Hai dự án đường hơn 375 tỷ đồng hoàn thành nhưng chưa thể thông tuyến

Việc các tuyến đường giao thông đã thực hiện cơ bản hoàn thành nhưng còn vướng mắc, chưa đấu nối được, khiến dư luận tỉnh Quảng Bình quan tâm.

Tuyến đường từ cầu Nhật Lệ II đến đường tránh Tp.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, thuộc dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải-Tiểu dự án TP.Đồng Hới do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Ban Quản lý dự án Môi trường và Biến đổi khí hậu (QLDA MT-BĐKH) TP.Đồng Hới là đơn vị được UBND tỉnh giao thực hiện dự án.

Tuyến đường có tổng mức đầu tư 165,202 tỷ đồng, theo kế hoạch phải hoàn thành trước ngày 30/6/2023. Tuy nhiên, đến nay, tuyến đường này không thể hoàn thành vì chưa thi công hạng mục nút giao thông đấu nối vào Quốc lộ 1 tuyến tránh TP.Đồng Hới tại Km665+640 (T).

Tại Quảng Bình, ngoài dự án trên, tuyến đường nối từ Quốc lộ 1 đến quảng trường biển xã Ngư Thủy Bắc dài 5,5 km, thiết kế 4 làn xe, có tổng mức đầu tư 210 tỷ đồng, cũng bị vướng mắc đấu nối.

Đây là một trong các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm khu vực phía Nam của tỉnh Quảng Bình, nguồn vốn từ nguồn ngân sách đầu tư công trung hạn Trung ương phân bổ cho tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2025.

Dân sinh - Hai dự án đường hơn 375 tỷ đồng hoàn thành nhưng chưa thể thông tuyến

Tuyến đường nối từ Quốc lộ 1 đến Quảng trường biển xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thuỷ gặp vướng mắc trong việc đấu nối với đường tránh lũ BOT (Ảnh: N.T).

UBND huyện Lệ Thủy, đơn vị được giao làm chủ đầu tư Dự án cho biết, qua hơn 2 năm triển khai, Dự án đã vượt tiến độ ở những vị trí đã được bàn giao mặt bằng sạch, song lại gặp vướng mắc lớn khó giải quyết trong việc đấu nối Dự án vào đường tránh lũ BOT của tuyến Quốc lộ 1 tại Km696+839.

Việc các dự án (DA) đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông đã thực hiện cơ bản hoàn thành nhưng còn vướng mắc, chưa đấu nối được với tuyến đường BOT (đường tránh Quốc lộ 1), khiến dư luận tỉnh Quảng Bình quan tâm.

Theo ông Phạm Văn Năm, Giám đốc sở GTVT tỉnh Quảng Bình, đối với các điểm đấu nối còn vướng mắc (điểm đấu nối có khả năng phân lưu), Sở GTVT đã có nhiều công văn báo cáo, tham mưu nhiều văn bản của UBND tỉnh đề nghị Bộ GTVT xem xét, giải quyết.

Theo đó, ngày 18/6/2020, Bộ GTVT đã làm việc trực tiếp với tỉnh Quảng Bình và nhà đầu tư BOT để bàn phương án xử lý. Tuy nhiên, vẫn chưa giải quyết được do chưa có sự thống nhất từ phía nhà đầu tư.

Để tháo gỡ các vướng mắc về đấu nối vào đường BOT, Sở GTVT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh có Công văn số 1655/UBND-XDCB, ngày 26/8/2021 gửi Bộ GTVT đề nghị giải quyết. Theo đó, Bộ GTVT có Công văn số 10252/BGTVT-KCHT ngày 30/9/2021 gửi UBND tỉnh đề nghị làm việc với nhà đầu tư để thống nhất giải pháp xử lý; sau khi có được sự thống nhất của các bên, Bộ GTVT sẽ thực hiện thỏa thuận đấu nối theo đúng quy định; UBND tỉnh cũng đã chủ trì tổ chức nhiều buổi làm việc với nhà đầu tư và các sở, ngành, địa phương có liên quan để bàn giải pháp nhưng vẫn không thống nhất được phương án.

Tại buổi làm việc của đoàn công tác các thành viên Chính phủ với tỉnh Quảng Bình, Sở GTVT cũng đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo và kiến nghị về các vướng mắc liên quan đến việc đấu nối vào đường BOT trên địa bàn tỉnh.

Dân sinh - Hai dự án đường hơn 375 tỷ đồng hoàn thành nhưng chưa thể thông tuyến (Hình 2).

Tuyến đường từ cầu Nhật Lệ II đến đường tránh TP.Đồng Hới chưa thể thông tuyến vì nhà đầu tư BOT Trường Thịnh không chấp thuận việc đấu nối.

Theo đó, đoàn công tác đã có ý kiến và được Bộ GTVT trả lời tại Văn bản số 10425/BGTVT-KCHT, ngày 18/9/2023. Cụ thể, “Theo ý kiến của nhà đầu tư BOT, việc đấu nối đường nhánh vào quốc lộ được đầu tư xây dựng theo hình thức BOT trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có thể làm phân lưu lượng dẫn đến giảm doanh thu của dự án BOT, phá vỡ phương án tài chính, phương án thu hồi nợ của ngân hàng cho vay đầu tư. Như vậy sẽ dẫn đến khả năng cơ quan nhà nước phải bồi thường do vi phạm hợp đồng BOT đã ký kết với nhà đầu tư.

Do tính chất phức tạp của hợp đồng BOT, để bảo đảm thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đầu tư, Bộ GTVT tiếp tục phối hợp với UBND các tỉnh cân nhắc lợi ích và hiệu quả để chọn phương án phù hợp, hài hòa lợi ích và trách nhiệm của các bên liên quan theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Giao thông đường bộ...

Bộ GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu ý kiến của tỉnh Quảng Bình và của nhà đầu tư về việc đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp với các tuyến đường BOT trên quốc lộ trong quá trình xây dựng Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đường bộ”.

Mới  đây, tại cuộc họp vào ngày 28/11, giữa đoàn công tác các thành viên Chính phủ và UBND tỉnh Quảng Bình, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị. Đoàn công tác đã thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì làm việc với nhà đầu tư BOT để thống nhất phương án xử lý, sớm giải quyết các vướng mắc về đấu nối vào các tuyến đường BOT trên địa bàn tỉnh.

Cũng theo ông Phạm Văn Năm, các vướng mắc về đấu nối vào các tuyến đường BOT trên địa bàn tỉnh làm ảnh hưởng rất lớn phát triển kinh tế-xã hội địa phương, cần sớm tháo gỡ để tạo thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp, để giải quyết, cần phải có sự thống nhất của UBND tỉnh (địa phương), Bộ GTVT (cơ quan có thẩm quyền), nhà đầu tư BOT.

Thời gian tới, Sở GTVT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT sớm có giải pháp xử lý, tháo gỡ các vướng mắc về đấu nối đường nhánh vào các tuyến đường BOT trên địa bàn tỉnh.

Ông Võ Minh Hoài, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP tập đoàn Trường Thịnh (nhà đầu tư tuyến đường BOT) đồng tình với ý kiến của Sở GTVT và nhấn mạnh cần kiến nghị Quốc hội, Chính phủ để sớm giải quyết dứt điểm vấn đề này theo đúng quy định pháp luật và hài hòa lợi ích của các bên liên quan, qua đó bảo đảm quyền lợi thu hồi vốn đầu tư của nhà đầu tư theo hợp đồng đã ký kết.

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/hai-du-an-duong-hon-375-ty-dong-hoan-thanh-nhung-chua-the-thong-tuyen-a79452.html