Phòng ngừa đột quỵ khi tập thể dục buổi sáng vào mùa đông
Theo BSCKI Phạm Văn Cường - Khoa Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội, đột quỵ trong lúc chơi thể thao, tập luyện thể dục thường gặp ở người có sẵn yếu tố nguy cơ dẫn đến nhồi máu não hoặc xuất huyết não. Bản thân người có nguy cơ đột quỵ cũng không kiểm soát được mức độ tập luyện, dẫn đến quá sức.
Đột quỵ trong quá trình tập luyện thể dục, thể thao gặp ở người trẻ và người cao tuổi. Đặc biệt, vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết khắc nghiệt (quá nóng, quá lạnh…), người cao tuổi bị tăng huyết áp dễ xảy ra đột quỵ khi tập luyện. Nguyên nhân là cơ chế điều hòa tuần hoàn não của người già kém hơn người bình thường.
Ngoài ra, việc tập gắng sức ngay sau khi thức dậy có thể gây huyết áp tăng cao kịch phát và xảy ra đột quỵ. Bởi cơ thể vừa chuyển từ trạng thái ngủ sang thức, các hormone điều khiển hoạt động hệ thống tim mạch tăng tiết, trong khi một số chất hóa học ảnh hưởng quá trình cầm máu (Nitric oxit) đã tiêu hao sau một đêm dài. Những vận động gắng sức không hợp lý vào thời điểm này có thể gây đột quỵ vào buổi sáng sớm.
"Hàng năm, những ngày miền Bắc chớm lạnh, các ca đột quỵ nhập viện cấp cứu thường gia tăng. Tôi gặp rất nhiều trường hợp người cao tuổi uống thuốc tăng huyết áp nên chủ quan không theo dõi huyết áp. Họ dậy rất sớm đi tập luyện ngay, sau đó huyết áp tăng lên cao gây đột quỵ", bác sĩ Cường thông tin.
Đồng tình với ý kiến trên, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Minh - Bệnh viện Quân y 105 khuyến cáo, đi bộ, tập thể dục bản chất rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, trong mùa đông với điều kiện nhiệt độ ngoài trời xuống thấp, thói quen này sẽ đi liền với nguy cơ bị đột quỵ. Thời tiết lạnh không gây nguy hiểm trực tiếp, nhưng lại dễ thúc đẩy các yếu tố nguy cơ của đột quỵ trầm trọng hơn.
Các yếu tố nguy cơ này bao gồm: tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ, đái tháo đường, bệnh van tim, suy tim, hút thuốc lá… Mặt khác, trong mùa lạnh, các mạch máu có xu hướng co lại, dễ làm huyết áp tăng vọt. Không chỉ tập thể dục buổi sớm, một số người cao tuổi có thói quen thức dậy vào ban đêm hoặc nửa đêm về sáng để đi vệ sinh, khiến nhiệt độ thay đổi đột ngột, rất dễ xảy ra đột quỵ.
"Ngoài ra, tập luyện buổi sớm trong mùa đông còn tăng nguy cơ dẫn đến các bệnh lý đường hô hấp. Do vậy, mọi người nên có sự điều chỉnh thói quen đi bộ, tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng sớm", bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Minh phân tích thêm.
Nhiều học sinh phải nghỉ học do dịch cúm
Thông tin từ các cơ sở giáo dục cho thấy, hiện đã có nhiều ổ dịch cúm bắt đầu xuất hiện ở lớp học, trường học khiến nhiều học sinh phải nghỉ học điều trị.
Theo PGS-TS.Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, thời tiết lạnh vào mùa đông làm các bệnh lây truyền theo đường hô hấp phát triển và lây lan trong đó có bệnh cúm.
Bên cạnh đó sức đề kháng của con người cũng kém hơn về mùa lạnh (nhất là thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa). Đồng thời, đi lại nhiều, giao lưu, tụ tập nhiều cũng làm gia tăng bệnh cúm.
Mỗi năm có một chủng cúm khác nhau, người mắc cúm năm nay thì sang năm tới vẫn mắc lại. Hay vừa mắc cúm A, lại mắc tiếp cúm B cũng là bình thường.
Kể cả mắc cúm A hai lần trong năm cũng có xảy ra vì mắc cúm chủng này lại có thể mắc cúm chủng khác. Đặc biệt, trong môi trường lớp học đông người, cúm lây lan rất nhanh khi có nguồn bệnh.
Theo ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Bạch Mai, lượng bệnh nhân là trẻ em tới khám và nhập viện gia tăng.
Bác sĩ Đỗ Hoàng Hải, Phòng Điều trị tích cực, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, các phòng trong Trung tâm lúc nào cũng kín giường, bệnh nhân mắc cúm đến khám và điều trị rất nhiều.
Ngoài ra, hầu hết bệnh nhân nhập viện do nhiễm khuẩn đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi virus RSV, trong đó có bệnh nhi chưa đầy 1 tháng tuổi bị suy hô hấp nặng, phải thở máy. RSV không chỉ gây suy giảm miễn dịch, mà còn chuyển biến nhanh dẫn đến biến chứng nặng và còn hay đồng nhiễm hơn các loại virus khác.
