Ma trận các khoản phí
Theo phản ánh của anh L.V.A. (29 tuổi, quê Hải Phòng), vào tháng đầu tháng 2/2023 do cần tiền để giải quyết công việc anh đã đến cửa hàng của Công ty Cổ phần công nghệ tài chính Việt Đông Bắc có địa chỉ tại TP. Hải Phòng để hỏi vay. Công ty này có website địa chỉ Tienngay.vn, trụ sở chính tại tầng 15, khối B, tòa nhà Sông Đà, đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình, Q.Nam Từ Liêm, TP Hà Nội.
Theo anh A, khi đến chi nhánh tại Hải Phòng anh được nhân viên yêu cầu cung cấp CMND/CCCD và giấy tờ xe chính chủ để nhập lên hệ thống, thẩm định mức vay. Theo thẩm định, xe của anh A. mang nhãn hiệu Honda, sản xuất năm 2018 và chỉ được vay được 6,3 triệu đồng.
Anh A. cho biết: “Phía bên công ty Tiện Ngay giữ giấy tờ xe, khoản vay của tôi là 6,3 triệu đồng nhưng giải ngân xong chỉ còn 5,9 triệu đồng, lý do đã trừ chi phí bảo xe và phí bảo hiểm khoản vay. Công ty họ giải ngân bằng chuyển khoản, không có tiền mặt. Kỳ hạn khoản vay là 12 tháng, nếu trả trước hạn thì phạt tuỳ theo % số dư nợ còn lại, cao nhất khoảng 7-8%”.
Căn cứ vào hợp đồng vay tiền của Công ty Cổ phần công nghệ tài chính Việt với anh A. cho thấy, ngoài lãi suất khoản vay 1,5%/tháng (18%/năm) hợp đồng cho vay lại kèm theo nhiều “phí” như: Phí tư vấn quản lý lên đến 2%/tháng; bảo hiểm khoản vay; phí trả nợ trước hạn; phí quản lý số tiền vay chậm trả; phí tư vấn gia hạn số tiền vay...
Hàng tháng anh A. phải thanh toán 826 nghìn đồng, trong đó 525 nghìn số tiền gốc trả góp hàng tháng; lãi suất khoản vay thành tiền 94.500 đồng/tháng; Phí tư vấn quản lý: 2%/tháng x 6,3 triệu đồng = 126.000 đồng/tháng; Phí bảo hiểm khoản vay;… Tính trung bình hàng tháng anh A phải trả 301 nghìn ngoài số tiền gốc, với kỳ hạn 12 tháng tổng cộng anh A. phải trả chênh thêm 3,6 triệu đồng.
Tạm tính tổng lãi suất (lãi suất khoản vay + lãi các khoản phí) hơn 3,5%/tháng (42%/năm), như vậy khi tất toán khoản vay anh A. phải trả số tiền chênh lệch rất lớn (hơn 40% khoản vay). Anh A. cho hay, hết kỳ hạn vay tính toán lại anh rất bất ngờ khoản vay cả gốc lẫn lãi cộng phí đã “đội” lên gần 10 triệu đồng.
Theo Điều 9, mục 9.3 như hợp đồng đã ký kết giữa anh A. và Công ty Cổ phần công nghệ tài chính Việt Đông Bắc, riêng khoản “Phí tư vấn quản lý” 2%: Bên vay thanh toán Phí tư vấn quản lý hằng tháng cho Đông Bắc. Phí tư vấn quản lý sẽ được Việt Đông Bắc tính vào số tiền phải thanh toán của bên vay hàng tháng…”
Theo tìm hiểu của PV, hiện tại Công ty Cổ phần công nghệ tài chính Việt Đông Bắc đã đổi tên thành Công ty Cổ phần công nghệ Tiện ngay Đông Bắc, do ông Trần Xuân Hồng (SN 1990) là người đại diện pháp luật. Công ty này đăng ký 11 ngành nghề kinh doanh khác nhau, ngành nghề kinh doanh chính: Hoạt động tư vấn quản lý, chưa đăng ký ngành kinh doanh 6492 - 64920: Hoạt động cấp tín dụng khác.
Theo chỉ dẫn trên hợp đồng, tại website: Tienngay.vn tràn ngập các quảng cáo cho vay tiền chỉ cần có giấy tờ xe, đủ 18 tuổi là có thể vay tới 50 triệu đồng giải ngân nhanh chóng bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản. Ngoài những logo của tổ chức tài chính, website này còn đưa tin việc hợp tác giữa tienngay.vn và Công ty Cổ phần Viễn thông Vsetcom để “...triển khai công tác chuyển đổi công nghệ gắn chíp vào sản phẩm vay xe máy và ô tô...”. Trên địa chỉ website: https://ctkm.vsetcom.vn quảng cáo, rao bán rất nhiều thiết bị định vị ô tô, xe máy, xe máy điện. Theo quy định của pháp luật đây là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quy định về kinh doanh thiết bị định vị rất “ngặt nghèo”.
