Trầm cảm sau sinh là gì?
Vậy trầm cảm là gì?
Bệnh trầm cảm/rối loạn trầm cảm (Depression) là một bệnh rối loạn tâm trạng thường gặp. Trầm cảm được xem là bệnh khi trạng thái cảm xúc này diễn ra trong thời gian dài , chúng kéo dài trong nhiều tháng, nhiều năm và chúng làm rối loạn hoạt động của cơ thể (như mệt, nhức mỏi cơ thể, đau đầu, đau vai gáy, sụt cân, mất ngủ...) và làm giảm chức năng học tập, sinh hoạt (như giảm tập trung chú ý, giảm trí nhớ, giảm sút hiệu quả và kết quả học tập), xã hội (như mất việc, mất sức, mất hứng thú lao động, làm việc...) của cá nhân đó. Nguy hiểm hơn khi trầm cảm khiến cho người đó có những ý tưởng kỳ lạ, làm hại đến bản thân (như nghiện rượu, nghiện chất kích thích, gây nghiện, tự rạch da, tự cắt tay...), đặc biệt là ý nghĩ và hành vi tự sát, kết liễu cuộc sống.
Không chỉ làm tăng nguy tự sát, chứng trầm cảm còn ảnh hưởng đến hoạt động học tập và lao động. Người bệnh dần dần tách rời ra khỏi tập thể khiến chất lượng cuộc sống giảm sút. Ngoài ra, chứng trầm cảm còn làm tăng gánh nặng lên gia đình và xã hội. Vì vậy, việc phát hiện bệnh sớm là vấn đề hết sức cần thiết để có thể tiến hành thăm khám và điều trị kịp thời.
Bệnh lý đáng sợ như thế nào đối với phụ nữ vừa sinh?
Về cơ bản, bệnh trầm cảm sau sinh là tình trạng người phụ nữ bị rối loạn cảm xúc, hay có suy nghĩ tiêu cực, mệt mỏi, buồn chán và lo lắng về nhiều vấn đề trong cuộc sống. Bệnh lý này có thể ở mức nhẹ, vừa hoặc nặng, tự khỏi hoặc thậm chí sẽ không thể tự hết nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.
Bệnh sẽ càng trở nên trầm trọng nếu thời điểm sau sinh, người mẹ gặp khó khăn trong việc chăm sóc em bé mà gia đình lại có mâu thuẫn không thể gỡ bỏ hoặc khó khăn về tài chính... Đặc biệt, nếu trong gia đình có người từng bị trầm cảm thì người phụ nữ sau khi sinh cũng có nguy cơ mắc trầm cảm nhiều hơn.
Dấu hiệu nhận biết việc người phụ nữ bị trầm cảm sau sinh
- Buồn bã, chán nản nghiêm trọng.
- Khó kiểm soát cảm xúc: khó chịu, khóc hoặc cáu gắt.
- Chán ăn hoặc ăn nhiều hơn bình thường.
- Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
- Thiếu năng lượng, luôn mệt mỏi.
- Giảm hứng thú với các sở thích cá nhân.
- Giảm khả năng tập trung và đưa ra quyết định.
- Trí nhớ kém và giảm khả năng phân tích vấn đề.
- Khó gắn kết với em bé.
- Lo lắng nghiêm trọng và hoảng loạn.
- Luôn lo lắng về sức khỏe và tương lai của con.
- Nghi ngờ về khả năng chăm sóc con của mình.
- Cảm giác vô dụng, vô vọng, kém cõi hoặc tội lỗi.
- Có suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử.
- Có ý nghĩ làm hại người thân hoặc em bé.
Trầm cảm sau sinh thường xuất hiện khoảng 1 - 3 tuần sau sinh. Tình trạng này có thể kéo dài đến 1 năm.
Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống?
Đối với bản thân người mẹ, trầm cảm sau sinh có thể khiến mẹ bị suy dinh dưỡng, sụt cân, suy nhược thần kinh, có những suy nghĩ hoang tưởng và dễ dẫn đến hành vi nguy hiểm, tự gây hại cho bản thân.
