Ngày 28/2/2023, Tạp chí Đời sống & Pháp luật có đăng tải bài viết: “Hoài Đức - Hà Nội: Cần xem xét giải quyết vụ việc để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho dân”. Sau khi thông tin được đăng tải và tiếp nhận đơn thư của công dân, Tòa án Nhân dân huyện Hoài Đức có công văn gửi UBND xã Đức Thượng, Công an xã Đức Thượng, Công an huyện Hoài Đức.
Công văn này đề nghị các cơ quan này phối hợp, yêu cầu hộ gia đình ông Nguyễn Đình Tường, Nguyễn Thị Sửu dừng ngay việc xây dựng, hoặc các làm bất cứ hành động khác trên thửa đất đang tranh chấp. Nếu hộ gia đình ông Tường, bà Sửu không thực hiện mà tiếp tục xây dựng trên phần đất đang tranh chấp, đề nghị UBND xã Đức Thượng, Công an xã Đức Thượng lập hồ sơ chuyển hồ sơ để Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Để có thông tin trả lời công dân theo đúng quy định của pháp luật, Tạp chí Đời sống & Pháp luật đã liên hệ với UBND xã Đức Thượng để làm việc. Thế nhưng nhiều lần liên hệ lãnh đạo xã vẫn “im lặng”, phòng ông Chủ tịch UBND xã luôn đóng cửa.
Theo đó, năm 2008, bà Nguyễn Thị Hồng (SN1956, trú tại số nhà 47, phố Chương Dương, phường Chương Dương, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội có nhờ mua 700 m2 đất (160 m2 đất ở và 540 m2 đất nông nghiệp làm vườn) của gia đình bà Nguyễn Thị Lâu và chị Nguyễn Thị Thu Hà tại khu Vông, thôn Thượng, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức. Đến năm 2014,mảnh đất ở rộng 160 m2 của bà Hồng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSSĐ) số BR947799, thửa đất số 1031A.
Do hoàn cảnh gia đình không thường xuyên sinh sống tại địa phương, tới ngày 28/11/2020, bà Hồng nhận được tin báo từ người thân có một số hộ dân khác đã tự ý xây tường bao quanh khoảng 100 m2 trên phần đất mà bà đã mua và được cấp GCNQSSĐ nêu trên. Do không thường xuyên sinh sống tại địa phương nên bà Hồng đã nhiều lần ủy quyền cho người thân làm đơn gửi cơ quan chức năng để tố cáo hành vi xây dựng trái phép trên.
Để đảm bảo quyền lợi của gia đình, ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm pháp luật, bà Hồng làm đơn khởi kiện ra Tòa án Nhân dân huyện Hoài Đức. Thế nhưng trong khi chờ Tòa án giải quyết thì các hộ dân trong đó có gia đình ông Nguyễn Đình Tường, Nguyễn Thị Sửu vẫn ngang nhiên xây dựng công trình ở khu đất nói trên.
Theo bà Hồng, hành vi xây dựng trái phép của hộ gia đình ông Nguyễn Đình Tường, Nguyễn Thị Sửu là không thể chấp nhận, coi thường cơ quan chức năng. Bà Hồng cho hay, gia đình ông Tường, bà Sửu bắt đầu có hành vi xây dựng trái phép từ đầu tháng 3/2022 đến giữa tháng 4/2022 mới kết thúc. Gia đìnhbà Hồng đã nhiều lần làm đơn đề nghị nhưng không hiểu vì sao không bị ngăn chặn.
Hình ảnh, clip mà gia đình cung cấp cho thấy toàn bộ diện tích móng của công trình được đổ bê tông khung cứng kiên cố, bể phốt các công trình phụ đổ bê tông cốt thép, tường xây cao hơn 1 mét so với mặt đất hoàn toàn bằng gạch. Điều này trái ngược với nhận xét trước đó của lãnh đạo xã Đức Thượng: “Chỉ là công trình tạm”.
Để làm rõ vai trò quản lý nhà nước, chấp hành quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng; Phóng viên Tạp chí Đời sống & Pháp đã liên hệ làm việc với UBND xã Đức Thượng để có thêm thông tin. Thế nhưng thay vì trả lời báo chí theo đúng quy định, UBND xã Đức Thượng lại “né” trả lời một cách rất khó hiểu. Nhiều ngày có mặt tại trụ sở UBND xã này, phòng làm việc của ông Nguyễn Văn Thuấn - Chủ tịch UBND xã luôn trong trạng thái đóng của. Số điện thoại công chức văn phòng ủy ban luôn không nghe máy, dù trước đó phóng viên đã đặt lịch, nêu rõ nội dung sự việc.
Để quyền lợi công dân được đảm bảo, thiết nghĩ UBND huyện Hoài Đức, UBND nhân xã Đức Thượng cần vào cuộc tiến hành kiểm tra, xác minh giải quyết triệt để những vấn đề còn đang tồn tại đã nêu ở trên.
Chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/duc-thuong-hoai-duc-ha-noi-chu-tich-xa-ne-bao-chi-a79179.html