đó là thứ tôi cảm thấy đáng giá nhất trong mùa dịch vừa rồi.
Cảm nhận của chị về thái độ, hành động của chính quyền địa phương, khu mà chị tham gia tình nguyện?
Nhìn chung là cái giai đoạn nhạy cảm như thế thì ai cũng mệt mỏi, người đứng đầu thì áp lực càng nhiều. Tôi rất là may mắn khi làm việc với các anh chị Bí thư tỉnh ủy, lãnh đạo của tỉnh đoàn Bình Dương, mọi người ai cũng thân thiện, niềm nở. Khi đó đông lắm, một cái đội chắc phải mấy trăm người, một ngày đi lấy mẫu là phải đi 10 xe ô tô nhưng mà các anh chị quan tâm đến từng xe một, hỏi thăm từng người, từng xe.
Mọi người luôn hỗ trợ lẫn nhau vì lúc ấy ai cũng hiểu vấn đề khó khăn đến đâu rồi. Đến lúc tôi về khu phố làm việc, tôi chẳng quen biết gì đâu nhưng mà làm việc với nhau một tuần tự nhiên cảm thấy mình thân như kiểu đã làm với nhau từ rất lâu rồi. Cả các bác nữa, các bác là lãnh đạo, Chủ tịch tỉnh, Bí thư tỉnh nhưng mà nói chuyện, đối xử với mình như con cháu trong nhà “Chúng nó đi làm vất vả thế này mà lại còn đi xa, chúng nó còn nhỏ lắm”.
Em thấy chị có người yêu, anh cũng là bộ đội, mối lương duyên là trước đó hay nảy nở trong đợt dịch?
Đợt dịch mới bắt đầu gặp, anh ấy ở Đồng Nai, anh ấy ở trong lực lượng bộ đội đến kho hỗ trợ. Cái đợt tôi về làm kho được 3 ngày thì bắt đầu có bộ đội đến, hồi đấy anh ấy là trung đội trưởng quản lý một cái tổ trong đó.
Cảm xúc của chị như thế nào, chị có nghĩ đây là cái duyên không?
Cũng không ngờ ấy, thật ra là tôi cũng không đặt niềm tin, hồi đấy mọi người cũng nói là các bạn đoàn viên đi chống dịch về có người yêu nhưng mà lúc đấy tôi không có nghĩ đến chuyện yêu đương. Ban đầu cũng làm việc với nhau bình thường thôi, mình làm việc chung thì mình cũng phải nói chuyện để hỗ trợ họ. Tối về thì lâu lâu cũng nhắn tin hỏi thăm ngày mai thế nào, công việc các thứ ra làm sao, cũng chỉ nói chuyện với nhau về công việc.
Rồi đến tháng 10 bộ đội rút quân về, chỉ còn lực lượng địa phương làm thì lúc đấy cũng có mấy bữa liên hoan, tiệc chia tay ấy, hai đứa cũng kể lại kỉ niệm này kia. Đợt đó bộ đội cũng đông, cũng có nhiều vấn đề, vui có mà buồn cũng có, mấy vấn đề đáng lo, quan trọng cũng có, đến lúc về rồi mới bắt đầu nói chuyện và mới bắt đầu tán tỉnh nhau thế là yêu đến bây giờ. Cũng có thể nói là tình nguyện đi, tình yêu đến nhưng mà nhận được nhiều cái yêu hơn chứ không đơn thuần là tình yêu hai đứa bọn tôi.
Chị quan niệm như thế nào về lòng tốt giữa cuộc đời này?
Thật ra là tôi chưa bao giờ hiểu rõ về lòng tốt cho đến khi mình đặt nó vào một tình huống. Trong đại dịch Covid 19, tôi thấy lòng tốt được thể hiện nhiều nhất. Nó chẳng xuất phát từ thứ gì cao sang, chỉ đơn giản là hai nhà hàng xóm giúp đỡ nhau, cho nhau đồ ăn trong thời điểm giãn cách khó khăn nó đã gọi là lòng tốt rồi. Rồi những lực lượng từ Bắc vào Nam tình nguyện tham gia vào cuộc chiến chống dịch ấy, người ta tham gia cũng chẳng nghĩ đến những gì cao sang đâu. Giống như tôi, tôi cũng không nghĩ là mình được tiền hỗ trợ, khi về quyết toán tiền tôi mới biết đấy chứ. Lòng tốt trong mùa dịch nó thể hiện qua các hành động vô cùng nhỏ.
Bây giờ lòng tốt thì tôi thấy nhiều, nó xuất hiện ngay bên cạnh mình. Mạng xã hội là một thứ giúp cho lòng tốt được thể hiện rõ nhất, rộng nhất, đi xa nhất. Ngày xưa chưa có mạng xã hội thì lòng tốt mình thấy ít, hoặc mình chỉ thấy khi nó xuất hiện bên cạnh mình, giờ trên mạng tôi thấy lòng tốt rất nhiều: Cứu trợ cho người dân miền Trung lũ lụt, quyên góp, ủng hộ những gia đình hoàn cảnh khó khăn. Như tôi nói cái chuyện người khổ, người nghèo nhiều lắm, mình không thấy hết chứ không có nghĩa là không có. Thì cũng nhờ có mạng xã hội mà người ta được hỗ trợ, người ta được giúp thì đấy cũng là lòng tốt rồi.
Rất cảm ơn chị vì đã nhiệt tình tham gia buổi phỏng vấn ngày hôm nay, chúc chị có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục cho những chuyến tình nguyện sắp tới!
Hồng Điệp - Ngọc Diệp
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/binh-duong-2021-khi-tinh-yeu-nay-no-giua-mua-dich-a79118.html