Nhiều trẻ viêm phổi do vi khuẩn tụ cầu, cách phát hiện sớm căn bệnh này

Những ngày qua, số lượng bệnh nhi đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn được chẩn đoán bị viêm phổi tụ cầu tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Dù bệnh không gây thành dịch nhưng mức độ nguy hiểm là rất lớn với tỷ lệ tử vong cao.

Trong hàng trăm bệnh nhân viêm phổi nhập viện thì có đến 1/3 trong số đó mắc viêm phổi do vi khuẩn tụ cầu. Điều đáng nói là rất nhiều phụ huynh nhầm lẫn với các bệnh lý khác, khiến thời gian điều trị lâu hơn, trẻ dễ gặp phải những di chứng nặng nề.

Vi khuẩn tụ cầu vàng có ở đâu?

Tụ cầu vàng là một loại vi khuẩn tụ cầu có độc tính cao, có thể kháng với nhiều loại kháng sinh nếu người bệnh không tuân thủ điều trị của bác sĩ. Đây là loại vi khuẩn gây nên nhiều bệnh cấp tính nặng, rất khó điều trị và có thể dẫn đến tử vong nếu không được trị liệu kịp thời.

Vi khuẩn tụ cầu vàng có mặt khắp mọi nơi trong môi trường tự nhiên, có nhiều ở môi trường bệnh viện. Đa phần các trường hợp bị nhiễm khuẩn tụ cầu vàng đều tìm thấy vi khuẩn này trên da. Chúng thường xâm nhập thông qua vết thương hoặc vết cắt. Ngoài ra, vi khuẩn này cũng có thể sinh sống trên bề mặt vật dụng cá nhân và lây truyền từ người này sang người khác qua chạm vào các bề mặt này…

Ở người khỏe mạnh tỷ lệ mang tụ cầu vàng từ 20 - 50% và tỷ lệ này cao hơn ở những người có tình trạng suy giảm miễn dịch, tiêm chích ma túy, tiểu đường, người lọc máu, bị các tổn thương ngoài da. Không chỉ gây ngộ độc thực phẩm khi vi khuẩn này xâm nhập vào quá trình chế biến, khi bảo quản thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, tụ cầu vàng khi xâm nhập vào cơ thể còn gây nhiễm trùng huyết, làm suy đa cơ quan và tử vong nhanh chóng.

Chính vì vậy, viêm phổi do tụ cầu khuẩn là bệnh nhiễm khuẩn rất nặng, có tỷ lệ tử vong cao. Người bị nhiễm tụ cầu vào phổi qua hai đường: Hít thở tụ cầu vào theo đường hô hấp hoặc tụ cầu từ các ổ nhiễm khuẩn da hay cơ quan khác theo đường máu vào phổi, rồi gây viêm phổi.

Nhiều trẻ viêm phổi do vi khuẩn tụ cầu, cách phát hiện sớm căn bệnh này- Ảnh 2.

Viêm phổi tụ cầu là một bệnh nặng, có tỷ lệ tử vong cao.

Biểu hiện viêm phổi do tụ cầu

Một bệnh nhân bị bệnh cúm, sau vài ngày thì sốt cao, khó thở, ho dữ dội, suy kiệt nhanh chóng, đau ngực, nhiễm độc... là biểu hiện của viêm phổi. Bệnh thường kèm theo viêm họng dịch rỉ, nổi ban dạng tinh hồng nhiệt, có triệu chứng nhiễm độc toàn thân. Ở trẻ em viêm khí quản do tụ cầu thường có dấu hiệu nhiễm độc toàn thân, nuôi cấy dịch họng thấy tụ cầu dương tính, nhưng chỉ có ít thâm nhiễm ở phổi. Nguyên nhân nổi trội gây ra bệnh viêm xoang mạn tính, viêm xoang bướm là tụ cầu vàng.

Trên thực tế các thể bệnh viêm phổi do tụ cầu thường liên quan đến các bệnh cúm, sởi, hay gặp ở người mắc bệnh mạn tính, người bị suy giảm miễn dịch, bệnh nhân đặt nội khí quản. Triệu chứng bệnh phụ thuộc vào tuổi và sức khỏe của bệnh nhân. Khi bị viêm phổi, triệu chứng của bệnh cúm sởi thường nặng lên. Biểu hiện phổ biến là sốt cao, mạch nhanh, thở nhanh, ho. Khám thấy rì rào phế nang giảm và nhiều ổ ran nổ. Bệnh nhân có thể bị suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn. Ở giai đoạn này hay xảy ra 2 biến chứng là tràn dịch màng phổi và mủ màng phổi.

Khi khám các bác sĩ xét nghiệm đờm sẽ thấy tụ cầu, nhuộm soi đờm thấy tụ cầu tập trung từng đám cạnh bạch cầu, nhìn thấy tụ cầu trong bạch cầu, vì tụ cầu còn sống nhiều giờ sau khi bị thực bào. Chụp X-quang phổi thấy nhiều ổ viêm phổi dạng tròn, kích thước không đều, không đối xứng hai bên phổi. Nuôi cấy máu, đờm, dịch màng phổi thấy tụ cầu.

‎Tóm lại: Viêm phổi tụ cầu là một bệnh nặng, tỷ lệ tử vong cao, việc điều trị đòi hỏi phải hồi sức tích cực và dùng kháng sinh đúng. Vì vậy, khi có biểu hiện bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ. Cha mẹ cần nhớ không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ, dùng kháng sinh phải đủ liều lượng, đủ thời gian, tuyệt đối không tự ý mua thuốc kháng sinh cho trẻ uống, để hạn chế vi khuẩn kháng thuốc.

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/nhieu-tre-viem-phoi-do-vi-khuan-tu-cau-cach-phat-hien-som-can-benh-nay-a79538.html