Cẩn trọng khi vay tiền
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Đời sống & Pháp luật, Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng Văn phòng Luật sư Interla (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, do Công ty Cổ phần Công nghệ tài chính không phải là một tổ chức tín dụng. Thêm vào đó, đối tượng của những công ty này nhắm đến là hoạt động vay tiêu dùng nên việc thực hiện hoạt động cho vay, cầm cố tài sản sẽ không được điều chỉnh bởi luật tổ chức tín dụng, mà sẽ được điều chỉnh theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015.
Căn cứ tại Điều 463, Bộ luật Dân sự 2015 cũng đã có quy định đối với hoạt động cho vay. Do đó, hợp đồng vay tài sản có thể được hiểu là do thỏa thuận giữa các bên, khi đó thì các công ty công nghệ tài chính sẽ giao tài sản của mình cho các khách hàng, thông qua hình thức giải ngân qua tài khoản. Tuy nhiên, việc cho vay này phải đáp ứng được mức lãi suất cho vay theo quy định tại Khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015 “...lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác...”
Về hoạt động cầm cố tài sản được quy định tại Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015, thông thường đối với hoạt động cầm cố của các công ty công nghệ tài chính, hoạt động nhận cầm cố tài sản thường được dùng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng vay tài sản như là một biện pháp bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ. Do đó, khách hàng là bên cầm cố sẽ có nghĩa vụ thanh toán được quy định tại Điều 311 của Bộ luật Dân sự 2015.
Theo Luật sư Trương Quốc Hòe, lãi suất khi thực hiện hoạt động cho vay không được quá 20% của khoản tiền cho vay. Thêm vào đó, trong trường hợp sử dụng cầm cố như một biện pháp bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ thì sẽ cần thanh toán thêm phí như chi phí hợp lý để bảo quản tài sản cầm cố, tuy nhiên như nào là “hợp lí” thì pháp luật chưa có quy định về vấn đề này.
Do Bộ luật Dân sự mới chỉ điều chỉnh về lãi suất khoản vay chứ hiện tại chưa có quy định điều chỉnh về các khoản phí hợp lý bảo quản tài sản, lãi đối với các khoản phí phát sinh kèm khoản vay. Do đó, các khoản phí phát sinh kèm khoản vay này do các bên tự thoả thuận. Từ đó dẫn đến việc các công ty công nghệ tài chính lợi dụng sự tự thoả thuận để kèm theo các khoản phí dẫn đến tình trạng khi tất toán khoản vay người vay phải trả số tiền chênh lệch rất lớn so với khoản vay do phải trả kèm lãi suất khoản phí bên cạnh lãi suất khoản vay. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới quyền lợi người vay nếu không đọc kỹ thông tin.
Theo Luật sư Hòe, việc cho vay của Công ty Công nghệ tài chính về lâu dài ảnh hưởng đến uy tín của các tổ chức tín dụng được cấp phép. Khách hàng nhầm lẫn với hình thức cho vay được bảo hộ bởi pháp luật của tổ chức tín dụng với các nội dung về lãi suất rất cao và phải trả kèm theo nhiều loại phí phát sinh và lãi các khoản phí phát sinh khi thực hiện hoạt động vay tại các tổ chức tín dụng
Cũng theo Luật sư Hòe, để bảo vệ quyền lợi của mình, người tiêu dùng cần cẩn trọng, tham khảo kỹ thông tin khi có nhu cầu vay tín tiêu dùng cá nhân. Hiện nay, một số tổ chức tín dụng đặc biệt là ngân hàng có nhiều các sản phẩm cho vay nhỏ, ngắn hạn; thực hiện tín dụng chính sách gắn với các chương trình xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời khi vay tại đây, quyền lợi của người tiêu dùng sẽ được đảm bảo hơn do pháp luật đối với hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng được điều chỉnh chặt chẽ; tránh tình trạng khi tất toán, người tiêu dùng không có khả năng thanh toán.
“Trường hợp vẫn muốn sử dụng khoản vay của các công ty công nghệ tài chính thì trong hợp đồng vay, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ lại lãi suất của khoản vay đặc biệt là các phí phát sinh đi kèm các khoản vay; tiến hành thoả thuận lại với công ty công nghệ tài chính về các phí phát sinh đi kèm cũng như khoản lãi của các khoản phí phát sinh tránh tình trạng khi tất toán khoản vay người vay phải trả số tiền chênh lệch rất lớn” - Luật sư Trương Quốc Hòe nhấn mạnh.
Chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/cong-ty-co-phan-cong-nghe-tai-chinh-viet-dong-bac-khach-vay-cong-lung-ganh-lai-phi-a79197.html