Vì thế, nhiều trường hợp bội nhiễm, bác sĩ phải cho dùng kháng sinh. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, tình trạng viêm đường hô hấp do virus RSV sẽ gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho sức khoẻ, thậm chí đe dọa tính mạng của trẻ.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh, thời tiết chuyển lạnh phải lưu ý bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ, bệnh tiêu chảy mùa đông do virus…, các bệnh có vắc-xin tiêm chủng mà chưa tiêm đầy đủ cũng có thể bùng phát như bạch hầu, ho gà, sởi...
Để phòng tránh bệnh cúm lây lan trong các trường học, ông Phu khuyến cáo phụ huynh và nhà trường khi có học sinh bị cúm có thể cho học sinh đó nghỉ học.
Để phòng bệnh cho các học sinh khác có thể đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, lau chùi khử khuẩn bàn ghế, dụng cụ học tập..., ăn uống tăng cường và giữ ấm cho trẻ để tăng khả năng chống đỡ với bệnh tật và tiêm vắc-xin phòng cúm sớm, không nên để dịch xảy ra mới tiêm không đem lại hiệu quả.
Được biết, cứ đến mùa Đông - Xuân, cúm lại có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn. Khi có người mắc cúm cần cách ly, làm sạch môi trường, đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm. Tuy nhiên, đó chưa phải là biện pháp triệt để, mà phòng bệnh bằng vắc-xin mới là biện pháp hữu hiệu, an toàn nhất.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec cho hay, bệnh cúm mùa do vi rút cúm (thường là 4 chủng từ H1N1, H3N2 và 2 chủng nhóm B) gây ra và lan truyền trong cộng đồng với khả năng biến đổi kháng nguyên liên tục (chúng ta sẽ thường xuyên tiếp xúc với vi rút cúm mới) nhưng theo quy luật nhất định về di truyền. Mỗi năm, chủng vi rút cúm lưu hành khác nhau nên chúng ta cần tiêm nhắc vắc-xin cúm mùa hàng năm (1 lần trong năm).
Từ lâu WHO đã thiết lập các trạm quan trắc vi rút cúm mùa trên khắp thế giới (có cả ở Việt Nam) để phân lập, xác định vi rút cúm mùa lưu hành ở các khu vực (các vùng địa lý, khí hậu, Bắc bán cầu và Nam bán cầu).
Từ đó dự đoán, xác định chủng vi rút cúm sẽ xuất hiện vào mùa đông - xuân khu vực Bắc bán cầu (từ tháng 10 đến hết tháng 4 năm sau) và vào mùa đông - xuân khu vực Nam bán cầu (từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm).
Từ việc xác định được khả năng chủng vi rút cúm nào sẽ hoành hành ở đâu (Bắc và Nam bán cầu), WHO sẽ đưa ra các hướng dẫn về chủng vi rút cúm để sản xuất vắc-xin phòng cúm mùa cho các nhà sản xuất vắc-xin tuân theo và cung cấp cho thị trường theo thời gian tốt nhất (Bắc bán cầu là vào tầm tháng 8-9, còn Nam bán cầu là vào tháng 4-5 hàng năm).
Đó là lý do tại sao chúng ta sống ở Việt Nam lại cần tiêm vắc-xin cúm mùa mỗi năm 1 lần và vào thời điểm trước khi mùa bệnh cúm bắt đầu, cũng như cần tiêm đúng vắc-xin theo mùa đã được khuyến cáo.
Do Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa nên mùa cúm ở miền Bắc và miền Nam có thể lệch nhau chút về thời gian, nhưng vì nước ta nằm trọn vẹn ở Bắc bán cầu và theo khuyến cáo của WHO, nên tiêm đúng chủng loại vắc-xin Bắc bán cầu theo mùa, tức là bao trùm từ mùa đông năm nay tới hết mùa xuân năm sau.
Số mắc sốt xuất huyết lần đầu xuống dưới mốc 2.000 ca/ tuần kể từ giữa tháng 9
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ ngày 24/11 đến ngày 1/12, toàn thành phố ghi nhận 1.715 trường hợp mắc SXH. Số mắc mới tập trung nhiều tại Hà Đông (180 ca), Đống Đa (170 ca), Thanh Oai (161 ca), Phú Xuyên (134 ca), Hoàng Mai (109 ca)…
Trong tuần qua, Hà Nội cũng ghi nhận 33 ổ dịch SXH mới tại 13 quận, huyện, thị xã; giảm 49 ổ dịch so với tuần trước đó. Đống Đa có số ổ dịch mới nhiều nhất với 6 ổ dịch; tiếp đến là Hoàng Mai và Hà Đông có 4 ổ dịch…
Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 37.441 trường hợp mắc SXH, 4 ca tử vong. Hiện còn 88 ổ dịch đang hoạt động.
Về các dịch bệnh khác, trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 22 trường hợp mắc tay chân miệng, giảm 23 ca so với tuần trước đó...
Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, dù số mắc SXH đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, vì thế người dân không được phép chủ quan. Tuần này, Sở Y tế sẽ tiếp tục tăng cường công tác giám sát phòng, chống SXH tại các ổ dịch ở Hà Đông, Tây Hồ, Phú Xuyên.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-doi-song-412-phong-ngua-dot-quy-khi-tap-the-duc-vao-mua-dong-a79362.html