Khi đã bị người mẹ sẽ không có đủ tâm trí để chăm sóc cho gia đình và đứa con sơ sinh được tốt, gia đình vì thế sẽ không được vui vẻ. Đặc biệt, khi trầm cảm nặng thì người mẹ thường hay có suy nghĩ tự tử, một số người bị rối loạn tâm thần và luôn có cảm giác bị hại nên luôn tìm cách để trả thù hay đối phó với mọi người muốn đến gần mình. Thậm chí, có những bà mẹ còn nghĩ con mình bị ma quỷ nhập nên tìm cách trừ tà, hại đến tính mạng của bé. Thực tế đã chứng minh, có rất nhiều vụ việc đau lòng xảy ra khi phụ nữ bị trầm cảm sau sinh.
Cách phòng tránh trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh là điều không ai mong muốn, nhưng đôi khi nó xuất hiện bất ngờ làm xáo trộn và gây khó khăn cho cuộc sống của người mẹ và gia đình. Trầm cảm sau sinh không chỉ gây ảnh hưởng đến người mẹ mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe và hạnh phúc của trẻ. Vì vậy, nếu bạn đang mang thai và sinh con thì nên duy trì một vài biện pháp dưới đây để có thể làm giảm nguy cơ bị trầm cảm sau sinh:
- Tập thể dục: Vận động có tác dụng rất tốt để nâng cao tinh thần và cải thiện cảm xúc.
- Nghỉ ngơi đầy đủ: Suy nhược và ngủ không đủ giấc có thể khiến bạn bị căng thẳng và khó kiểm soát cảm xúc của mình. Vì vậy ngủ đủ giấc rất quan trọng để tâm trạng của bạn luôn tốt. Nhiều người mẹ thường tranh thủ lúc con ngủ để làm việc nhà hoặc hoàn thành công việc. Điều này không hề tốt vì bạn sẽ không thể ngủ được khi con bạn đang thức. Các bà mẹ được khuyên là hãy sinh hoạt theo giờ giấc của con mình. Hãy cố gắng ngủ khi con bạn đang ngủ.
- Thư giãn: Bạn hãy dành thời gian cho chính mình để làm những gì bạn yêu thích. Xua tan mọi suy nghĩ và thả lỏng cơ thể sẽ giúp bạn giảm căng thẳng và mệt mỏi. Bên cạnh đó, bạn nên chơi đùa với con để tăng sự gắn bó.
- Sự hỗ trợ từ người thân: Sự chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ tinh thần từ gia đình là rất quan trọng để bạn không bị trầm cảm. Đặc biệt là sự động viên của người chồng quan trọng hơn cả để giúp người phụ nữ có cảm giác yên tâm và tự tin hơn trong vai trò mới của mình. Quan trọng là bạn hãy cố gắng cởi mở và trò chuyện nhiều hơn với chồng, gia đình hoặc ai đó biết lắng nghe về những cảm xúc mà mình đang có.
- Chăm sóc bản thân: Sau khi sinh con, có nhiều phụ nữ bỏ bê không chăm sóc vẻ ngoài của mình. Điều này qua thời gian có thể khiến họ cảm thấy chán nản. Vì vậy, ngoài việc chăm sóc sức khỏe thì việc làm đẹp cho bản thân cũng rất cần thiết để tăng sự tự tin và lạc quan.
- Suy nghĩ tích cực: Suy nghĩ tích cực là liều thuốc quan trọng cho những vấn đề mà bạn gặp phải. Có cái nhìn tích cực về bản thân, về cuộc sống tương lai, về vai trò làm mẹ và về đứa con của mình sẽ giúp bạn hạn chế nguy cơ trầm cảm sau sinh.
- Có sự chuẩn bị đầy đủ: Hãy trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về mang thai và sinh con. Điều này sẽ giúp bạn bớt lo lắng, sợ hãi và có khả năng giải quyết một số vấn đề gặp phải trong quá trình mang thai và chăm sóc con. Ngoài ra, tham gia một vài khóa học cho phụ nữ mang thai hoặc khóa học chăm con cũng mang lại lợi ích cho bạn.
Hồ Nga (T/H)
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/tram-cam-sau-sinh-noi-lo-lang-cua-moi-nha-a79408.html